Sáng nay, 9-8, thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã bước vào môn thi đầu tiên, môn Văn với thời gian 120 phút.
Sau khi rời phòng thi, thí sinh đều khá tự tin về bài làm của mình. Còn các giáo viên đánh giá đề thi đáp ứng được 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển Đại học - Cao đẳng.
Đề thi Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh: NQ
Cô Hồ Ái Linh, giáo viên trường THCS - THPT Đào Duy Anh, TP.HCM cho biết đề thi môn Ngữ Văn năm 2020 là một đề thi hay, có tính phân hóa cao, vừa đảm bảo yêu cầu về việc xét tốt nghiệp và đáp ứng được xét tuyển vào đại học. Đặc biệt, nội dung đề thi có ý nghĩa thực tiễn khi khuyên con người cần phải biết trân trọng cuộc sống trong giai đoạn dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp.
Học sinh tươi cười sau khi kết thúc bài thi môn Văn tại điểm thi trường THPT Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: PHẠM ANH
Về cấu trúc đề thi năm nay cơ bản giữ nguyên như các đề thi năm trước, bám sát đề thi minh họa, không gây hoang mang, đánh đố học sinh. Bao gồm có hai phần:
Phần Đọc – hiểu, bám sát ma trận đề thi với 4 câu nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao. Nội dung đề văn có ý nghĩa khi khuyên con người sống hết mình cho hiện tại và trân trọng những gì mình đang có. Học sinh chỉ cần vận dụng kiến thức kết hợp kĩ năng viết sẽ dễ dàng trả lời được vấn đề.
Phần làm văn, câu 1 bàn về sự cần thiết phải trân trọng trong cuộc sống hiện tại. Đây là vấn đề có ý nghĩa sâu sắc khi đất nước đang đối diện với dịch bệnh và từ đó học sinh rút ra được những điều mình cần làm để cuộc sống thêm ý nghĩa tươi đẹp.
Câu 2, yêu cầu đề phân tích tư tưởng Đất Nước của nhân dân thông qua tác phẩm Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm. Học sinh chỉ cần vận dụng kiến thức về cảm thụ văn học cơ bản cũng có thể hoàn thành tốt bài làm của mình. Đề bám sát thực tế và nâng cao tinh thần yêu quê hương đất nước cho học sinh.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Minh Ngọc, giáo viên trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý, TP.HCM nhận định đề thi năm nay bám sát đề thi minh họa mà Bộ GD&ĐT đã công bố trước đó.
So với năm 2019, đề có giảm nhẹ ở phần đọc hiểu. Ở phần này, câu 1 và 2 là dạng câu nhận biết nên các em dễ dàng làm. Ở câu hỏi số 3 là về thông hiểu, có giảm độ khó hơn so với năm 2019, tức chỉ ra điểm tương đồng và đáp án cũng nằm trong đoạn trích rồi. Chỉ cần học sinh đọc kỹ đoạn trích sẽ nhận ra điểm giống. Câu số 4 cũng rất quen thuộc khi hỏi học sinh đồng tình hay không trước một ý kiến, nhận định nào đó.
Về viết đoạn văn ngắn, theo cô Ngọc, năm nay câu hỏi này cũng rõ ràng hơn, đó là sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày, tức bàn về giá trị ý thức trân trọng cuộc sống.
Theo cô Ngọc, nội dung đoạn đọc hiểu rất hay, phù hợp và kịp thời. "Dù đoạn này không đúng trọng tâm như học sinh đồn đoán về COVID-19 nhưng cũng rất có tính thời sự. Trong biến động của cuộc sống, trong khó khăn bất định, chúng ta cần phải học cách trân trọng. Như trong dịch bệnh, thay vì lo lắng khủng hoảng trong tương lai thì chúng ta nên sống hết mình trong từng khoảnh khắc mỗi ngày. Tôi nghĩ dịch bệnh thời gian qua đã dạy cho nhân loại cách trân trọng cuộc sống hiện tại. Nên tôi thấy thích dữ liệu này trong bài thi" - cô Ngọc nói.
Ở phần nghị luận văn học, đoạn thơ đề đưa ra cũng là trọng tâm của bài thơ Đất Nước và cũng không nằm ngoài dự đoán của học sinh. Tuy nhiên, cô Ngọc cho rằng đoạn trích hơi dài. Đây là đoạn nói về hai ý là vai trò của nhân dân làm nên lịch sử và làm nên văn hóa của đất nước. Do đó, ngay cả học sinh học tốt cũng phản hồi rằng không kịp viết hết ý vì thời gian hạn chế.
Theo cô Ngọc, nếu đoạn thơ ngắn hơn và chỉ tập trung một là lịch sử hai là văn hóa sẽ cô đọng, thoải mái hơn cho các em làm bài. Với đề này, cô Ngọc cho rằng, phổ điểm bài thi này sẽ chủ yếu 6 đến 7 điểm. Thí sinh sẽ khó đạt từ 8 điểm trở lên vì đoạn thơ dài mà để phân tích sâu sẽ hơi khó.
Nhận xét về đề thi, cô Nguyễn Thị Ngọc, giáo viên môn Ngữ Văn, TP Hà Nội, cho biết, trong đề Văn, phần đọc hiểu trích dẫn văn bản hay, học sinh có thể trả lời được, điểm phần này nhiều em sẽ đạt tối đa.
Từ văn bản đọc hiểu liên hệ đến câu nghị luận xã hội phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi và phù hợp với cả hoàn cảnh sống hiện tại của đất nước ta.
Về phần văn học, bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm có sự kết hợp giữa chất chính luận và chất trữ tình.
Đoạn trích khá khó đối với học sinh.Để đạt điểm cao, học sinh còn phải biết liên hệ những kiến thức liên quan đến đoạn trích nằm ngoài đoạn trích và cả ngoài văn bản. Lập luận chặt chẽ nhưng không được làm mất đi tính trữ tình, dung dị của chính văn bản".