“Cần thay đổi nhận thức trong vấn đề xây dựng pháp luật, giống như kinh tế thị trường nhiều thành phần, dịch vụ công nhiều thành phần thì công tác lập pháp cũng cần có nhiều thành phần tham gia”. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Thị Quốc Khánh đã chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM như thế khi nói về việc thực hiện quyền sáng kiến lập pháp của ĐBQH.
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh nhiều lần trình bày sáng kiến lập pháp về Luật Hành chính công của mình trên diễn đàn QH. Ảnh: TRỌNG PHÚ
Mong thiết lập kỷ cương cho nền hành chính
. Phóng viên: Điều gì đã thôi thúc bà theo đuổi, đề nghị xem xét đưa dự án Luật Hành chính công vào chương trình lập pháp của QH từ năm 2013 đến nay?
+ Bà Trần Thị Quốc Khánh: Đầu tiên xuất phát từ dư luận, báo chí phản ánh, tôi nhận thấy có nhiều tồn tại trong nền hành chính công của đất nước như tình trạng thủ tục “hành nhà đầu tư” hay lo ngại chuyện dân phải hối lộ mới được việc.
Bản thân tôi cũng có lần chất vấn Thủ tướng, ông cũng chia sẻ bản thân mình cũng gặp khó trong công tác quản lý điều hành. Rồi qua các báo cáo, giải trình của các bộ, ngành với QH về những việc chưa làm được… tôi cũng phát hiện nhiều quy định không rõ ràng, còn thiếu, không đủ sức ngăn chặn các hành vi vi phạm của cán bộ trong nền hành chính. Chẳng hạn như gần đây vụ mua đầu máy, toa xe lửa cũ Trung Quốc, dù đã có quy định về quản lý tài sản công, luật cán bộ công chức nhưng tại sao người ta vẫn làm việc đó một cách bình thường. Có một vấn đề ở đây là dù đang tồn tại rất nhiều quy định ở các luật khác nhau nhưng nền hành chính của mình chưa có một nguyên tắc chung trong quản lý điều hành nên người ta tự do, muốn làm gì thì làm.
Từ thực tiễn trên, tôi nghĩ mình phải đưa ra được cái gì đó để khắc phục và tạo ra sự thay đổi tình trạng hiện nay.
. Bà đã bắt tay thực hiện dự án Luật Hành chính công như thế nào, một mình bà làm hay có sự đóng góp của nhiều người khác?
+ Từ năm 2013, tôi bắt đầu đề nghị xây dựng dự án luật này, tên ban đầu của nó là Luật Hành chính. Khi đó mọi người cũng không để ý đề xuất này, có người nói cái gì chả là luật hành chính. Tôi không chịu được cách nói như vậy. Sau đó tôi tìm gặp hàng loạt chuyên gia hành chính để giúp mình và nhận được sự ủng hộ. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia, tôi mới viết một dự thảo luật lấy tên là Luật Hành chính công đáp ứng với nhu cầu thiết lập kỷ cương trong nền hành chính công vụ của đất nước đang được bàn thảo nhiều.
Sau đó tới các kỳ họp năm 2014, 2015 của QH tôi liên tục đề xuất và dự luật này bắt đầu được mọi người để ý; Chính phủ cũng hoan nghênh nhưng cũng có nhiều ý kiến nói chưa cần thiết vì có nhiều luật chuyên ngành nói về hành chính rồi. Đến tháng 6-2015, Thường vụ QH đã chính thức có báo cáo giải trình tiếp thu và nói rõ: “Riêng Luật Hành chính công, đại biểu đã theo đuổi rất lâu và có bước chuẩn bị kỹ nên Thường vụ đề nghị QH giao cho Viện Nghiên cứu lập pháp và Văn phòng QH hỗ trợ cho đại biểu tiếp tục chuẩn bị, kịp thì đưa vào trình QH”.
. Quá trình xây dựng luật phải tốn rất nhiều thời gian khảo sát thực tiễn, lấy ý kiến đối tượng tác động, để luật không bị xem là “sáng tác”, “lý thuyết” bà đã thực hiện điều này thế nào?
+ Ban đầu tôi trực tiếp đi khảo sát thực tiễn, lấy ý kiến của người dân và doanh nghiệp. Để viết nên dự thảo đó, có lần tôi đã phải một mình đề xuất đi giám sát 4-5 tỉnh, thành về chuyên đề thực hiện “một cửa điện tử”… Sau khi có ý kiến của Thường vụ QH, sự giúp đỡ của Viện Nghiên cứu lập pháp, Văn phòng QH, tôi đã đăng ký làm đề tài khoa học cấp bộ để xin kinh phí làm luật cũng như tổ chức hội thảo. Trước đó tôi toàn bỏ tiền túi ra nhưng điều này không quan trọng vì chỉ mong muốn mọi người hiểu vấn đề mình đang làm.
Chưa coi trọng đề xuất cá nhân
. Quyền sáng kiến lập pháp của ĐBQH đã được quy định từ lâu nhưng ít được thực hiện, bản thân bà có gặp trở ngại gì khi thực thi quyền này?
+ Từ trước đến nay trong công tác lập pháp mới chỉ coi trọng những đề xuất, kiến nghị của các cơ quan cấp bộ, ngang bộ… để tạo thuận lợi trong quản lý nhà nước của các đơn vị này, chứ chưa thật sự coi trọng những đề xuất của cá nhân ĐBQH với tư cách là đại diện cho các tầng lớp nhân dân.
Bản thân tôi khi làm dự án luật này nếu không quyết tâm theo đuổi, không có niềm tin thì rất dễ nản dẫn đến bỏ cuộc. Mấy lần bị “phủ nhận” sẽ làm cho người ta nản lòng ngay. Tuy nhiên, cũng phải thấy rõ ràng mình chưa đi đến nơi, chưa làm cho mọi người hiểu nên bản thân mình phải thấy cố gắng để làm cho mọi người hiểu ra, hiểu cùng với mình.
Cơ chế để ĐBQH trình sáng kiến luật có rồi nhưng vướng ở chỗ nhận thức chung về sự cần thiết của kênh xây dựng luật này.
. Và theo bà cần cải thiện cơ chế hoạt động này như thế nào để tạo điều kiện cho ĐBQH có nhiều đóng góp hơn, nhằm nâng cao chất lượng lập pháp của QH?
+ Đầu tiên thì lãnh đạo QH nên ủng hộ các sáng kiến luật của cá nhân ĐBQH. ĐBQH thực hiện quyền này.
Thứ hai cần thay đổi nhận thức trong vấn đề này, giống như kinh tế thị trường nhiều thành phần, dịch vụ công nhiều thành phần thì công tác lập pháp cũng cần có nhiều thành phần tham gia. ĐBQH ai cũng có suy nghĩ, mong muốn cải thiện cho hệ thống pháp luật tốt nên thì nên ủng hộ, chấp nhận thành phần này để tạo điều kiện cho ĐBQH đóng góp nhiều hơn cho công tác lập pháp.
Nói thật ĐBQH vào QH không phát biểu, đóng góp gì thì ngồi đó cũng chả hay ho gì. ĐBQH nhiều người cũng suy nghĩ cùng với suy nghĩ chung của đất nước, mong muốn tháo gỡ cái khó khăn, vướng mắc trong quản lý điều hành, cho người dân và doanh nghiệp. Và điều này cần phải được hoan nghênh.
Bà Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) là người lần đầu tiên trong nhiệm kỳ QH khóa XIII trực tiếp thuyết phục Ủy ban Thường vụ QH đưa sáng kiến luật của bà vào chương trình lập pháp năm 2016 của QH. Đó là sáng kiến Luật Hành chính công mà bà cùng nhiều chuyên gia đã dày công nghiên cứu, đổ bao tâm huyết với mong muốn góp phần xây dựng một nền hành chính hiện đại, minh bạch và tinh gọn cho đất nước với sáu chương, 60 điều. Bà chia sẻ: “Nhiều người nghĩ rằng từ trước đến giờ nhiều quy định liên quan đến vấn đề hành chính công rồi, luật này không cần nữa. Vì thế khi tôi đưa vào dự thảo luật các hành vi bị nghiêm cấm dựa trên thực tiễn nền hành chính như: “Chậm trễ, trì hoãn, không chủ động thực hiện nhiệm vụ chức trách, quyền hạn của mình”, “vượt quyền, lạm quyền, thiếu trách nhiệm với người dân, doanh nghiệp trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao”…, “hành vi độc đoán chuyên quyền…”, nhiều người bảo cái này trong luật cán bộ công chức có rồi. Nhưng kỳ thực là không hề có”. |