Quyết định được đưa ra hôm 1-2 (giờ địa phương) sau khi WHO tổ chức cuộc họp đặc biệt của ủy ban khẩn cấp.
WHO cho rằng có mối liên hệ giữa virus Zika và tình hình gia tăng số ca mắc chứng não nhỏ của trẻ sơ sinh ở Nam Mỹ. Tại cuộc họp báo, bà Margaret Chan, Tổng Giám đốc WHO (ảnh), nhấn mạnh: “Chúng ta phải hành động… Mọi người đều nhất trí về nhu cầu khẩn cấp phải phối hợp nỗ lực quốc tế để tiếp tục điều tra và hiểu rõ hơn nữa mối liên hệ này”.
Bà giải thích: “Các chuyên gia đã đánh giá quy mô địa lý của các loài muỗi có thể truyền virus, tình trạng không có vaccine, xét nghiệm không hiệu quả cũng như tình hình thiếu miễn dịch của người dân tại các nước mới có ca nhiễm là các nguyên nhân gây thêm lo ngại”. Tuần trước WHO dự báo virus Zika sẽ lây nhiễm bùng nổ ở châu Mỹ với số ca nhiễm 3-4 triệu trong năm 2016.
Ngay sau thông báo của WHO, tại Hàn Quốc, Bộ Y tế đã họp khẩn và khẳng định sẽ khẩn trương đối phó nhưng hiện thời có thể đánh giá virus Zika chưa gây ra lo ngại gì.
Tại Brazil, nơi đầu tiên phát hiện ca nhiễm virus Zika, Reuters đưa tin cùng ngày 1-2, Tổng thống Dilma Rousseff đã ký sắc lệnh yêu cầu mọi công dân phải để cho các cơ quan y tế kiểm tra nhà cửa và tài sản nhằm xử lý tình trạng ao tù nước đọng để tránh muỗi truyền virus Zika. Chính phủ cũng khuyến cáo phụ nữ mang thai không nên đến Thế vận hội Rio de Janeiro (từ ngày 5 đến 21-8) vì phôi thai có nguy cơ nhiễm virus Zika.
Bộ trưởng Y tế Marcelo Castro nhận định quy mô dịch virus Zika ở Brazil lớn hơn nhiều so với đánh giá hiện nay. Lý do: Còn rất nhiều ca không được ghi nhận vì người nhiễm bệnh không bộc lộ triệu chứng.
Tại Honduras, trong ngày 1-2 chính phủ đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do virus Zika. Tổng thống Juan Orlando Hernandez đã cấp cho Bộ Y tế kinh phí ban đầu hơn 10 triệu USD. Bộ trưởng Y tế Yolani Batres nhấn mạnh số ca nhiễm virus Zika gia tăng từng ngày rất đáng báo động. Từ ngày 16-12-2015 (ngày phát hiện ca nhiễm đầu tiên ở Honduras) đến nay đã có 3.649 ca nhiễm virus Zika.