“Tôi thấy quá nguy hiểm khi mở tuyến đường rộng đến 17 m, dài 3,5 km đi qua vùng lõi rừng ngập mặn Cần Giờ - khu dự trữ sinh quyển của thế giới” - GS-TS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (ĐH Công nghiệp TP.HCM), bày tỏ với Pháp Luật TP.HCM.
Đã có đường xuyên tâm
GS-TS Lê Huy Bá cho biết ông là người từng tham gia khảo sát, đề xuất trồng rừng ngập mặn Cần Giờ từ sau 1975 nên hiểu rõ những đặc điểm cũng như giá trị của khu rừng này. “Để rừng phát triển được như hiện nay, TP.HCM đã tốn rất nhiều công sức, tiền của. Vì thế, chỉ vì lý do mở đường phát triển du lịch sinh thái mà chặt bỏ hơn 18.700 cây là không cần thiết” - ông Bá nói.
GS-TS Lê Huy Bá lập luận: “Thứ nhất, đã có trục đường Rừng Sác đi xuyên qua rừng Cần Giờ. Dự án này trước đây cũng gây tranh cãi nhưng vì để phát triển kinh tế cho huyện Cần Giờ nên TP chấp nhận phải hy sinh một diện tích rừng rất lớn. Nhờ có đường Rừng Sác, tình hình giao thông ở Cần Giờ hiện nay đã thuận lợi rồi nên không cần thiết phải mở thêm đường. Thứ hai, nếu muốn phát triển du lịch sinh thái thì phải bảo tồn, giữ nguyên hiện trạng rừng chứ không phải phá bỏ đi. Theo tôi, chúng ta hoàn toàn có thể dùng đường thủy để phát triển du lịch chứ không nhất thiết phải mở đường, phá rừng Cần Giờ”.
Ông Bá nhấn mạnh thêm: “Đối với rừng ngập mặn, vấn đề lưu thông nước giống như mạch máu của con người. Do đó việc xây đường lớn cắt ngang rừng sẽ khiến nước khó lưu thông, gây ảnh hưởng xấu tới những khu vực xung quanh chứ không riêng gì ở diện tích mở đường. Và khi rừng Cần Giờ bị ảnh hưởng thì hệ sinh thái cũng ảnh hưởng theo, các loài động vật cũng sẽ bị tác động không nhỏ”.
Có thể dùng đường thủy để phát triển du lịch sinh thái nhằm bảo vệ rừng Cần Giờ. Ảnh: MINH THANH
Có nhiều cách làm tốt hơn
TS Phạm Trọng Thịnh, Phân viện trưởng Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ (thuộc Bộ NN&PTNT), cũng cho rằng phải hết sức lưu ý đến vấn đề lưu thông nước ở rừng ngập mặn Cần Giờ. “Nếu nước không lưu thông được thì quy trình trao đổi chất sẽ gián đoạn, gây úng hoặc chết cây” - ông Thịnh phân tích.
Về dự án mở đường, TS Thịnh cho rằng cần phải cân nhắc giữa yếu tố phát triển kinh tế và bảo tồn, nhất là khi rừng ngập mặn Cần Giờ có giá trị đặc biệt về môi trường, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. “Việc thực hiện dự án còn phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về luật bảo vệ và phát triển rừng, luật bảo vệ môi trường và nhiều quy định khác về rừng ngập mặn cũng như các quy định khác về bảo vệ khu dự trữ sinh quyển thế giới” - TS Thịnh lưu ý.
PGS-TS Nguyên Chu Hồi, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường biển Việt Nam, cũng cho rằng rừng ngập mặn Cần Giờ có giá trị rất đặc biệt về sinh thái, môi trường nên phải hết sức cẩn trọng khi muốn mở đường qua vùng lõi. “Theo tôi, nếu muốn phát triển du lịch sinh thái thì có thể học theo cách của Thái Lan là làm cầu treo để đi bộ hay dùng đường thủy chứ không nhất thiết phải mở đường lớn cho cả ô tô đi” - ông Hồi nói.
Mở đường sẽ gây tác động xấu đến rừng GS-TS Lê Huy Bá cho biết rừng Cần Giờ là vùng đất phèn tiềm tàng, trước đây lãnh đạo TP từng có ý định trồng dừa nhưng không thành công. Do đó, nếu làm đường với diện tích lớn sẽ gây ra tình trạng phèn hóa nguồn đất, ảnh hưởng đến phát triển rừng. Trong báo cáo gửi lãnh đạo UBND TP mới đây, UBND huyện Cần Giờ cũng cho biết: Theo đánh giá tác động môi trường, dự án xây dựng đường Lâm Viên - Đồng Điền sẽ có những ảnh hưởng đến rừng ở những khía cạnh như suy thoái đất, tăng khả năng phèn hóa, tác động đến môi trường nước, tài nguyên sinh vật… |