Vụ Vũng Tàu mất cục phóng xạ: Những lời khai đầy nghi vấn

Đến cuối ngày 8-4, sau ba ngày liên tiếp đoàn liên ngành của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (có sự tham gia của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ KH&CN) tìm kiếm khắp nơi nhưng vẫn chưa tìm thấy nguồn phóng xạ Co-60 ở Nhà máy thép Pomina 3 (huyện Tân Thành). Hiện các cơ quan chức năng đang lên kế hoạch về khả năng mở rộng quy mô tìm kiếm sang các địa phương lân cận như TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương.

Mở rộng địa bàn tìm kiếm

Theo các cơ quan chức năng, thông thường khi nguồn phóng xạ bị đưa ra ngoài sẽ bị bán phế liệu bởi đây là cục sắt to nặng khoảng 45-50 kg và dài gần 0,5 m. Ngoài ra, nguồn phóng xạ cũng chứa chì nên có khả năng chúng được bán cho các cơ sở tái chế đúc chì. Một điểm đến nữa của thanh nguồn là các nhà máy tái chế thép. Do vậy, các cơ quan chức năng đang tập trung ở các vựa ve chai, nhà máy thép ở Bà Rịa-Vũng Tàu và sắp tới việc tìm kiếm có thể được mở rộng qua Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM. Cùng với việc tìm kiếm, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn tập trung vào các cá nhân liên quan để xác định các “mấu chốt thông tin” như mất thời điểm nào, nguyên nhân do đâu…

Chính việc tìm kiếm vô vọng trong những ngày qua đã dấy lên nhiều nghi vấn. Theo đó, nguồn phóng xạ này khá nặng nên không dễ di chuyển đi nơi khác, đồng thời với sự quản lý chặt chẽ nên rất khó qua cửa bảo vệ của nhà máy để mang ra ngoài. Từ đó có nghi vấn cho rằng nguồn phóng xạ đã được đưa ra khỏi nhà máy bằng xe một cách có chủ ý. 

Không tìm thấy nguồn phóng xạ tại bãi rác Tóc Tiên theo thông tin của người dân. Ảnh: TK

Ông Đào Hữu Hùng - nhân viên an toàn bức xạ cũ của nhà máy thép 

“Để phóng xạ cạnh hàng hóa”

Theo tìm hiểu của Pháp Luật TP.HCM, giữa tường trình của ông Hùng và Nhà máy Pomina 3 về thời gian bị mất có nhiều mâu thuẫn. Câu chuyện càng trở nên phức tạp khi có thông tin nguồn phóng xạ đã bị mất từ nhiều tháng trước.

Tối 8-4, chúng tôi đã cố gắng gặp, trao đổi trực tiếp với ông Hùng tại Vũng Tàu để làm rõ hơn những “bất thường” xung quanh câu chuyện. Tiếp chuyện, ông Hùng nói: “Nếu công ty có kho đủ tiêu chuẩn chứa những nguồn phóng xạ và xử lý tốt hơn khi phát hiện nó bị mất từ cách đây gần năm tháng thì không có sự vụ như hôm nay. Việc để phóng xạ mất có phần trách nhiệm của tôi nhưng cái chính là phía nhà máy. Trước đó, tôi đã báo nhưng nhà máy thờ ơ tìm kiếm”.

Ông Hùng kể từ tháng 9-2014 ở nhà máy có sự cố làm thép lỏng tràn xuống dính vào nguồn phóng xạ trên nên một số công nhân tháo nguồn phóng xạ ra yêu cầu kiểm tra. “Do nhà máy không có thiết bị nên chúng tôi qua Nhà máy Pomina 2 mượn thì mới biết nguồn phóng xạ này bị hư. Sự việc được báo cáo cho lãnh đạo nhà máy và nguồn phóng xạ được đưa vào kho, là một góc kho hàng hóa, chỉ có hàng rào lưới sắt ngăn tạm. Vì vậy, những công nhân hằng ngày trực tiếp ra vào lấy nguyên liệu thấy sợ và phản ứng. Cuối tháng 9-2014, tôi làm tờ trình mua chì về bọc nguồn phóng xạ lại nhưng chờ mãi không thấy nên công nhân (trong đó có cả ông Thân, tổ trưởng tổ chuẩn bị sản xuất) tiếp tục phản ứng, không dám vào trong kho lấy hàng ra” - ông Hùng nói tiếp.

Một cục phóng xạ, hai lời khai

Cũng theo lời ông Hùng, sau đó theo yêu cầu của một phó giám đốc nhà máy (tên Khang), ông di dời nguồn phóng xạ này ra ngoài. Nắm kiến thức chuyên môn nên ông biết vẫn an toàn khi tiếp xúc với nguồn phóng xạ này trong 3-4 giờ nhưng không ai dám phụ giúp. Vì vậy, ông Hùng bỏ nó vào thùng gỗ đựng gạch rồi đưa lên xe nâng mang ra ngoài, chọn chỗ vắng trong nhà máy phủ bao lên và hằng ngày ông đều đi kiểm tra. Nhưng đến sáng 17-11-2014, ông không còn thấy nó nữa. Ngay sau đó ông báo thông tin này cho ông Tuấn - Phó Giám đốc nhà máy và được chỉ đạo tìm kiếm vẫn không thấy. Đến tháng 3-2015, do sức khỏe không đảm bảo, ông Hùng xin nghỉ việc và được cho nghỉ từ ngày 1-4 và ngày 2-4, ông được Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh mời lên làm việc liên quan đến việc thất lạc nguồn phóng xạ. “Sự việc xảy ra tôi cảm thấy rất áy náy vì ban đầu chỉ muốn chuyển nguồn phóng xạ ra xa khỏi công nhân. Không ngờ điều này có thể gây ra các ảnh hưởng đến người khác. Tuy nhiên, tôi cũng nghi ngờ nguồn phóng xạ vẫn còn nằm trong nhà máy vì quy trình kiểm tra của nhà máy khá nghiêm ngặt, không dễ mang nó ra” - ông Hùng nhận xét.

Mang các nghi vấn này trao đổi với Đại tá Bùi Văn Thảo, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thì được ông cho biết công an tỉnh đang khẩn trương, huy động mọi biện pháp nghiệp vụ để sớm tìm nguyên nhân, tìm ra nguồn phóng xạ đang thất lạc để công bố thông tin. “Chúng tôi đã làm việc với ông Hùng. Tuy nhiên, tường trình của ông Hùng và nhà máy có nhiều điểm không thống nhất. Chúng tôi cần điều tra, xác minh nên chưa thể kết luận và công bố được gì” - Đại tá Thảo nói.

“Ông Hùng nhớ không đầy đủ”

Theo phía Nhà máy Pomina 3, những tường trình của ông Hùng không chính xác. Họ cho hay đến tháng 3-2015, khi bàn giao công việc giữa ông Hùng cho cán bộ khác trước khi nghỉ mới phát hiện ra việc mất nguồn phóng xạ này. Nhà máy có năm nguồn phóng xạ lắp đặt trên dây chuyền sản xuất. Đến tháng 1-2015 thì nguồn phóng xạ Co-60 (sản xuất năm 2010, có hạn sử dụng năm năm) bị sự cố phải tháo ra cất, chờ thay thế thiết bị mới. Nhưng sau khi tháo ra, cất thì không rõ có cất vào kho hay không và Pomina 3 cũng không biết mất lúc nào vì không có biên bản tháo dỡ hay chứng từ xuất, nhập kho lưu trữ nguồn phóng xạ. Ngày 25-3, khi bàn giao công việc, tài sản do thay đổi nhân sự phụ trách an toàn bức xạ thì mới biết nguồn phóng xạ Co-60 trên mất. Sự việc được báo lên ban lãnh đạo nhà máy song đến ngày 1-4, Pomina 3 mới có đơn trình báo cơ quan chức năng.

Khi được công an công bố lời khai của ông Hùng, một lãnh đạo Nhà máy Pomina 3 cho rằng ông Hùng nhớ sự việc không đầy đủ.

 

Ông Hùng không có mặt thời điểm xảy ra vụ Nổ tại Nhà máy Thép Pomina 3, tháng 4-2014

          Tối 8-4, trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Đào Đức Hùng cho hay vào làm việc tại Nhà máy Thép Pomina 3 từ khoảng tháng 5-2013. Ông là nhân viên an toàn thứ năm trong gần ba năm qua tại Pomina3, thời gian làm việc lâu nhất. Ngoài nhiệm vụ an toàn viên, ông cũng đảm nhiệm một số công việc khác trong nhà máy, mức lương chỉ hơn 6 triệu đồng. Lý do ông xin nghỉ việc là vì sức khỏe. Sau Tết Nguyên đán 2015, ông Hùng đi khám thì có dấu hiệu men gan tăng cao. “Lương tâm tôi không thanh thản khi chưa tìm ra nguồn phóng xạ. Tôi rất mong muốn được cùng tham gia vào đoàn tìm kiếm. Trong bản tường trình, tôi đã nói rõ những người như anh Thân, anh Khang, anh Sỹ, anh Ý, anh Tuấn…đều cần viết tường trình về vụ việc. Bây giờ, nếu nhà máy cố ý đổ hết trách nhiệm cho tôi, thay đổi tường trình của những người đó, đó là hành động của họ, tôi cũng không làm gì được” - ông Hùng chia sẻ thêm.

           Theo tư liệu của báo Pháp Luật TP.HCM về vụ Nổ tại Nhà máy Thép Pomina 3 xảy ra lúc 18 giờ 15 ngày 11-4-2014 khiến 12 công nhân bị thương nặng, thời điểm này ông Hùng là nhân viên an toàn của Nhà máy. Cơ quan chức năng kết luận, nguyên nhân vụ nổ là do tai nạn khi một công nhân vận hành đã chậm trễ đóng nắp thùng rót thép. Lúc đó nhiệt độ của thép gần 1600 độ C, sóng sánh và trào ngược lên phía trên miệng thùng gây tiếng nổ lớn, lửa bùng lên. Thép và xỉ rất nóng đã trào ra ngoài rơi xuống sàn đúc gặp nhiệt độ lạnh cũng phát nổ khiến các công nhân đang vận hành khuôn đúc, thùng rót và một số công nhân trực bảo trì tại khu vực xung quanh khoảng 10m bị bỏng.

Khoảng 21 giờ 30 gần 22 giờ ngày 11-4-2014, Cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có mặt tại nhà máy để ghi nhận vụ việc. Lúc này các lãnh đạo nhà máy không có mặt, chỉ có ông Hùng cùng một số người khác. Khi được hỏi tại thời điểm xảy ra tai nạn thì có người giám sát an toàn không, là ai? Ông Hùng trả lời với báo chí và cơ quan chức năng “Lúc xảy ra tai nạn không có ai giám sát an toàn. Toàn nhà máy chỉ có tôi giám sát an toàn nhưng tôi làm việc theo giờ hành chính”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm