Vụ "đinh tặc" bị bắt quả tang ở Bình Dương: Chưa có hậu quả, khó xử lý

Xung quanh việc “đinh tặc” Nguyễn Thế Công bị các thành viên Đội phòng chống tệ nạn phường Phú Hòa bắt quả tang việc rải đinh và được cho về, nhiều bạn đọc thắc mắc: Có phải công an không chịu xử lý khi mà hành vi vi phạm sờ sờ ra đó. Pháp luật quy định việc xử lý loại hành vi này như thế nào? Có phải các cơ quan tố tụng nương tay với “đinh tặc”.

Bắt rồi thả

Ngày 7-2, “đinh tặc” Nguyễn Thế Công (30 tuổi, quê Thanh Hóa) bị các hiệp sĩ của câu lạc bộ Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa (thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương) bắt quả tang khi Công đang rải đinh trên quốc lộ 13 đoạn qua Suối Cát (thị xã Thủ Dầu Một). Các hiệp sĩ thu giữ trong tay Công hơn 150 chiếc đinh tự chế để hại người đi đường và đưa Công về trụ sở công an phường cho cơ quan chức năng xử lý. Trong khi Công an phường Phú Thọ đang lấy lời khai của Công thì có bốn thanh niên khác đã đến phá khóa tiệm sửa xe nơi Công hành nghề để tẩu tán một số đồ nghề và máy móc. Khám xét tiệm sửa xe máy của Công, cơ quan chức năng phát hiện thêm khoảng 40 miếng thép hình tam giác và hình thoi giấu trong bịch nylon cùng nhiều tang vật khác. Sau khi làm việc, ngày 11-2, công an cho biết đã cho Công về nhà.

Theo công an, hiện cơ quan này đang củng cố các chứng cứ liên quan mới có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, công an chưa củng cố được chứng cứ nên không thể tạm giữ hình sự Công, phải cho Công về nhà.

Vụ "đinh tặc" bị bắt quả tang ở Bình Dương: Chưa có hậu quả, khó xử lý ảnh 1

Đội hút đinh quận Thủ Đức đã gom về gần 5 kg đinh do “đinh tặc” rải ra kể từ tết Tân Mão đến nay. Ảnh: P.ĐIỀN

Khó xử hình sự

Các chứng cứ mà cơ quan tố tụng phải chứng minh là gì. Nếu bị xử lý, Công sẽ bị xét xử theo tội danh nào?

Theo Kiểm sát viên cao cấp VKSND Tối cao Võ Văn Thêm, với hành vi rải đinh làm hư xe người đi đường để “chặt chém” nạn nhân, các cơ quan tố tụng chỉ có thể xử lý về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 Bộ luật Hình sự. Đây là tội có cấu thành vật chất, tức có hậu quả thiệt hại xảy ra và hậu quả này được lượng hóa bằng tiền mới có thể xử lý hình sự được người vi phạm. Cụ thể, khoản 1 Điều 143 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2009 ghi rõ: “Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng…, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Cũng theo điều luật trên, nếu số tiền gây thiệt hại cho người khác (nhiều người cộng lại) mà không đến 2 triệu đồng, nếu muốn xử lý hình sự, phải thỏa yếu tố: gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị phạt hành chính, bị kết án tội này chưa được xóa án tích mới bị xử lý. Hậu quả nghiêm trọng cũng phải là hậu quả vật chất, tức phải có nạn nhân của việc rải đinh bị thương tích, chết…

Trường hợp của Nguyễn Thế Công, muốn xử lý hình sự không dễ. Bởi khi đang rải đinh, Công bị bắt nên yếu tố gây thiệt hại cho người khác chưa xảy ra, tức chưa thỏa yếu tố cấu thành tội phạm. Nếu cơ quan tố tụng cũng không chứng minh được Công đã từng rải đinh, đã từng gây thiệt hại cho những người khác, chỉ có thể xử phạt hành chính Công mà thôi.

Không có căn cứ xử lý nên cho tại ngoại

Chiều 14-2, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Nam, Phó Viện trưởng VKS thị xã Thủ Dầu Một, về vụ “đinh tặc” này.

. Hiện các cơ quan tố tụng thị xã có vướng mắc điều gì mà chưa khởi tố vụ án và căn cứ nào để cho Công về nhà, thưa ông?

+ Sau khi các hiệp sĩ bắt giữ, lực lượng chức năng kiểm tra tiệm sửa xe của Công nhưng không thu được vỏ ruột xe hư, chỉ thu được 28 cái đinh kẽm nhưng lại nằm phía ngoài cửa sổ chứ không nằm trong tiệm và cũng chưa khẳng định số đinh này của Công hay của ai bỏ vô. Tôi đang yêu cầu anh em làm rõ lại chỗ hai người tham gia bắt và một nhân chứng chứng kiến vụ việc để xem xét có khởi tố vụ án hay không. Hai anh em tham gia bắt giữ Công báo là Công đang rải xuống đường được mấy miếng đinh thì bị bắt quả tang. Tuy nhiên, khi kiểm tra lại hiện trường, có 158 miếng đinh kẽm nằm trong một cái bọc. Chúng tôi đang làm rõ là đinh nằm trong tay của Công rải xuống đường hay đinh còn nằm trong bọc…

Vì cơ sở để tạm giữ hình sự chưa đủ nên công an cho Công tại ngoại là điều đương nhiên.

. Công có thừa nhận việc có rải đinh không, thưa ông?

+ Từ đầu đến cuối Công không thừa nhận.

. Nếu Công thừa nhận có rải đinh, cơ quan chức năng có khởi tố vụ án không, thưa ông?

+ Nếu Công thừa nhận và nó phù hợp với các chứng cứ thu thập, xác định được hậu quả sẽ khởi tố vụ án ngay.

. Xin cảm ơn ông.

Nhiều “đinh tặc” ở Bình Dương đã bị kết án

- Ngày 17-1, TAND thị xã Thủ Dầu Một đã kết án bốn “đinh tặc” tội hủy hoại tài sản. Theo đó, Lê Xuân Trọng bị phạt hai năm sáu tháng tù, Lê Xuân Chính hai năm tù, Lê Văn Khôi và Phạm Tuấn Anh mỗi người một năm sáu tháng tù.

- Ngày 11-1, TAND này cũng đã xử phạt “đinh tặc” Nguyễn Văn Công hai năm tù về tội danh trên.

Cả hai vụ án này có nhiều nạn nhân đến tố cáo và công an cũng thu được hàng chục ruột xe cán phải đinh của người dân.

NHÓM PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm