Không còn thiếu ôxy để chống dịch
Ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, cho biết tính đến 18 giờ ngày 29-12, có 502.630 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố. Riêng trong ngày 29-12, có 510 bệnh nhân nhập viện, 682 bệnh nhân xuất viện và 37 bệnh nhân COVID-19 tử vong.
Theo ông Hải, những ngày gần đây, số ca xuất viện luôn cao hơn số ca nhập viện. “Trước đây mỗi ngày có 800-900 ca nhập viện thì hiện nay giảm xuống còn khoảng 400-500 ca” - ông Hải nói.
Số ca tử vong do COVID-19 cũng liên tục giảm. Trong đó, ngày 24-12 còn 42 ca tử vong, hôm nay còn 37 ca. “Đó là những con số hết sức khả quan. Chúng ta mong rằng giải pháp đã và đang thực hiện sẽ tiếp tục góp phần kiểm soát dịch bệnh ngày càng tốt hơn” - ông Hải nói.
Trả lời câu hỏi về ứng phó với biến chủng mới Omicron, khi Việt Nam đã phát hiện ca nhiễm đầu tiên về từ Anh, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết sau khi Hà Nội phát hiện ca nhiễm biến chủng Omicron, Sở Y tế TP.HCM đã khẩn trương họp với các quận, huyện và TP Thủ Đức. “Tinh thần là nắm bắt, phát hiện từ xa trường hợp người nước ngoài vào trong nước” - bà Mai nói.
Theo bà Mai, hiện nay các cơ sở y tế, đặc biệt là cơ sở dự phòng đã được kích hoạt để phát hiện biến chủng mới. Các đơn vị sẽ tầm soát, nếu có bất thường như số ca F0 trở nặng và tử vong tăng nhanh thì sẽ xét nghiệm PCR và giải mã trình tự gen xem có nhiễm biến chủng Omicron hay không.
BV dã chiến số 12 tại TP Thủ Đức cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận, điều trị, thu dung, cách ly ca nghi ngờ và khẳng định nhiễm Omicron.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết hiện trên địa bàn TP.HCM có 11 đơn vị cung cấp ôxy, trong đó có bốn đơn vị sản xuất và bảy đơn vị kinh doanh.
Tổng lượng ôxy các đơn vị cung cấp cho TP.HCM khoảng 150 tấn/ngày. “Cách đây hai tuần, do số F0 có chiều hướng tăng lên nên nhu cầu ôxy lỏng cho các cơ sở điều trị trên địa bàn TP là 166 tấn/ngày, dẫn đến tình trạng thiếu ôxy tại các cơ sở y tế, điều trị. Tuy nhiên, hiện số F0 giảm, số ca chuyển nặng giảm nên nhu cầu ôxy cũng giảm đi và các bệnh viện đã thông tin là không thiếu ôxy” - bà Mai nói.
Các đơn vị của TP.HCM sẽ tầm soát, nếu có bất thường như số ca, F0 trở nặng và tử vong tăng nhanh thì sẽ xét nghiệm PCR và giải mã trình tự gen xem có nhiễm biến chủng Omicron hay không. Ảnh: NGUYỆT NHI
Liên quan đến kết quả khảo sát sự đồng thuận của phụ huynh học sinh về việc cho học sinh các lớp 7, 8, 10 và 11 đi học trực tiếp trở lại, ông Trịnh Duy Trọng cho biết: Kết quả từ các quận, huyện cho thấy sự đồng thuận của phụ huynh tùy theo từng khối lớp và tùy theo từng địa phương, dao động 60%-80%. Kết quả này tương tự với kết quả khảo sát trước đó khi lớp 9 và 12 đi học trực tiếp trở lại. |
Vì sao đề xuất lớp 7, 8, 10 và 11 học trực tiếp?
Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng Phòng chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP.HCM), cho biết việc đề xuất cho lớp 7, 8, 10 và 11 đi học trực tiếp trở lại trong thời gian tới là dựa vào kết quả hai tuần dạy học trực tiếp đối với lớp 9 và 12. Hai tuần qua, các trường đã thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát được dịch bệnh trong nhà trường khi học sinh đi học lại.
Cụ thể, các trường đã có những quy định phòng chống dịch, từ đó có được kinh nghiệm và thực tế đã xử lý các tình huống khi có F0 xuất hiện trong nhà trường.
Cơ sở thứ hai là học sinh các lớp 7, 8, 10 và 11 đã lớn, do đó các em có ý thức, kỹ năng phòng chống dịch tốt và đã được tiêm đủ hai mũi vaccine. “Riêng đối với khối lớp cấp I và các lớp khác, Sở GD&ĐT đang tiếp tục cân nhắc, tùy theo tình hình dịch bệnh thời gian tới, sở sẽ có báo cáo đề xuất với UBND TP” - ông Trọng khẳng định.
Đối với việc kiểm tra, đánh giá học kỳ 1 của học sinh ở bậc tiểu học, ông Trọng cho biết các lớp 3, 4 và 5 sẽ kiểm tra theo hình thức trực tuyến và đối với các lớp 1, 2 sẽ kiểm tra trực tiếp khi các em đi học lại.
Công an TP.HCM khởi tố 2 vụ mua bán, sản xuất thuốc điều trị COVID-19 Tại buổi họp báo, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng tham mưu, Công an TP.HCM, cho biết đến nay Công an TP.HCM đã phát hiện và xử lý bảy vụ việc liên quan đến mua bán thuốc điều trị COVID-19 Molnupiravir. Trong đó, Công an TP.HCM đã khởi tố hai vụ án với năm bị can, gồm một vụ sản xuất thuốc điều trị COVID-19 giả và một vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để mua bán thuốc. Với năm vụ còn lại, Công an TP.HCM xử lý hành chính hai vụ việc, tiếp tục xác minh làm rõ ba vụ việc khác. |