Chấp nhận đóng cửa quán để dịch COVID-19 không lây lan

Trưa 25-3, khảo sát của PV Pháp Luật TP.HCM cho thấy nhiều nhà hàng và quán ăn uống trên địa bàn TP.HCM tạm đóng cửa phòng COVID-19 lây lan theo chỉ đạo của UBND TP.

“Thâm vốn là cái chắc nhưng tôi chấp nhận”

Chỉ đống bàn ghế chất chồng, anh Tuấn - chủ nhà hàng có tiếng trên đường Song Hành thuộc xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn cho biết quán của anh đóng cửa lúc 20 giờ ngày 24-3. “Gần 17 giờ tôi mới biết thông tin nhà hàng phải tạm đóng cửa ngay trong ngày. Ngặt nỗi có hơn 20 khách nên tôi không thể yêu cầu họ rời nhà hàng ngay. Một mặt tôi nói khéo để họ rời nhà hàng sớm, một mặt tôi ngưng nhận khách mới. Dây dưa gần 20 giờ họ mới rời khỏi nhà hàng” - anh Tuấn nói.

Theo anh Tuấn, do nhà hàng anh mở lâu, đông khách nên anh chuẩn bị nhiều thịt, cá, cua, rau… “Cuối cùng tôi phải bán rẻ cho người quen, phần còn lại tôi chế biến trong hai ngày để bồi bổ cho nhân viên của nhà hàng. Cho dù có lỗ tôi cũng không phiền vì nhà hàng tạm đóng cửa để góp phần chống dịch bệnh COVID-19 lây lan” - anh Tuấn chia sẻ.

Tương tự, quán cơm của bà Ba (đường Phan Văn Hớn, phường Tân Thới Nhất, quận 12) lúc nào cũng đông khách. Thế nhưng trưa 25-3, quán chỉ độ 15 người. “Chiều 24-3, nhận được thông báo từ UBND phường, tôi báo nhà cung cấp thịt, cá giảm một nửa. Trưa nay tôi dẹp bớt, chỉ để lại ba bộ bàn ghế dành cho khách quen, còn chủ yếu bán cho khách mang về nhà. Bán ít, lời ít nhưng không sao, miễn dịch bệnh không lây lan là được” - bà Ba nói.

“Quán cà phê tôi mỗi ngày bán hơn 100 ly, lúc nào cũng có khách. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, tôi đóng cửa đúng 18 giờ ngày 24-3. Tiền thuê mặt bằng vẫn phải trả, nhân viên mỗi ngày vẫn ăn ba bữa, thâm vốn là cái chắc. Tuy nhiên, vì cộng đồng, tôi chấp nhận thiệt thòi để dịch bệnh mau hết” - chị Nga, chủ quán cà phê trên đường Mã Lò, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, nói.

Một quán ăn trên địa bàn huyện Hóc Môn, TP.HCM đã đóng cửa. Ảnh: TRẦN NGỌC

Tất cả đồng thuận

Ông Nguyễn Văn Ngỡi, Chủ tịch UBND xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, cho biết xã tập trung triển khai công văn khẩn của UBND TP.HCM ngay chiều 24-3. “Do quá gấp nên không ít nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống bị động vì đã chuẩn bị nguyên liệu chế biến món ăn. Tuy nhiên, nhận thấy lợi ích của việc tạm đóng cửa để phòng, chống dịch bệnh nên tất cả nhà hàng và quán ăn uống chấp hành, cho dù lỗ lã” - ông Ngỡi cho biết thêm.

“Sáng nay xã đi kiểm tra và ghi nhận những quán ăn, quán cà phê ngày thường đông khách giờ đã đóng cửa và ghi thông báo tạm nghỉ tới ngày 31-3. Các nhà hàng cũng để gọn bàn ghế, chỉ còn vài nhân viên ở lại trông chừng” - ông Ngỡi nói.

Theo ông Lưu Minh Đạt, Chủ tịch UBND phường Tân Thới Nhất, quận 12, trên địa bàn có hai nhà hàng và 88 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. “Chiều 24-3, UBND phường phối hợp với ban điều hành khu phố và công an khu vực tới từng nhà hàng, quán ăn uống triển khai công văn khẩn của UBND TP.HCM. Ngoại trừ một vài nhà hàng, quán ăn đề nghị cho mở cửa thêm vài tiếng vì đang có khách, còn lại đều chấp hành đóng cửa để phòng, chống dịch bệnh. Sáng nay, tất cả nhà hàng và cơ sở kinh doanh ăn uống có quy mô trên 30 suất đã tạm đóng cửa” - ông Đạt cho biết thêm.

Được phép phục vụ tối đa 30 người ăn uống trong cùng thời điểm

Chiều 25-3, Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM ban hành công văn gửi tới UBND 24 quận, huyện.

Công văn đề nghị UBND 24 quận, huyện triển khai hướng dẫn một số nội dung tới các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Bao gồm cửa hàng, quầy hàng, quán ăn, nhà hàng, thức ăn đường phố, căn-tin cơ quan và bệnh viện trên địa bàn TP nhằm ngăn ngừa dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, chỉ phục vụ tối đa 30 người ăn uống trong cùng thời điểm. Khuyến khích các hình thức đặt hàng, bán hàng qua điện thoại, qua mạng, giao hàng tận nơi.

Riêng các cơ sở chế biến suất thức ăn sẵn, bếp ăn tập thể của công nhân vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, phải có các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho người ăn, giảm số lượng người sử dụng suất ăn trong cùng thời điểm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm