Xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững, tin cậy giữa báo chí và doanh nghiệp

(PLO)- Mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp luôn là quan hệ đồng hành cùng phát triển. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Ngày 24-10, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc” lần thứ 2. Diễn đàn có chủ đề “Nâng cao chất lượng thông tin về kinh tế và doanh nghiệp trên báo chí”.

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10). Đồng thời, diễn đàn cũng là một trong những nội dung cụ thể nhằm triển khai Chương trình phối hợp công tác giữa 4 cơ quan tổ chức nói trên, thể hiện sự đồng hành của Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ làm báo.

Diễn đàn “Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc” lần thứ 2
Toàn cảnh Diễn đàn “Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc” lần thứ 2, sáng 24-10. Ảnh: MINH TRÚC

Đảm bảo tính khách quan, trung thực

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, diễn đàn năm nay được tổ chức trong bối cảnh Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới”; trong đó có yêu cầu “phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền, cổ vũ đội ngũ doanh nhân Việt Nam”.

Điều này khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò quan trọng của báo chí trong phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp và phát triển kinh tế đất nước.

Theo Chủ tịch VCCI, môi trường truyền thông, báo chí là một phần của tổng thể môi trường kinh doanh tại Việt Nam, do đó việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền báo chí về kinh tế, về doanh nghiệp, doanh nhân là rất quan trọng.

Bởi vậy, đòi hỏi đảm bảo tính khách quan, trung thực, hạn chế các hiện tượng tiêu cực và thông tin sai lệch, góp phần quan trọng vào việc kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng và xây dựng một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn là cần thiết.

Đồng quan điểm, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá, thời gian qua, báo chí là kênh phản ánh những thông tin từ xã hội và người tiêu dùng trong nước với doanh nghiệp, góp phần giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường đầy đủ, điều chỉnh chính sách kinh doanh và ra quyết định phù hợp. Trong mọi thời điểm, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp luôn là quan hệ đồng hành, cùng phát triển.

Diễn đàn báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.jpg .jpg
Ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: MINH TRÚC

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế còn tồn tại, ông Lê Quốc Minh đề cập nhiều bài báo về doanh nghiệp còn thiếu tính chuyên sâu, phân tích sâu sắc về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến thông tin về doanh nghiệp đến thị trường không đầy đủ, đôi khi còn có sai lệch. Báo chí cũng chưa khai thác hết tiềm năng của mình trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Do đó, việc xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững giữa báo chí và doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền.

Xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững, tin cậy

Từ thực trạng trên, ông Lê Quốc Minh cho rằng có 3 vấn đề cần phải làm rõ. Một là, báo chí đóng vai trò gì trong việc thông tin về nền kinh tế, doanh nghiệp và thu hút đầu tư. Hai là, làm thế nào để xây dựng một mối quan hệ hợp tác bền vững, tin cậy giữa báo chí và doanh nghiệp. Ba là, làm thế nào để nâng cao tính chính xác, khách quan, kịp thời của thông tin kinh tế và doanh nghiệp trên báo chí; công tác đào tạo nghiệp vụ thông tin kinh tế cho phóng viên, nhà báo trong nền kinh tế số hiện nay ra sao.

Ở góc độ là cơ quan quản lý trực tiếp báo chí, ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ TT&TT, cho biết, theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện nay có 806 cơ quan báo chí, 137 báo, hơn 70 đơn vị làm phát thanh truyền hình trong cả nước.

Diễn đàn báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc 2.jpeg
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ TT&TT - phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: MINH TRÚC

Lực lượng báo chí lớn này đã góp phần tạo ra lượng tin tức khổng lồ, mỗi một năm khoảng 49 triệu tin bài chỉ trên hạ tầng điện tử, sau đó lan tỏa thành hàng trăm triệu tin bài trên không gian mạng; sản xuất hơn 20.000 giờ phát thanh, hơn 50.000 giờ truyền hình phát sóng với nội dung đa dạng, bao gồm các thông tin kinh tế, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Lâm, từ nhiều năm nay, đội ngũ báo chí phải làm nhiệm vụ chính trị, sứ mệnh trong một tình hình kinh tế mỗi lúc một khó khăn khi mô hình kinh doanh cũ của báo chí đang có nhiều thay đổi.

Đứng trước kỷ nguyên mới của đất nước với những cơ hội và điều kiện phát triển mới, ông Lâm nhận định, để báo chí và doanh nghiệp cùng đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, các bên cần tìm ra giải pháp để xác định lại mối quan hệ báo chí - doanh nghiệp trên nền tảng vững chắc hơn, minh bạch hơn để gia tăng kỳ vọng vào nhau.

Tại diễn đàn, các đại biểu đại diện cho các cơ quan báo chí, doanh nghiệp, viện nghiên cứu đã tập trung thảo luận về các vấn đề chủ yếu như: Báo chí đóng vai trò gì trong việc thông tin về nền kinh tế, doanh nghiệp và thu hút đầu tư; làm thế nào để xây dựng một mối quan hệ hợp tác bền vững, tin cậy giữa báo chí và doanh nghiệp; làm thế nào để nâng cao tính chính xác, khách quan, kịp thời của thông tin kinh tế và doanh nghiệp trên báo chí.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm