Xe bị tạm giữ: Làm gì ngăn tráo phụ tùng?

Công an TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) đang điều tra nhóm người tráo vỏ xe tải mà công an tạm giữ, gửi trong bãi của một người dân (Pháp Luật TP.HCM ngày 21-11 đã thông tin).

Yêu cầu công an ghi đầy đủ theo biểu mẫu

Việc vào cuộc kịp thời của công an rất đáng hoan nghênh vì như ông Hà Minh Thắng, Phó Trưởng Công an TP Thủ Dầu Một, giãi bày là “sự việc đáng tiếc, không ai muốn tài sản của dân bị xâm hại”. Ngoài việc cương quyết điều tra, công an cũng cho hay sẽ gắn camera giám sát, chỉ đạo bộ phận nghiệp vụ khi lập biên bản xe vi phạm phải mô tả cụ thể phương tiện tạm giữ nhằm tránh chuyện xe bị tráo phụ tùng.

Theo luật sư Đặng Trường Thanh, Đoàn Luật sư TP.HCM, tình trạng xe vi phạm bị tráo đổi phụ tùng vẫn hay xảy ra nhưng chủ xe đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì không có chứng cứ để khiếu nại. Có điều này vì khi lập biên bản tạm giữ xe vi phạm, cơ quan chức năng chỉ ghi vắn tắt về loại xe, màu sắc… theo biểu mẫu (ban hành kèm theo Nghị định 81/2013 của Chính phủ) chứ ít khi ghi đầy đủ theo yêu cầu về đặc điểm, tình trạng, xuất xứ, chủng loại tang vật, phương tiện…

Trong khi đó, các phụ tùng ô tô, nhất là ô tô hạng sang thì kính chiếu hậu, đèn, logo, vành xe, vỏ xe… có giá hàng triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng. Do đó nếu bị tráo đổi, chủ xe rất ức mà không làm gì được vì thiếu chứng cứ.

Để khắc phục tình trạng này, theo luật sư Thanh, ngay khi bị cơ quan chức năng lập biên bản tạm giữ xe, người vi phạm yêu cầu người lập biên bản ghi rõ, đầy đủ đặc điểm, tình trạng, xuất xứ, chủng loại xe… theo biểu mẫu. Cạnh đó, người có xe bị tạm giữ cũng nên ghi lại hình ảnh trước khi xe bị đưa về bãi tạm giữ. Trường hợp xe va quẹt, chủ xe nên báo ngay cho đơn vị bảo hiểm đến ghi hình, ghi nhận tình trạng để có căn cứ khiếu nại nếu xe bị tráo đổi phụ tùng.

Chiếc xe của ông Nguyễn Ngọc Dũng có vỏ xe còn mới, rãnh gai ngang (phải), sau khi bị tạm giữ thì vỏ xe thành mòn vẹt, rãnh gai dọc (trái). Ảnh: vũ hội

Nên cụ thể biểu mẫu ghi nhận tình trạng xe

Về phía công an, thiết nghĩ khi đưa xe vào bãi tạm giữ tang vật, công an nên niêm phong cửa xe, nắp capô có ký tên của người vi phạm để tránh chuyện khiếu nại. Bởi có trường hợp người bị tạm giữ xe “rêu rao” là bị mất tiền, vàng trong cốp, trong buồng lái vì khi tạm giữ xe, cơ quan công an bỏ qua thủ tục yêu cầu chủ xe mang các vật dụng, tiền bạc, tư trang ra khỏi xe nên về sau rất mất công, mất sức giải quyết khiếu nại.

Ngoài ra, cơ quan chức năng nên lập biểu mẫu ghi nhận tình trạng xe, nhất là ô tô, các chi tiết của xe như các garage đã làm khi nhận xe của khách.

Một số vụ xe tang vật bị lấy, đánh tráo phụ tùng

Tháng 2-2015, Công an thị xã Tân Châu (An Giang) phát hiện thượng sĩ Nguyễn Phước Tiền lấy 13 xe bị tạm giữ, tịch thu mang bán ra ngoài. Sau đó Tiền bị khai trừ Đảng, tước danh hiệu Công an nhân dân.

Năm 2007, Công an tỉnh Bình Phước kỷ luật bốn cảnh sát Đội Cảnh sát kinh tế Công an huyện Bình Long (nay là thị xã Bình Long) vì tráo đổi vỏ, gầm, bình tiếp điện một ô tô tịch thu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới