Theo báo chí Anh, thông qua ngày hội bóng đá này, người hâm mộ cũng được chứng kiến cuộc cách mạng lớn của làng túc cầu thế giới, được thể hiện rõ nét trên các sân cỏ Brazil.
* Một thế hệ huấn luyện viên mới
Phương pháp tiếp cận bảo thủ đã không còn tồn tại. Giờ đây các huấn luyện viên táo bạo hơn, trẻ trung hơn và nhiệt huyết hơn. Không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên mà các huấn luyện viên "lão làng" như Roy Hodgson (Anh), Fabio Capello (Nga) và Vicente del Bosque (Tây Ban Nha) đều thất bại ở Brazil.
* Các quy tắc phản công
Lối chơi "tiki-taka" (chuyền bóng, đập nhả liên tục ở tốc độ cao) đã không còn hiệu quả và đó là một trong những lý do Tây Ban Nha sớm bị loại khỏi World Cup năm nay. Những gì đã xảy ra cho thấy Tây Ban Nha thất bại không chỉ vì một nhóm cầu thủ đã mất khao khát chiến thắng, mà quan trọng hơn là đối thủ của họ đã tìm được cách vô hiệu hóa lối chơi "tiki-taka."
Phản công vẫn luôn là cách hiệu quả nhất để ghi một bàn thắng trong điều kiện đối phương có thể sơ hở khi đang cố gắng tái tổ chức và giành lại lối chơi của mình. Nhưng World Cup này đã nâng phản công lên một tầng nấc mới, một phần bởi các đội bóng quá quyết đoán trong việc triệt hạ đối phương. Khi các đội bóng phản công, họ thực hiện phản công với tốc độ "không có tiền lệ" và với sức mạnh như vũ bão. Ủy ban kỹ thuật của FIFA đã lưu ý lối chơi táo bạo này mà một số đội đã thực hiện, điển hình như trong các trận Đức- Ghana hay Mỹ - Bỉ.
* Công thức thi đấu linh hoạt
Sáng tạo hoặc là thất bại: đó là tuyên ngôn chiến thuật của giải đấu năm nay. Một lần nữa Anh thất bại bởi họ chỉ biết gắn bó cứng nhắc với sơ đồ thi đấu 4-2-3-1 dù ông Hodgson không có trong tay những cầu thủ phù hợp cho công thức này.
Trong khi đó, người xem đã được chứng kiến nhiều đội bóng thành công nhờ áp dụng linh hoạt các công thức 3-5-2 hoặc 4-3-3, đôi khi không có tiền đạo như đội tuyển Đức, hay thậm chí trong trường hợp Chile với công thức 3-4-3. Còn Colombia đã sử dụng cả công thức 4-2-3-1, 4-1-4-1 và 4-2-2-2 tùy từng trận.
Nhìn vào chặng đường của Hà Lan, huấn luyện viên Louis van Gaal đã đưa ra một bài học kinh điển về sự biến đổi linh hoạt trong lối chơi. Trong trận gặp Tây Ban Nha, ông đã đổi công thức thi đấu từ 3-5-2 sang 5-3-2 và "Lốc Da cam" đã quật ngã Tây Ban Nha - lúc bấy giờ vẫn đang là đương kim vô địch thế giới - với tỉ số 5-1.
Đối mặt với một Chile nguy hiểm, chiến lược gia này thận trọng hơn khi bố trí 5 hậu vệ trước khi thực hiện những sự thay người sáng suốt. Ông tung Memphis Depay và Leroy Fer vào sân ở thời điểm cầu thủ cả hai bên đều đã mệt nhoài. Cả Depay và Fer sau đó đều ghi bàn mang lại chiến thắng 2-0 cho Hà Lan.
* Thế giới bình đẳng hơn
Khái niệm "đội bóng lót đường" đã không còn nữa. Và chẳng có trận đấu nào là dễ dàng. Costa Rica đã chơi trên cả tuyệt vời. Algeria kết thúc vòng đấu bảng với vị trí trên cả Nga và ở vòng 1/8, người Đức phải mất 120 phút mới đánh bại được họ.
Australia mặc dù phải ra về ngay sau vòng đấu bảng nhưng họ cũng đã thi đấu khá ngang ngửa với Hà Lan và khiến thủ môn Hà Lan phải 2 lần vào lưới nhặt bóng. Iran cũng chỉ chịu thua Argentina ở phút thi đấu bù giờ bởi biệt tài của ngôi sao Lionel Messi trong khi Thụy Sĩ cũng chỉ chịu thất bại ở hiệp phụ bởi cùng ngôi sao này.
* Thủ môn đồng thời là hậu vệ quét
Manuel Neuer là một ví dụ điển hình về thủ môn thời hiện đại trong trận đấu của Đức gặp Algeria. huấn luyện viên trưởng đội tuyển Đức Joachim Loew thậm chí còn gọi anh là "libero" của đội và anh chơi cực xông xáo. Không hiếm lần Neuer rời khỏi khung thành để tham gia tấn công và thậm chí anh còn thực hiện một pha đánh đầu trong trận đấu với Algeria. Neuer không chỉ hội tụ những phẩm chất phòng ngự mà còn rất năng nổ phát bóng - một đặc tính chủ chốt của một thủ môn hiện đại. Những cú sút xa của anh cũng có mức độ chính xác đến kinh ngạc. Và không chỉ có mình Neuer. Thủ môn Hugo Lloris của Pháp cũng xông pha không kém dù thực tế thì anh chơi kỷ luật hơn tại World Cup này.
* "Double pivot" đã chết
Cả bốn đội vào bán kết World Cup 2010 là Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan và Uruguay đều sử dụng lối chơi có thuật ngữ "double pivot" (sử dụng 2 tiền vệ thu hồi bóng chơi phía trước hàng hậu vệ). Đối với 3 đội châu Âu, đó là sơ đồ chiến thuật 4-2-3-1 trong khi với Uruguay, "double pivot" thiên về công thức 4-4-2 hơn nhưng không đòi hỏi hai cầu thủ tiền vệ trung chơi phía trên để biến nó thành sơ đồ 4-2-4 ở hàng công. Tây Ban Nha đã sử dụng sơ đồ 4-2-3-1 trong suốt một thập kỷ và giờ đây khi công thức này đang trở nên lỗi thời bởi các đội nhận ra rằng bộ đôi ở hàng tiền vệ trung tâm có thể bị kèm chặt bởi một bộ ba đối phương thì Anh lại đang sử dụng nó.
* Và số 9 truyền thống cũng chung số phận
Điều trớ trêu là trong một World Cup được ca ngợi bởi lối chơi tấn công với những tiền đạo giỏi như Robin van Persie, Karim Benzema, Neymar Jr hay Lionel Messi thì tiền đạo trung tâm truyền thống không còn là mối đe dọa ghi bàn chính nữa. Số 9 ngày nay không còn là một kẻ săn bàn "tham lam" mà chuyển sang vai trò quấy rối đối phương, đưa bóng lên cao, tạo cơ hội hay mở không gian cho đồng đội.
Như số 9 Fred của Brazil là một ví dụ. Nhiệm vụ chính của anh không phải là ghi bàn mà là đẩy bóng cho Neymar. Tương tự, trọng trách của số 9 Gonzalo Higuain trong đội hình Argentina là giúp Messi. Đội tuyển Đức đã từ bỏ ý niệm này bởi một phần Miroslav Klose nay đã 36 tuổi, và Thomas Mueller trở thành cầu thủ chơi gần vị trí tiền đạo nhất.
* Các hàng hậu vệ cần được xây dựng lại
Trong khi hàng công đã thể hiện sự xuất sắc tại kỳ World Cup này thì hàng thủ là không được như vậy. Giải năm nay không có nhiều gương mặt hậu vệ nổi bật bởi một phần công tác trọng tài ngày càng nghiêm ngặt khiến các cầu thủ cẩn trọng hơn trong các pha tranh chấp. Hàng thủ của cả Brazil và Đức đều có vẻ mong manh dù họ sở hữu những hậu vệ giỏi như Thiago Silva, David Luiz và Mats Hummels./.
Theo Đỗ Sinh (TTXVN/Vietnam+)