Sau gần một tháng nhập học, không ít tân sinh viên (SV) rơi vào tình trạng stress, muốn dừng học, chuyển ngành hoặc chọn hướng đi khác vì thấy không hợp với ngành đã trúng tuyển.
Stress vì thấy không hợp
Vừa nhập học, group Facebook Tân SV 2k4 ở một số trường xuất hiện nhiều chia sẻ đầy tâm trạng về việc muốn dừng học.
“Đây vốn là ngành mà em mong ước và nỗ lực để đậu được nhưng bây giờ em cảm thấy rất nản vì độ khó của tiếng Nhật cũng như cách dạy quá nhanh của trường. Anh/chị cho em xin lời khuyên, đây chỉ là giai đoạn mà người học ngôn ngữ mới nào cũng gặp hay năm sau em nên chuyển ngành?” - LM, SV năm nhất Khoa Nhật Bản học tại một trường ĐH ở TP.HCM, xin lời khuyên.
Sinh viên Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) hào hứng trong ngày khai giảng năm học mới 2022-2023. Ảnh: P.ANH |
Bên cạnh những động viên, chia sẻ kinh nghiệm để M cố gắng theo đuổi ngành học mơ ước là sự đồng cảm của những tân SV khác vì cảm thấy khó bắt nhịp với ngành đang học như M.
Tương tự, KS cho biết vừa chọn theo học Trường ĐH Luật TP.HCM do thấy ngành này có nhu cầu xã hội cao. Tuy nhiên, khi bắt đầu học chương trình đại cương, S thấy rất nặng, lượng kiến thức về luật rất lớn và để ra trường được phải tuân theo những quy định khá khắt khe.
Đừng để “nước đến chân mới nhảy”
Chia sẻ trong buổi lễ khai giảng, PGS-TS Trần Hoàng Hải, Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cảnh báo năm vừa qua trường có hơn 27% SV tốt nghiệp không đúng hạn vì nợ ngoại ngữ. Ông Hải khuyên SV cần nỗ lực học tập một cách chủ động hơn, nên học ngoại ngữ càng sớm càng tốt, nhất là ngay từ năm học thứ nhất, đừng để gần chuẩn bị ra trường sẽ không kịp. Nếu vượt qua được thì khả năng hội nhập, cơ hội làm việc của các em khi ra trường sẽ tốt hơn nhiều.
“Em sợ không theo được hết khóa sẽ rất tốn kém tiền bạc và thời gian. Em đang phân vân tìm ngành khác. Nhưng nếu không được, em sẽ học tạm một năm rồi đăng ký tuyển lại” - S tâm tư.
Còn NKO chia sẻ đang theo học ngành ngôn ngữ Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Trước đó, nguyện vọng của O là vào Trường ĐH An ninh nhân dân nhưng không trúng tuyển nên muốn học một ngành khác liên quan đến ngoại ngữ, hy vọng sau này dễ tìm việc hơn. Tuy nhiên, O thấy chương trình học không phù hợp vì hơi khô khan, theo hướng nghiên cứu ngôn ngữ nhiều hơn trong khi O muốn kiểu học năng động hơn.
Cần bình tĩnh lập kế hoạch học tập
Ở vai trò là một cố vấn học tập, TS Đặng Tất Dũng, Phó Trưởng Khoa luật hành chính Trường ĐH Luật TP.HCM, chia sẻ rằng áp lực, chán nản… là vấn đề tâm lý thường thấy ở nhiều tân SV. Cách học mới, khối lượng bài vở cao đòi hỏi tính tự lập nhiều hơn, phải vượt qua nhiều kênh đánh giá như kết quả học tập, rèn luyện, điểm đầu ra ngoại ngữ mới được ra trường có thể khiến tân SV bị ngộp.
Tuy nhiên, theo TS Dũng, SV nên xem những áp lực đầu tiên là thử thách cần vượt qua. Tân SV cần bình tĩnh, xác lập lại mục tiêu cụ thể cho khóa học ĐH. Các SV nên gặp gỡ thầy cô cố vấn học tập ở trường, tham gia chi hội, chi đoàn, gặp các anh chị khóa trên để được hỗ trợ. “Tự mỗi cá nhân phải chủ động xây dựng mục tiêu, kế hoạch cụ thể tùy theo từng điều kiện gia đình, sức khỏe, thời gian của mình. Các em nên nhớ những yêu cầu cần đạt được là trong bốn năm chứ không phải vài ngày hay vài tuần, vài tháng” - TS Dũng đưa ra lời khuyên.
Ở góc nhìn khác, cán bộ phụ trách công tác SV tại một trường ĐH ở TP.HCM thừa nhận mỗi khóa học có tỉ lệ không nhỏ SV rơi rụng trong quá trình học, nhất là năm nhất hoặc khi bắt đầu vào chuyên ngành.
Theo vị này, có những bạn bị mất định hướng vì chọn ngành học không phù hợp từ đầu do chạy theo ngành hot, nghe theo bạn bè, chọn ngành phù hợp với kết quả học THPT nhưng lại không phù hợp với năng lực nghề nghiệp…
Vị này nêu ví dụ thực tế ở trường ĐH nơi ông công tác từng có trường hợp một SV trong tốp á khoa đầu vào nhưng học hết năm nhất thì lặng lẽ biến mất. Qua tìm hiểu, SV này đã xét tuyển vào ngành học khác ở trường khác.
Do đó, vị này lưu ý tân SV nên dành thời gian tìm hiểu kỹ ngành học của mình, mong muốn của bản thân. Nên gặp thầy cô trong khoa để được tư vấn thêm về ngành học, cơ hội nghề nghiệp hoặc thủ tục xin chuyển ngành học nếu trường có quy định được chuyển ngành… Cuối cùng, nếu vẫn không cải thiện thì SV có thể xin bảo lưu và tìm cơ hội xét tuyển ngành học phù hợp hơn.
Bốn lưu ý dành cho sinh viên khi học ĐH
1. Phải có kế hoạch, sắp xếp thời gian phù hợp để đảm bảo thời gian lên lớp, rèn luyện kỹ năng ghi chép, chủ động đọc tài liệu, tích cực tham gia thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học, có tư duy sáng tạo, không ngừng tìm tòi, phát triển bản thân.
2. Cần dành thời gian phù hợp cho việc học tiếng Anh trên lớp, đọc thêm tài liệu và tự trau dồi ngoại ngữ bằng nhiều phương tiện để góp phần tăng cường năng lực tiếng Anh của bản thân và đảm bảo chuẩn tiếng Anh đầu ra.
3. Thường xuyên cập nhật tri thức về kinh tế - xã hội và tham gia thêm các hoạt động sinh hoạt đoàn hội, tham gia các câu lạc bộ, hoạt động tình nguyện, cuộc thi học thuật… giúp rèn luyện thêm nhiều kỹ năng mềm cần thiết cho cuộc sống và mang lại những kỷ niệm đẹp cho quãng đời SV.
4. Nỗ lực học tập không ngừng để tích lũy kiến thức và chủ động nắm bắt công nghệ mới, nhất là những công nghệ ảnh hưởng trực tiếp đến chuyên môn, ngành nghề của mình thì mới có cơ hội cạnh tranh trên thị trường lao động hội nhập toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
GS-TS SỬ ĐÌNH THÀNH, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chia sẻ tại lễ khai giảng của trường