LTS: Tháng 8-2020, đúng 75 năm sau, giai thoại về kho báu Yoshida, Căn cứ 6 lại một lần nữa được đánh thức. PLO khởi đăng loạt bài 5 kỳ về kho báu này.
Ngày 5-8, tin từ Công an huyện Hàm Tân, Bình Thuận, cho biết đang xác minh thiệt hại cây cối do việc đào bới trái phép xảy ra tại khu vực đất gần Giáo xứ Mẹ Thiên Chúa thuộc xã Tân Đức, huyện Hàm Tân để xử lý.
Trước đó ngày 4-8, theo ông Văn Quý Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân, huyện vừa có văn bản đối với tờ trình của UBND xã Tân Đức xin gia hạn thời gian tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính xung quanh việc đào bới trái phép tại khu vực trên.
Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân đã giao cho Phòng TN&MT huyện rà soát hồ sơ, tham mưu UBND huyện xem xét, có ý kiến để UBND xã Tân Đức thực hiện.
Khu vực đào bới trước đây chỉ cách khu vực đào trái phép hiện nay chưa đầy 500m. Ảnh: PN
Đào bới trái phép quanh kho báu Yoshida
Trao đổi với PLO, ông Lý Quang Cần, Chủ tịch UBND xã Tân Đức, cho biết trước đó UBND xã đã phát hiện một nhóm người lén lút đưa máy xúc vào khu đất trên để đào bới.
“Khi lực lượng chức năng đến thì nhóm người trên bỏ trốn và hiện UBND xã đang tạm giữ một máy xúc mà chủ phương tiện là một người ở thị xã La Gi. Riêng người dẫn đầu nhóm đào bới có hộ khẩu tại TP.HCM.
Đây không phải là lần đầu, từ năm 2018-2019 có ít nhất 5-6 nhóm người đến đây đào bới trái phép thủ công khi bị phát hiện đều bỏ chạy và lần này họ đưa cả cơ giới vào. Các cơ quan chức năng đang làm rõ mục đích đào bới trái phép của những nhóm người này và củng cố hồ sơ để xử lý”, ông Cần nói.
Được biết, chủ xe máy xúc là ông Đậu Đức Đạt ở phường Tân An, thị xã La Gi được ông Đồng Văn Thanh ở TP.HCM thuê đột nhập vào khu đất này để đào bới trái phép, hủy hoại hàng chục cây xà cừ nhiều năm tuổi. Họ cho rằng đào bới khu vực này để… tìm nguồn nước trong khi đây là khu vực đất do Nhà nước quản lý.
Theo nguồn tin của PLO, thực chất những nhóm người liên tục đột nhập vào khu đất trên lén lút đào bới là để truy tìm “Kho báu Yoshida” mà rất nhiều người tin tưởng và cho rằng đây là nơi quân đội Nhật chôn giấu 6 tấn vàng trong Thế chiến thứ hai.
Đáng nói địa điểm mà các nhóm người này vào đào bới chỉ cách vị trí trước đây 500m từng có nhiều dự án truy tìm kho báu mà Thủ tướng Chính phủ phải chỉ đạo cho Bộ Công an; Bộ TN&MT vào cuộc.
“Kho báu Căn cứ 6”; “Kho báu Yoshida” quả là quá kỳ bí, đã 75 năm trôi qua nhưng nó vẫn có sức hút ghê gớm với không ít hệ lụy và cho đến nay vẫn chưa có ai khẳng định kho báu trên có thật hay không.
Dù chỉ là giai thoại được đồn thổi nhưng hai thế kỷ qua nó lại liên quan đến những con người có thật từ những quan chức, đại gia, nông dân, nhà khoa học, cố vấn cấp cao đến những người luôn mơ tưởng về vàng… Và đặc biệt đã tốn kém không biết bao nhiêu giấy mực, thời gian mà chính quyền địa phương phải đứng ra giải quyết hậu quả để lại.
Tấm không ảnh của viên tỉnh trưởng
Thật ra “Kho báu Yoshida” hay “Kho báu Căn cứ 6” đã được lan truyền từ rất lâu và có khá nhiều người dòm ngó thậm chí có người đã đổ hàng đống của cải và mạng sống của mình vào những cuộc truy tìm vô vọng.
Tháng 5-1945, thời điểm Nhật sắp sửa đầu hàng quân Đồng minh có nhiều nguồn tin cho rằng chính đại tá Yoshida, thuộc cấp của tướng Yamashita đã thu gom nhiều tấn vàng vòng, châu báu cướp được tại Việt Nam và chở bằng xe lửa từ Sài Gòn ra Suối Kiết (Tánh Linh).
Người ta nghi ngờ rằng, Yoshida đã chỉ đạo cho thuộc cấp cùng một nhóm người Raglai chôn giấu đâu đó tại khu vực Căn cứ 6 rồi sau đó thủ tiêu tất cả những người tham gia và chỉ có một người tộc trưởng Raglai may mắn sống sót nhờ chạy thoát.
Tỉnh Bình Tuy được thành lập và Thiếu tá Bường về nhậm chức tỉnh trưởng. Ảnh tư liệu
Những thông tin cơ mật này đều được chính quyền Ngô Đình Diệm nắm rõ. Vì thế, năm 1957, ông Ngô Đình Diệm quyết định cắt một phần phía nam tỉnh Bình Thuận để thành lập tỉnh Bình Tuy.
Đại úy gốc Quảng Bình Lê Văn Bường lúc đó chỉ là Quận trưởng Tiên Phước (Quảng Nam) đã được điều khẩn cấp bằng quyết định số 17/NV được ông Diệm ký ngày 10-1-1957 vào Bình Tuy làm Tỉnh trưởng với quân hàm thiếu tá và chưa đầy ba năm sau được vinh thăng trung tá.
Với lệnh điều động trên, ai cũng hiểu ông Bường là tay chân thân cận của gia đình ông Ngô Đình Diệm nên việc điều Bường về Bình Tuy không ngoài tham vọng tìm kiếm và bảo vệ kho báu.
Thời đó, từ Vĩ tuyến 17 đến tận đảo Phú Quốc ai cũng biết bốn người thân cận của dòng họ Ngô Đình gồm “nhất Thảo, nhì Bường, tam Thơ, tứ Duệ”. Ngoài ông Bường xếp hang nhì, ba người còn lại gồm đại tá Phạm Ngọc Thảo (một nhà tình báo nổi tiếng được nhà văn Nguyễn Trương Thiên Lý xây dựng thành nhân vật Nguyễn Thành Luân trong phim Ván bài lật ngửa); Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ và đại tá Nguyễn Hữu Duệ, Tư lệnh phó kiêm Tham mưu trưởng Lữ đòan liên minh phòng vệ Phủ tổng thống.
Ngày 24-1-1957, thiếu tá Lê Văn Bường chính thức về Bình Tuy nhậm chức. Từ khi ông Bường về, người dân Bình Tuy đều nghe mỗi tháng ngài cố vấn Ngô Đình Nhu thường tổ chức đi săn ở khu vực Căn cứ 6.
Mỗi cuộc “đi săn” của ông Nhu luôn có “lực lượng phòng vệ Phủ Tổng thống” trang bị đến tận răng đi kèm. Gọi là “đi săn” chứ kỳ thực ông Nhu chỉ xua quân dò la trong một khu vực chỉ vài cây số vuông.
Gần một tháng sau, ngày 20-2-1957 theo lệnh của hai ông Diệm-Nhu, tân tỉnh trưởng Lê Văn Bường bắt tay vào thành lập khẩn cấp quận Tánh Linh.
Ông Bường cũng nhận nhiệm vụ tối mật là phải đưa tay chân thân tín vào giữ các chức vụ trọng yếu trong quận Tánh Linh để bằng mọi giá phải tìm được người tộc trưởng Raglai thoát chết khi tham gia chôn giấu kho báu.
Thiếu tá Bường cắt băng khánh thành quận Tánh Linh. Ảnh tư liệu
Cuối năm 1959, từ tin mật báo của một Địa điểm trưởng ở khu vực Suối Kiết, ông Lê Văn Bường may mắn tìm được người tộc trưởng lúc đó đã hơn 60 tuổi.
Một bức điện mật lập tức gởi về Phủ Tổng thống từ Tiểu khu Bình Tuy thông báo tin mừng. Và chỉ ba ngày sau, thêm một bông mai vàng nở trên ve áo của ông Bường, tân tỉnh trưởng Bình Tuy được vinh thăng trung tá.
Gần một tuần sau, đích thân trung tá Bường lái xe đưa vị tộc trưởng vào Dinh Độc lập yết kiến ngài cố vấn. Sau này anh em ông Diệm đã bị bắn chết, ông Bường mới kể lại cho vợ bé là bà Vũ Thị Thanh Xuân biết sau khi chỉ địa điểm, vị tộc trưởng được ông Nhu mời rượu và ôm bụng quằn quại ngã xuống chết tức thì. Riêng ông Bường chỉ dám đứng im không dám hé một tiếng!
Tuy nhiên trước khi đưa người tộc trưởng vào Sài Gòn, ông Bường đã thực hiện không dưới bốn chuyến bay thám sát bí mật bằng máy bay L19 cùng với người tộc trưởng Raglai. Với hàng lọat những chuyến bay, người ta tin chắc rằng trong tay ông Bường đã có tấm không ảnh về kho báu cụ thể bằng những tọa độ được đánh dấu chính xác trong khu vực khoảng một cây số vuông.
Chính những chuyến bay thám sát này mà ông ta mang họa. Nếu là người khác đã bị xử bắn nhưng cho dù có là người thân cận lại dám qua mặt nên ngày 10-5-1961, ông Bường bị điều chuyển về Lao Bảo sát biên giới Lào.
Cùng ngày, ông Ngô Đình Diệm ký quyết định 503/NV cử đại úy Nguyễn Văn Tý về giữ chức tỉnh trưởng Bình Tuy. Trong thời gian này “những cuộc đi săn” của ông Ngô Đình Nhu vào khu vực Căn cứ 6 ngày càng dày đặc hơn.
Tuy nhiên, ngày 1-11-1963, chế độ Ngô Đình Diệm bị đảo chính và một ngày sau, đại úy Nguyễn Văn Nhung tùy viên của tướng Dương Văn Minh đã bắn chết anh em ông Diệm, kết thúc giấc mơ về “kho báu” của ông Nhu. Cũng trong thời điểm này trung tá Lê Văn Bường cùng vợ bé và các con cũng đột nhiên biến mất.
Kỳ 2: Cái chết của cựu tỉnh trưởng