Các chuyên gia đã thiết kế kịch bản với các tình huống giả định sát với thực tế cơ sở nhằm giúp công nhân viên, người lao động kịp thời ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Tình huống sát thực tế
Kịch bản 1 là tình huống giả định ứng phó sự cố tràn đổ hóa chất, khi công nhân đang vận hành hệ thống bơm hóa chất vào các đường ống thì van bị sự cố, hóa chất rò rỉ ra bên ngoài và hóa chất văng trúng quần áo, chân tay… của người vận hành. Theo quy định, công nhân khi vận phải được trang bị đầy đủ trang phục bảo hộ lao động nhằm giảm thiểu lượng hóa chất có thể tác động lên cơ thể. Ngay khi gặp rủi ro, công nhân vận hành đã la hét báo cứu, đồng thời tự cứu bản thân thông qua vòi nước phun xịt áp lực cao ngay gần vị trí xảy ra sự cố nhằm giảm thiểu tác động lên cơ thể và bảo hộ.
Tiếp đó, nhận được báo cáo, Chỉ huy đội ứng phó sự cố của Công ty VWS đã chỉ huy và điều động các đội PCCC, ứng phó sự cố, y tế và bảo vệ để cứu người bị nạn và triển khai đội hình ứng phó sự cố hóa chất. Song song đó, đội y tế và đội chữa cháy chuyên ngành nhanh chóng tiếp cận hiện trường, dùng cáng đưa nạn nhân ra ngoài, thực hiện sơ cấp cứu, hồi tỉnh và chở nạn nhân đến trạm y tế gần nhất. Đồng thời, đội ứng phó sự cố hóa chất chia làm 4 nhóm, thực hiện đúng quy trình các thao tác và quy trình xử lý sự cố đến khi đảm bảo khu vực đã an toàn.
Kịch bản 2 là diễn tập tình huống giả định ứng phó sự cố tràn dầu. Tại Công ty VWS có các xe trung chuyển nhiên liệu. Trong quá trình tiếp nhiên liệu cho các xe khác trong nhà máy xử lý rác thì van khóa dầu bị sự cố, không khóa được, dẫn đến việc dầu chảy tràn ra bên ngoài.
Khi phát hiện lượng dầu tràn và phát tín hiệu cảnh báo, ngay lập tức, đội ứng phó sự cố của nhà máy đã điều động toàn bộ lực lượng đến hỗ trợ. Theo quy trình đã được tập huấn và đào tạo cơ bản, đội hỗ trợ cùng các tài xế nhanh chóng sử dụng phao quây thấm hút dầu chuyên dụng bao vây khu vực dầu để không bị lan rộng, chặn khóa nắp cống để dầu không bị tràn xuống. Tiếp đó, đội ứng phó dùng cát tạo thành vòng quây để ngăn dầu tràn ra bên ngoài; đội PCCC sẵn sàng phương tiện bên cạnh nhằm ứng cứu nếu có rủi ro về cháy…
Việc xử lý khắc phục dầu tràn được diễn ra theo đúng trình tự các bước, đó là sau khi đã được ngăn chặn bằng cát và giẻ lau, bông hút dầu được rải xuống khu vực dầu, loại bông chuyên dụng này có chức năng hút dầu, phần dầu còn lại sẽ dùng giấy thấm để làm sạch, sau đó được thu gom vào các thùng chứa có nắp đậy rồi di chuyển vào các khoang chứa tại khu vực kho lưu trữ chất thải nguy hại.
Đặt an toàn lên hàng đầu
TS Nguyễn Thị Thu Hà, chuyên gia trong lĩnh vực ứng phó sự cố của Trung tâm Kiểm định khu vực 2 (khu vực phía Nam) thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm hướng dẫn buổi diễn tập cho biết, chương trình diễn tập xử lý sự cố tràn hóa chất, tràn dầu phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Đó là luật hóa chất 2007, nghị định 113/2017 và Nghị định 82/2022. Theo đó, yêu cầu các doanh nghiệp phải diễn tập xử lý hóa chất định kỳ hàng năm.
Thông qua buổi diễn tập ứng phó, xử lý sự cố sẽ giúp người lao động hiểu được tầm quan trọng trong an toàn lao động, không được chủ quan trong quá trình làm việc. Tất cả phải tuân thủ theo đúng các quy tắc do nhà máy ban hành. Đồng thời nâng cao ý thức giúp người lao động hiểu rằng, khi làm việc đặc biệt có các yếu tố nguy hại như hóa chất, cần phải sử dụng các trang thiết bị bảo hộ lao động theo tiêu chí đúng và đủ. Không chỉ nắm vững các thông tin hóa chất đang sử dụng, người lao động còn phải biết ứng phó với các tình huống không may xảy ra, khắc phục hậu quả.
“Với mong muốn nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro đối với sức khỏe và tính mạng những người làm việc trực tiếp tại nhà máy, hạn chế ảnh hưởng môi trường cũng như tài sản của nhà máy” – bà Hà cho biết.
“Hàng năm, công ty VWS đều có các buổi diễn tập và thuê chuyên gia đánh giá rủi ro, một phần giúp lao động yên tâm trong quá trình làm việc, hơn nữa nâng cao nhận thức được tính quan trọng trong quá trình làm việc. Như vậy họ sẽ cẩn thận và có trách nhiệm hơn”, anh Đỗ Minh Quang, nhân viên Phòng An toàn Lao động Công ty VWS nói.