Không nên trồng dừa ở TP.HCM ?

"Cây dừa không nên trồng ở các vỉa hè, đường phố có mật độ người và xe cộ đông đúc, chật hẹp. Tuy nhiên, ở các khu ven đô, khu công nghiệp, các khu nghỉ dưỡng, các tuyến kênh thoát nước, các thành phố vệ tinh mới hình thành thì có thể nghiên cứu thí điểm trồng dừa xen lẫn với các cây xanh khác tạo cảnh quan và trang điểm đường phố" - TS Anh nói.

TS Anh cũng dẫn chứng kinh nghiệm ở các vùng đô thị ở Philippines có các vành đai xanh bằng cây dừa đã giảm thiểu được thiệt hại do các cơn bão nhiệt đới gây ra. Năm 2014, thành phố Dagupan (Philippines) đã phát động chương trình khuyến khích cộng đồng người dân trồng dừa nơi cư trú của họ như là một trong những giải pháp giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu trên khu vực và toàn cầu.

 Ngày hội trồng dừa để giảm thiểu biến đổi khí hậu ở thành phố Dagupan, Philippines. Ảnh: Internet

TS cho biết Việt Nam là một trong 10 nước có sản lượng dừa lớn nhất trên thế giới. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, dừa trồng rộng khắp từ Bắc vào Nam, tập trung nhiều ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, địa phương trồng dừa lớn nhất nước là Bến Tre với diện tích 51.560 ha. Bến Tre cũng được xem là xứ dừa, vì loài cây trồng này gắn bó bao đời với người dân tỉnh này. Nơi đây, dừa không chỉ mang về lợi ích kinh tế mà còn là vấn đề hệ sinh thái, điều kiện thuận lợi trong canh tác và có các yếu tố về cảnh quan, văn hóa.

Theo ông, kinh nghiệm trên thế giới cũng như ở Việt Nam qua nhiều trận mưa bão và lốc xoáy, các vườn dừa đều trụ vững trong khi nhiều cây rừng, cây xanh đô thị và cây ăn trái khác có tỷ lệ đổ ngã rất cao. Ngoài ra, dừa còn có vai trò trong việc tham gia hấp thu làm giảm phát thải khí cacbon dioxit (CO2) ra khí quyển.

Cụ thể, theo một nghiên cứu tại Philippines cho thấy cây dừa trên 10 năm tuổi có khả năng hấp thu khoảng 24 tấn CO2/ha/năm. Một nghiên cứu mới nhất của Đại học Cần Thơ tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre thì vườn dừa trong độ tuổi từ 4 - 10 năm có khả năng hấp thu xấp xỉ 25 - 75 tấn CO2/ha/năm, cao hơn hẳn ở Philippines. Đây cũng là một tiềm năng để các tỉnh có diện tích dừa lớn thực hiện chứng chỉ carbon theo cơ chế phát triển sạch (CDM).

Vườn dừa ở bãi đậu xe của Khách sạn Sky City, Darwin, Úc . Ảnh internet

 Hàng dừa được trồng ở một thành phố gần Jakarta, Indonesia. Ảnh: Atin Su

Tuy vậy, hiện cây dừa được trồng nhiều ở các vùng nông thôn, ven biển và hải đảo. Ở các vùng ven đô và nội đô thì diện tích cây dừa còn khiêm tốn. Theo TS Anh, ở vùng Thanh Đa, Bình Quới giáp sông Sài Gòn có thể trồng dừa ngăn sạt lở hoặc các vũng trũng phía Nam Sài Gòn hoặc dọc theo một số tuyến kênh mới cải tạo cũng có thể trồng dừa để tăng làm khả năng hút nước mưa, nước thải tự nhiên.

Ngoài ra, chung quanh các khu công nghiệp tập trung có thể trồng dừa xen với các cây xanh khác để ngăn tiếng ồn, khói bụi và trên một số tuyến đường có giải phân cách rộng trên 10 m cũng có thể thí điểm trồng dừa để tạo cảnh quan. "Hơn 95 nước trên thế giới duy trì việc trồng dừa cho nhiều mục tiêu khác nhau, như việc sử dụng và khai thác các sản phẩm của một cây lương thực, cây dược liệu; đồng thời cũng là cây công nghiệp. Các vườn dừa còn tạo cảnh quan du lịch, cũng như việc duy trì hệ sinh thái, bảo tồn nguồn nước tự nhiên, lọc nước thải, không khí ô nhiễm, chống xói lở bờ sông và ngăn xâm thực bờ biển, đặc biệt là các vườn dừa có khả năng chống chịu cao với thiên tai và biến đổi khí hậu" - TS Anh phân tích. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm