Xác nhận độc thân: Nghĩ cách làm tiện hơn cho dân

(PLO)- Nhiều ý kiến góp ý để việc xác nhận độc thân cho người dân được thực hiện thuận tiện, dễ dàng hơn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bài viết “Trần ai chuyện xin xác nhận độc thân của 1 phụ nữ 66 tuổi” đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM ngày 26-5 nhận được phản ánh của bà Nguyễn Thị Ngọc Hà (quận 3, TP.HCM) khi xin cấp giấy xác nhận (GXN) tình trạng hôn nhân (còn gọi là GXN độc thân) phải mất thời gian chờ phường gửi văn bản xác minh dù trước đó từng được cấp GXN này đến hai lần. Bài viết nhận được nhiều sự quan tâm bình luận của các chuyên gia và bạn đọc.

ThS HUỲNH THỊ NAM HẢI, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM:

Chỉ nên thực hiện xác minh nối tiếp

Hiện nay, thủ tục cấp GXN độc thân được quy định tại Nghị định 123/2015 và Thông tư 04/2020 của Bộ Tư pháp.

Cụ thể, tại khoản 4 Điều 22 Nghị định 123 quy định việc yêu cầu cấp GXN độc thân cho người đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau thì người đó có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình.

Trường hợp người đó không chứng minh được thì UBND cấp xã có văn bản đề nghị UBND cấp xã nơi người đó đã từng đăng ký thường trú xác minh về tình trạng hôn nhân của người đó. Thời gian xác minh là trong thời hạn ba ngày. Ngay trong ngày nhận được văn bản trả lời, nếu thấy đủ cơ sở, UBND cấp xã cấp GXN độc thân cho người yêu cầu.

Trong trường hợp không nhận được kết quả xác minh, sau thời hạn 20 ngày kể từ ngày gửi văn bản yêu cầu xác minh mà không nhận được văn bản trả lời thì cơ quan đăng ký hộ tịch cho phép người yêu cầu GXN độc thân có văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình.

Người dân đến UBND phường 5, quận Gò Vấp để làm thủ tục hành chính liên quan đến hộ tịch. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Người dân đến UBND phường 5, quận Gò Vấp để làm thủ tục hành chính liên quan đến hộ tịch. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Theo quy định trên, người đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau nếu không chứng minh được tình trạng hôn nhân thì phải mất thêm khoảng thời gian chờ phường gửi văn bản xác minh. Nếu việc xác minh không có kết quả thì chờ đến tận 20 ngày sau mới được viết cam đoan.

Theo tôi, nếu người dân yêu cầu xác nhận lần đầu thì mới cần thực hiện theo quy định nêu trên. Nếu yêu cầu xác nhận lại từ lần hai trở đi, khi địa phương có hồ sơ lưu hoặc người dân cung cấp lại được GXN trước đó thì nên công nhận GXN trước đó. Nghĩa là chỉ cần xác minh từ thời điểm xác nhận trước đó đến thời điểm hiện tại chứ không cần xác minh lại từ đầu.

Luật sư LÊ VĂN HOAN, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Nên cho người dân cam kết và chịu trách nhiệm

Trước đây, theo Điều 4 Thông tư 15/2015, nếu quá thời hạn mà không nhận được văn bản trả lời xác minh thì cơ quan đăng ký hộ tịch cho phép người yêu cầu đăng ký hộ tịch lập văn bản cam đoan về nội dung cần xác minh. Tuy nhiên, đến Thông tư 04/2020 có quy định rõ sau thời hạn 20 ngày kể từ ngày gửi văn bản yêu cầu xác minh mà không nhận được văn bản trả lời thì cơ quan đăng ký hộ tịch cho phép người yêu cầu cấp GXN độc thân có văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình.

Việc đặt ra thời hạn 20 ngày như quy định tại Thông tư 04/2020 cũng có thể thấy việc xác minh của chính các cơ quan nhà nước trong nhiều trường hợp không có kết quả nên phải ấn định thời hạn giải quyết hồ sơ, giấy tờ cho người dân.

Điều đó cho thấy việc giải quyết xác nhận hộ tịch như quy định tại Thông tư 04/2020 vẫn còn những bất cập. Nếu hết thời hạn xác minh 20 ngày không có kết quả mới cho người dân làm cam kết, đối với nhiều trường hợp có thể làm lỡ công việc của họ và rồi căn cứ tính pháp lý cuối cùng cũng chỉ là sự cam đoan của họ để cấp GXN.

Vậy chẳng thà cho người dân viết cam kết ngay từ đầu giống như trước đây để đỡ mất thời gian, công sức của cả người dân và cơ quan nhà nước. Ai cố tình vi phạm cam kết thì sẽ bị xử lý.

Luật sư HOÀNG ANH SƠN, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Cần sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu dân cư

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà đã từng được cấp GXN độc thân đến hai lần và trên dữ liệu quản lý tại địa phương đã có lưu trữ hồ sơ của bà.

Do đó, để tránh mất thời gian cho người dân và cán bộ hộ tịch địa phương thì nên công nhận GXN lần trước, không cần phải xác minh lại, chỉ nên xác minh từ thời gian cấp giấy lần trước đến thời điểm hiện nay.

Về lâu dài, để người dân không phải mất nhiều thời gian chờ đợi khi thực hiện các thủ tục hành chính thì các bộ, ngành cần sớm hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi các dữ liệu có đầy đủ và được liên thông thì cán bộ hộ tịch tại địa phương có thể cập nhật thông tin của người dân và giải quyết hồ sơ hành chính dựa theo các dữ liệu được cập nhật. Có như thế thì người dân và cán bộ giải quyết không phải mất nhiều thời gian, nên cho người dân viết cam kết như trước đây.•

Ngày 25-5, báo Pháp Luật TP.HCM có đăng bài “Trần ai chuyện xin xác nhận độc thân của 1 phụ nữ 66 tuổi” phản ánh trường hợp của bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, 66 tuổi, ngụ đường Trần Văn Đang (phường 9, quận 3, TP.HCM) gặp khó khăn khi xin cấp GXN độc thân lần ba. Những năm trước, bà Hà đã từng có hai lần làm GXN độc thân để mua nhà và đi du lịch. Ngày 9-5, bà tiếp tục đến UBND phường 9 xin cấp GXN độc thân làm hồ sơ để lại di chúc. Cán bộ phường lại hướng dẫn bà về ký túc xá trường đại học cũ (nơi bà thường trú cách đây hơn 40 năm) xin xác nhận cư trú và chưa đăng ký kết hôn thì mới cấp GXN độc thân cho bà. Nếu không thể xác nhận được thì phải chờ UBND phường thực hiện thủ tục gửi văn bản xác minh từ địa phương ở ký túc xá.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm