Nhân ngày 20-10: Phụ nữ chỉ cần hai chữ

Phụ nữ ở các vị trí công việc khác nhau có mối quan tâm về sự an toàn khác nhau. Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan (Phó hiệu trưởng ĐH KHXHNV TP.HCM) quan tâm tới việc thiết kế một cơ chế để các em bé gái và các phụ nữ cần trợ giúp có thể liên lạc được ngay.

Hiện tại, các hội đoàn thể của thành phố dù rất thân thiện nhưng vẫn hoạt động theo cơ chế hành chính, khó tiếp cận với một số người. Bà Phương Lan cho rằng cần phải mang cuộc cách mạng 4.0 vào các thiết kế chính sách. Phải xây dựng được những ứng dụng thông minh trên điện thoại, giúp người rụt rè nhất cũng có thể yêu cầu sự giúp đỡ chỉ qua một vài thao tác đơn giản.

Đây quả thực là một vấn đề cần suy nghĩ. Vì bình đẳng cho phụ nữ là cần phải bình đẳng về cơ hội được tiếp cận cho tất cả mọi người. Nhiều cuộc khảo sát đã chỉ ra, nhóm phụ nữ có thu nhập thấp, có hoàn cảnh sống khó khăn vẫn chưa tiếp cận đầy đủ sự giúp đỡ khi bị bạo lực, bị quấy rối tình dục. Nhận thức và thông tin của họ bị hạn chế nhiều mặt. Khi họ yêu cầu sự giúp đỡ, thường là đã có hậu quả xảy ra.

Để ngăn ngừa bạo lực mạnh mẽ hơn nữa, một cán bộ hội phụ nữ quận Thủ Đức đề nghị ngành y tế phải phối hợp ngay với các ngành chức năng để giúp đỡ, bảo vệ những nạn nhân của bạo hành, răn đe những kẻ gây ra bạo hành.

Đại diện ngành y tế cho biết khi điều trị cho các bệnh nhân là nạn nhân của bạo hành, họ đã có những phương án điều trị tâm lý cho bệnh nhân và bảo vệ bệnh nhân nữ tại các nhà tạm lánh. Những vụ việc có dấu hiệu hình sự, họ đã thông báo cho các cơ quan điều tra. Nhưng từ đó có thể thấy rằng, vì cơ chế để phụ nữ tiếp cận và báo cáo chưa hữu hiệu nên nạn nhân bạo hành đã phải gánh nhiều hậu quả nghiêm trọng, các cơ sở y tế cũng gánh thêm nhiều trách nhiệm ngoài chuyên môn điều trị y tế.

Ngay cả trong những sinh hoạt thường ngày, nhiều phụ nữ vẫn phải âu lo về sự an toàn. Đó là mỗi khi lên xe buýt vẫn đâu có có những kẻ quấy rối. Hoặc chính các bác tài xe buýt vẫn còn chạy ẩu, trả khách tại trạm không an toàn. Dù có đường dây nóng, nhưng không phải ai cũng có thể gọi điện thoại phản ánh ngay.

Trong một cuộc họp trước đó về quyền trẻ em, một phụ huynh còn cho biết ở địa phương nào cũng có đường dây nóng tiếp nhận các cuộc gọi, nhưng hầu như không mấy ai biết về các số điện thoại này. Nhiều em nhỏ thường chọn cách im lặng khi bị bạo hành, bị bắt nạt. Nếu có một ứng dụng thông minh để báo cáo cho ngành chức năng phụ trách, sẽ hiệu quả hơn nhiều cho các nhóm đối tượng này.

Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái là tên của chương trình mà tổ chức quốc tế chống nghèo đói và bất công phối hợp với nhiều nơi để thực hiện, trong đó có TP.HCM. Để thành phố đượcan toànhơn, các sở, ngành phải làm nhiều việc để nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Nhưng cần một cơ chế báo cáo để được giúp đỡ nhanh chóng, hiệu quả là điều thành phố cần làm ngay. Đó là lý do ý kiến của tiến sĩ Phương lan rất được các nữ đại biểu hoan nghênh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm