WHO ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu vì đậu mùa khỉ

(PLO)- Tổ chức Y tế Thế giới đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng quốc tế (PHEIC) vì sự lây lan đáng báo động của bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 14-8 tuyên bố đợt bùng phát đậu mùa khỉ đang diễn ra ở châu Phi là một tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, tờ CNN đưa tin.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi WHO triệu tập Ủy ban Tình trạng khẩn cấp để thảo luận về việc thêm 4 quốc gia ở châu Phi ghi nhận một biến chủng virus gây bệnh đậu mùa khỉ với nguy cơ gây tử vong cao hơn (được đặt tên là biến chủng Ib). Trước đó, biến chủng này chỉ được xác nhận tại Cộng hoà Dân chủ Congo.

Các chuyên gia độc lập đã họp hôm 14-8 để tư vấn cho Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus về mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát này.

Sau cuộc họp, ông Ghebreyesus tuyên bố sự lây lan của biến chủng Ib là vấn đề ở mức báo động cao nhất - Tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng quốc tế (PHEIC).

WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu vì đậu mùa khỉ.jpg
Bệnh đậu mùa khỉ một lần nữa được WHO tuyên bố là một tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Ảnh: REUTERS

"Việc phát hiện và sự lây lan nhanh chóng của chủng mới virus gây bệnh đậu mùa khỉ ở miền đông Cộng hoà Dân chủ Congo, việc phát hiện chúng ở các quốc gia láng giềng mà trước đó chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ và nguy cơ lây lan hơn nữa ở châu Phi và ở các vùng khác là rất đáng lo ngại" - ông Ghebreyesus nói.

Chủ tịch Ủy ban Tình trạng khẩn cấp của WHO - ông Dimie Ogoina lưu ý rằng tình trạng bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" vì thế giới "chưa nhìn nhận ra hoặc chưa có bức tranh đầy đủ về gánh nặng bệnh đậu mùa khỉ".

Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (ACDC) hôm 13-8 đã ban bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng ở cấp độ châu lục. Kể từ khi thành lập năm 2017, đây là lần đầu tiên ACDC ban bố lệnh này.

Theo ACDC, từ đầu năm tới nay tại 13 quốc gia ở châu Phi đã ghi nhận hơn 17.000 ca nhiễm, bao gồm hơn 500 trường hợp tử vong, liên quan virus gây bệnh đậu mùa khỉ. Trong đó, hơn 14.000 ca nhiễm là ở CHDC Congo.

WHO đã phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp hai loại vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ và phát triển các kế hoạch ứng phó ở cấp độ khu vực với tổng chi phí 15 triệu USD (hơn 375,5 tỉ đồng).

Giám đốc bộ phận phòng ngừa và chuẩn bị ứng phó dịch bệnh của WHO - bà Maria van Kerkhove nhấn mạnh rằng thế giới "có thể ngăn chặn sự lây lan bệnh đậu mùa khỉ bằng nỗ lực sử dụng nhiều biện pháp tiếp cận", trong đó, giữ vai trò quan trọng là việc hỗ trợ các nghiên cứu cần thiết để hiểu rõ hơn về căn bệnh này.

Hồi tháng 7-2022, WHO đã một lần tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là PHEIC. Đến tháng 5-2023, khi số ca nhiễm đậu mùa khỉ giảm mạnh, mức cảnh báo quốc tế cao nhất đối với căn bệnh này đã được dỡ bỏ.

Theo WHO, đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm do virus đậu mùa khỉ gây ra. Thông thường, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tự mất đi trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, ở một số người, bệnh có thể gây biến chứng hoặc thậm chí tử vong. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người bị suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ mắc triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.

Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể, sưng hạch bạch huyết. Sau đó xuất hiện phát ban hoặc đi kèm phát ban, và có thể kéo dài 2-3 tuần.

Bệnh có thể lây từ động vật (một số loài gặm nhấm và linh trưởng) sang người và từ người sang người qua tiếp xúc gần với người có phát ban đậu mùa khỉ, bao gồm qua tiếp mặt với mặt, da với da, miệng với miệng hoặc miệng với da, gồm cả quan hệ tình dục.

Có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ bằng cách hạn chế gần với người nghi nhiễm hoặc đã mắc bệnh, hoặc với động vật có thể bị nhiễm bệnh; thường xuyên làm sạch và khử trùng môi trường có thể bị nhiễm virus từ người mắc bệnh; thường xuyên cập nhật thông tin về bệnh đậu mùa khỉ ở khu vực bạn sinh sống và trao đổi cởi mở với những người bạn tiếp xúc gần về các triệu chứng nghi nhiễm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm