Virus Zika khó phát sinh thành dịch

Ngày 29-1 (giờ địa phương), Tổng thống Obama đã điện đàm với Tổng thống Brazil Dilma Rousseff để chia sẻ lo ngại trước tình hình lây nhiễm nhanh chóng của virus Zika.

Brazil tuyên chiến với muỗi

Brazil là nơi phát hiện ca nhiễm virus Zika đầu tiên và là quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo đài phát thanh Europe 1, đến nay tại Brazil đã có 1,5 triệu người bị nhiễm. Hơn 4.000 trẻ em mắc chứng teo não đã được phát hiện và 66 trẻ đã tử vong.

Chính phủ đã tổ chức các khóa thông tin về phòng, chống virus Zika tại 356 TP và hàng ngàn trường học.

Quân đội rất được coi trọng ở Brazil. Thấy binh lính người dân mới mở cửa nhà vì sợ cướp. Vì thế chính phủ đã điều động 160.000 binh sĩ, 30.000 lính hải quân và 30.000 lính không quân đi từng nhà tuyên truyền chống muỗi.

Do khô hạn bất thường kéo dài hồi năm ngoái nên người dân thường trữ nước để dùng. Các nhân viên y tế cộng đồng phải đi từng nhà kêu gọi không để cảnh ao tù nước đọng làm nơi phát sinh muỗi truyền bệnh.

Chỉ còn một tuần nữa đến lễ hội Rio, các đội vệ sinh phòng dịch tích cực phun thuốc sát trùng tại sân vận động Sambodrome ở Rio de Janeiro.

Mặc dù trời nóng suýt soát 40oC nhưng ngoài đường, nhiều bà mẹ bọc con kín mít từ đầu đến chân vì sợ muỗi đốt. Nhiều phụ nữ có tâm lý chờ qua cơn dịch virus Zika rồi hẵng mang thai.

Một nhóm nhà nghiên cứu, luật sư và nhà hoạt động xã hội đã chuẩn bị đệ đơn đến tòa án tối cao đề nghị cho bà mẹ phá thai nếu phát hiện phôi thai mắc chứng teo não do nhiễm virus Zika.

Trẻ bị chứng teo não ở Brazil. Ảnh: AP

Các nước láng giềng của Việt Nam đối phó

Báo The Straits Times đưa tin ở Đông Nam Á, Thái Lan là nước có ca nhiễm virus Zika nhiều nhất với bảy ca được phát hiện từ năm 2012 đến 2014 ở nhiều tỉnh. Gần đây nhất, ngày 10-1, lãnh thổ Đài Loan thông báo đã phát hiện virus Zika nơi một nam công dân Thái Lan 24 tuổi đi du lịch.

Ngày 29-1, Bộ Y tế Thái Lan thông báo trấn an dịch virus Zika không thể lan tràn ở Thái Lan. Từ năm 2010 đến nay, tại các nước Philippines, Campuchia, Indonesia và Malaysia mỗi nước chỉ có một ca nhiễm.

TS Rana Bardan Jung thuộc văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Đông Nam Á ghi nhận đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy có mối liên quan giữa virus Zika với chứng teo não ở Đông Nam Á.

Trung Quốc chưa phát hiện ca nhiễm virus Zika nào. Cuối tuần trước, Ủy ban Quốc gia về y tế và kế hoạch hóa gia đình đã phát thông báo ghi nhận virus Zika có nguy cơ “nhập khẩu” vào Trung Quốc nhưng xác suất dẫn đến dịch bệnh còn thấp.

Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tật Trung Quốc xác định dù virus Zika có vào Trung Quốc thì cũng khó lây nhiễm trên diện rộng vì hiện thời tiết lạnh không thuận lợi cho muỗi lây truyền virus.

Tại Hàn Quốc, ngày 29-1, Bộ Y tế thông báo chính phủ đã chính thức xác định virus Zika là bệnh nhiễm quốc gia có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Các nhân viên y tế bị nhiễm phải thông báo ngay tình trạng nhiễm cho cấp trên, nếu không sẽ bị phạt 2 triệu won (1.650 USD). Chính phủ đã lập một nhóm công tác phụ trách soạn thảo các biện pháp đối phó khi dịch bệnh xảy ra và tiếp nhận ý kiến của các chuyên gia về bệnh nhiễm.

Cuối năm nay có thể có vaccine

TS Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh nhiễm Mỹ, nhận xét các nhà khoa học đã nghiên cứu vaccine bệnh sốt xuất huyết Dengue và bệnh sốt Tây sông Nile, do đó đã có nền tảng nghiên cứu vaccine ngừa virus Zika.

Có hai quy trình để phát triển vaccine ngừa virus Zika. Một là dựa vào ADN như quy trình chế tạo vaccine ngừa bệnh sốt Tây sông Nile. Hai là sử dụng virus suy yếu để gây ra phản ứng miễn dịch như quy trình chế tạo vaccine ngừa bệnh sốt xuất huyết Dengue.

Hiện các nhà khoa học Mỹ và Canada gồm ĐH Pennsylvania, ĐH Laval, Tập đoàn dược phẩm Inovio và Tập đoàn GeneOne Life Science (Hàn Quốc) đang nghiên cứu một loại vaccine ngừa virus Zika.

Dự kiến trước cuối năm 2016, công đoạn thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 để xác định tính vô hại của vaccine sẽ bắt đầu. Nếu thành công thì một tháng sau vaccine có thể được sử dụng trong các ca cấp cứu.

Một công ty khác là Công ty Hawaii Biotech thông báo mùa thu vừa qua đã tiến hành chương trình thử nghiệm vaccine ngừa virus Zika vào lúc virus Zika bắt đầu hoành hành ở Brazil. Hawaii Biotech chưa ấn định thời gian thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.

Công ty Replikins tại Boston (Mỹ) cũng đang chuẩn bị thử nghiệm vaccine ngừa bệnh virus Zika trên chuột và thỏ. Kết quả thử nghiệm sẽ được biết trong vòng hai tháng.

Khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới

- Bệnh virus Zika do muỗi Aedes lây truyền. Muỗi thường đốt vào buổi sáng, cuối buổi chiều và tối. Không rõ thời gian ủ bệnh, có lẽ là vài ngày.

- Các triệu chứng chung gồm sốt vừa phải, nổi mẩn, đau mắt, đau cơ và khớp, mệt mỏi, nhức đầu. Thông thường triệu chứng sẽ hết trong vòng 2-7 ngày. Trong các đợt dịch lớn ở Polynésie thuộc Pháp và Brazil năm 2013 và 2015 có bộc lộ các biến chứng về thần kinh và hệ miễn dịch.

- Hiện chưa có thuốc điều trị. Bệnh do virus Zika nói chung tương đối lành tính. Bệnh nhân cần nghỉ ngơi, uống đủ nước, dùng thuốc chống đau nhức và chống sốt.

- Cách phòng, chống tốt nhất là tránh bị muỗi đốt (ngủ mùng, mặc quần áo dài…), tiêu diệt ấu trùng muỗi, đậy kín các dụng cụ đựng nước, loại trừ các nơi muỗi có thể sinh sản... Nếu phát sinh dịch, cơ quan y tế có thể phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm