Ngày 27-8, UBND tỉnh Gia Lai có công văn về việc thực hiện một số biện pháp cấp bách để phòng-chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Pleiku.
Cụ thể, thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn TP Pleiku kể từ 0 giờ ngày 28-8 theo chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó kiểm soát, khoanh vùng, thiết lập các chốt chặn tại các cửa ngõ giao thông của TP Pleiku.
Thực hiện giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Yêu cầu người dân chỉ ra khỏi nhà khi thật cần thiết (như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu), đi làm việc (tại cơ quan, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa hoặc bị dừng hoạt động) và các trường hợp khẩn cấp khác.
Không tập trung quá hai người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng; giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi tiếp xúc.
Tạm dừng tất cả hoạt động trường học, hoạt động công cộng, cơ sở vui chơi, giải trí, tập trung đông người, các hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu.
Hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân, bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu sản xuất nhưng phải đảm bảo công tác phòng-chống dịch.
Dừng các hoạt động hội, họp không cần thiết, trường hợp phải tổ chức họp phải có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, tuân thủ tuyệt đối quy tắc 5K của Bộ Y tế cùng các biện pháp phòng-chống dịch theo quy định. Người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm cá nhân trong việc làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc của đơn vị mình và để cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng-chống dịch tại công sở.
UBND tỉnh yêu cầu thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thật ốt công tác an sinh xã hội; đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân, nhất là khu phong tỏa, cách ly, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Nắm chắc tình hình, xử lý nhanh, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, xem xét trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy Đảng, các cơ quan, địa phương nếu để xảy ra những tình trạng này.
Đồng thời, đẩy nhanh việc hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng dịch bệnh, nhất là cho người lao động bị mất việc làm, người lao động tự do, người có hoàn cảnh khó khăn theo chủ trương của Trung ương và tỉnh. Trong đó cần rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục hành chính, với tinh thần rõ đối tượng đến đâu thì hỗ trợ ngay đến đó.
Tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các biện pháp phòng-chống dịch ở các doanh nghiệp để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách tối đa trong tình hình dịch bệnh. Cương quyết xử lý nghiêm các vi phạm tại các doanh nghiệp, nhất là ở các khu công nghiệp…
Cơ quan chức năng đang tiếp tục truy vết các nguồn lây.
Cùng ngày, tỉnh Gia Lai đã lấy mẫu và xét nghiệm 2.083 người, trong đó ghi nhận 5 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Như vậy tính đến 11 giờ trưa nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 465 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó đã xuất viện 111 trường hợp.
Tại Đắk Lắk, tính đến 16 giờ hôm nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận thêm 53 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó, có chùm ca bệnh trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây ở thôn 8, thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’Gar.
Ngoài ra, có nhiều chùm ca bệnh được phát hiện trong khu phong tỏa ở các huyện trên địa bàn. Còn có một nữ nhân viên phòng khám ở Buôn Ma Thuột được phát hiện dương tính với COVID-19. Lực lượng chức năng đang truy vết.
Như vậy, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 947 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 268 bệnh nhân điều trị khỏi bệnh và 5 trường hợp tử vong.