Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, TAND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An vừa có quyết định đưa ra xét xử sơ thẩm đối với ông Lê Tùng Vân và các đồng phạm trong vụ án hình sự xảy ra tại nơi được những người này gọi là “Tịnh thất Bồng Lai”.
Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 30-6 tới đây và do thẩm phán Nguyễn Khắc Linh Duy làm chủ tọa.
VKS tỉnh ban hành cáo trạng truy tố
Trước đó, vào ngày 8-6, VKSND tỉnh Long An đã ban hành cáo trạng truy tố đối với sáu bị can gồm: Lê Tùng Vân, Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương, Lê Thanh Nhị Nguyên và Cao Thị Cúc về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 BLHS.
Ông Lê Tùng Vân và các đồng phạm đều có tình tiết tăng nặng là phạm tội có tổ chức. |
Theo cáo trạng, từ năm 2019 đến 2021, các bị can nêu trên đã lợi dụng hình thức tôn giáo, thông tin sai sự thật, bịa đặt... để đăng tải năm video clip, một bài viết... trên mạng xã hội Facebook và YouTube có nội dung xúc phạm Phật giáo, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của ông Nhật Tử; xuyên tạc, xúc phạm uy tín của Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Trong đó, ông Lê Tùng Vân bị cáo buộc là người tổ chức, quyết định, chỉ đạo điều hành mọi hoạt động; phân công vai trò, nhiệm vụ cho các bị can khác viết kịch bản, tập hát… và tạo một số tài khoản mạng xã hội để đăng những sinh hoạt, hành động nơi đây.
Cả sáu bị can đều có tình tiết tăng nặng là phạm tội có tổ chức, phạm tội hai lần trở lên. Riêng bị can Trùng Dương có tình tiết giảm nhẹ là đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.
Tòa huyện xét xử là có căn cứ
Theo cáo trạng, VKSND tỉnh Long An quyết định truy tố ra trước TAND huyện Đức Hòa để xét xử đối với sáu bị can nêu trên.
ngay khi TAND huyện Đức Hòa ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử, nhiều bạn đọc đã thắc mắc: Vì sao VKSND tỉnh Long An không truy tố các bị can ra trước TAND tỉnh Long An để xét xử mà lại là TAND huyện Đức Hòa?
Trong khi trước đó, vào ngày 24-2, VKSND huyện Đức Hòa đã có quyết định chuyển vụ án đến Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An để điều tra theo thẩm quyền. Cơ quan này cũng yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Hòa thực hiện việc chuyển hồ sơ vụ án, vật chứng và bị can cho Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An.
Giải đáp thắc mắc trên, TS Bùi Kim Hiếu, Trưởng Khoa luật Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, cho biết VKSND tỉnh Long An chuyển cáo trạng truy tố kèm hồ sơ vụ án đến TAND huyện Đức Hòa để xét xử là phù hợp với quy định pháp luật.
“Vụ án cho thấy các bị cáo có dấu hiệu phạm tội có tổ chức và ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của Phật giáo, tạo dư luận lớn nên thuộc thẩm quyền điều tra của Công an tỉnh Long An và VKSND tỉnh Long An có thẩm quyền giám sát hoạt động điều tra” - TS Hiếu phân tích.
Riêng về thẩm quyền xét xử, tòa án cấp huyện được xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, trừ một số tội như tội xâm phạm an ninh quốc gia... Đồng thời, Điều 269 BLTTHS 2015 có quy định tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự là tòa án nơi tội phạm được thực hiện.
Đồng tình, luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết các bị can trong vụ án trên bị truy tố theo khoản 2 Điều 331 BLHS năm 2015 với khung hình phạt 2-7 năm tù (tội phạm nghiêm trọng) và nơi tội phạm được thực hiện là huyện Đức Hòa.
Vì vậy, vụ án trên thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện theo Điều 268 BLTTHS 2015. Việc VKSND tỉnh Long An truy tố các bị can ra TAND huyện Đức Hòa là phù hợp.
Tòa triệu tập tám nhân chứng là cán bộ công an
Theo nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM, để chuẩn bị cho phiên xử sơ thẩm ngày 30-6, tòa án đã gửi giấy triệu tập đối với 16 nhân chứng. Trong đó có bảy cán bộ Công an huyện Đức Hòa, một cán bộ Công an thị trấn Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa).
Ngoài ra, trong vụ án này còn một đối tượng khác là Lê Thu Vân, hiện đã đi khỏi nơi cư trú. Cơ quan an ninh điều tra chưa tìm được nên đã ra quyết định tách vụ án hình sự với đối tượng này, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.