Cháy bãi giữ xe vi phạm, công an phải bồi thường

Đêm 30-3, kho giữ xe vi phạm, tang vật của CSGT Công an TP Thủ Đức, TP.HCM đã xảy ra sự cố hỏa hoạn. Hiện lực lượng chức năng TP Thủ Đức vẫn đang xác định nguyên nhân và thiệt hại của vụ cháy.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là các phương tiện vi phạm, tang vật này ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho chủ sở hữu các xe bị cháy?

Công an TP Thủ Đức đang xác định nguyên nhân và thiệt hại. Ảnh: PLO

Trao đổi với PLO, Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM), cho biết theo nguyên tắc bồi thường ngoài hợp đồng thì đơn vị giữ xe phải chịu trách nhiệm còn bãi xe của công an phải có quy chế giam giữ xe. Nếu cơ quan này thực hiện nơi tạm giữ không đúng quy định thì công an phải chịu trách nhiệm.

Vì theo quy định tại Nghị định 115/2013 nguyên tắc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu: Bảo đảm giữ được giá trị, chất lượng, tiêu chuẩn của tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu.

Nghị định 31/2020, sửa đổi, bổ sung Nghị định 115/2013 cũng quy định về điều kiện đối với nơi tạm giữ là nhà, kho, bãi: Phải bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự; có hàng rào bảo vệ, nội quy ra, vào, nội quy về bảo vệ môi trường, phòng cháy và chữa cháy; phải bảo đảm khô ráo, thoáng khí. Trường hợp nơi tạm giữ tang vật, phương tiện ở ngoài trời thì phải bố trí mái che hoặc có các biện pháp phòng, chống mưa, nắng; có hệ thống thiết bị chiếu sáng; trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và thiết bị, phương tiện kỹ thuật phù hợp cho việc quản lý, bảo quản từng loại tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu.

Do đó, để có căn cứ yêu cầu để bồi thường thiệt hại trong vụ cháy này, chủ sở hữu xe cần có biên bản tạm giữ xe vi phạm, tình trạng xe, đời xe để xác định giá trị tài sản bị thiệt hại. Khi phát sinh sự cố cháy nổ, cơ quan điều tra làm rõ nguyên nhân và xác định trách nhiệm thuộc về ai. Nếu trách nhiệm của Công an thì Công an phải bồi thường, trường hợp không thỏa thuận được thì khởi kiện ra tòa án có chức năng giải quyết theo luật định.

Luật sư Tuấn cho biết thêm, cháy là rủi ro ngoài ý muốn và cần tìm hiểu nguyên nhân cháy, đồng thời xác định các xe vi phạm có bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) hay không. Trường hợp có bảo hiểm TNDS thì công ty bảo hiểm là đơn vị bồi thường thiệt hại. Theo đó, việc bồi thường không quy về trách nhiệm người quản lý (Công an quản lý trong trường hợp này).

“Bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới (ô tô, xe máy) là loại hình mà các cá nhân, doanh nghiệp tại Việt Nam bắt buộc phải tham gia theo quy định của pháp luật. Khi rủi ro xảy ra tai nạn, nạn nhân được khắc phục tổn thất về người và tài sản, chủ xe và lái xe cũng nhận được bồi thường từ Quỹ Bảo hiểm thông qua các công ty bảo hiểm”- Luật sư Tuấn nhận định.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm