Sau khi báo Pháp Luật TP.HCM đăng bài đầu tiên, nhân viên một công ty quảng cáo đã nhận được nhiều cuộc điện thoại từ ông Nguyễn Đức Trung, Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Sở VH-TT&DL tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, người bị phản ảnh là tiêu cực, nhũng nhiễu doanh nghiệp (DN). Trong các cuộc gọi, ông Trung trách móc vì đã cung cấp thông tin cho báo chí.
Nghe lùm xùm từ lâu
Sáng 17-11, tại Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng (BCĐPCTN) của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đại diện của báo Pháp Luật TP.HCM đã có buổi làm việc với ông Võ Đức Tùng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo, về việc gây khó để nhận tiền chung chi khi cấp phép quảng cáo.
Trong buổi làm việc, báo đã cung cấp toàn bộ hồ sơ tố cáo ông Nguyễn Đức Trung, Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa thuộc Sở VH-TT&DL tỉnh của DN quảng cáo; các chứng từ chuyển tiền qua ngân hàng, qua bưu điện và qua các điểm giao nhận hàng hóa của xe khách; và các (file) đoạn ghi âm liên quan đến các nội dung tố cáo.
Qua trao đổi, ông phó chánh Văn phòng BCĐPCTN tỉnh cũng cho biết: “Lâu nay ban có nghe về tình trạng lùm xùm trong việc cấp phép thực hiện quảng cáo tại Sở VH-TT&DL tỉnh. Nay trước các hồ sơ, chứng cứ được cung cấp, ban sẽ khẩn trương có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng xác minh làm rõ để có hướng xử lý nghiêm!”.
Một cán bộ BCĐPCTN tỉnh cho biết sẽ đề xuất Vụ 8 (Vụ Công tác phía Nam của Văn phòng BCĐPCTN Trung ương) cùng phối hợp giải quyết.
Đại diện báo Pháp Luật TP.HCM(trái) làm việc và cung cấp hồ sơ cho Văn phòng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.Ảnh: THÁI HIẾU
DN quảng cáo bị nhũng nhiễu ở nhiều nơi
Sau khi báo phản ánh những tiêu cực tại Sở VH-TT&DL tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Trần Hùng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, cho biết cá nhân ông và hiệp hội theo dõi rất kỹ loạt điều tra của báo Pháp Luật TP.HCM. Những bài điều tra này có chứng cứ rất cụ thể, có tác động tích cực trong việc chống tham nhũng đối với ngành quảng cáo. Hiện nay việc phải “chung chi” xin giấy phép quảng cáo khẳng định là có nhưng ít ai dám nói vì phần lớn đều không có được những chứng cứ nên rất khó xử lý.
Theo ông Trần Hùng, hiện tượng này khá phổ biến ở nhiều tỉnh, thành kể từ cấp quận, huyện trở lên. Hỏi chuyện với các anh DN, 10 anh thì chín anh bảo là phải có như thế. Nhiều DN khi hiệp hội yêu cầu công khai những thông tin tiêu cực thì không dám nói, thậm chí né tránh vì sợ khi đưa ra thì thiếu chứng cứ. Nếu không có chứng cứ thì sợ bị trù dập làm ảnh hưởng đến việc làm ăn lâu dài mất mối khách hàng nên đành chấp nhận im lặng. Có trường hợp hiệp hội phản ánh tới các sở nhưng không thấy chuyển biến cũng vì thiếu chứng cứ. Hiện nay các DN cứ phải chịu đựng để làm. Nếu không chịu đựng thì khó làm ăn. Công bằng mà nói thì phía DN cũng góp phần làm hư cán bộ nhưng khổ nỗi không “chung chi” thì không được việc.
Ông Hùng cho biết hiệp hội đang quan tâm đến chuyện xây dựng dự thảo Luật Quảng cáo. Trong đó có việc bỏ cấp giấy phép thực hiện quảng cáo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận, cho rằng khó quản lý. Hiệp hội và các DN ủng hộ việc bỏ cấp giấy phép, ban đầu có phức tạp nhưng nếu có lộ trình làm từng bước, từng giai đoạn thì sẽ làm được và chắc chắn sẽ giảm hẳn được tiêu cực.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ đạo làm rõ Sáng 18-11, thông tin từ Văn phòng BCĐPCTN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết dù đang bận công tác nhưng đích thân chủ tịch tỉnh đã chỉ đạo ban phải khẩn trương làm việc với giám đốc Sở VH-TT&DL nhằm làm rõ về những sai phạm đã được báo phản ánh để quyết liệt xử lý, không để sai phạm tái diễn. DN nên liên kết lại để cùng đấu tranh Chúng tôi nghĩ nếu muốn trong sạch, phía DN cũng phải mạnh dạn liên kết lại để cùng với nhau lên tiếng đấu tranh. Bên cạnh đó cần có thêm sự hỗ trợ của các hiệp hội quảng cáo các địa phương và báo chí như báo Pháp Luật TP.HCM đã làm thì hiệu quả chống tiêu cực trong lĩnh vực quảng cáo sẽ rất cao. Ông TRẦNHÙNG,Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội |
NHƯ NGHĨA - TÂM BẢO