Xe nộp phí bảo trì đường qua giá xăng?

Đề xuất thu phí phương tiện để lập quỹ bảo trì đường bộ của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang được dư luận quan tâm, đặc biệt là về cách thức thu phí.

Cụ thể, nếu thu phí lưu hành phương tiện sẽ dẫn đến tình trạng phí chồng phí, thậm chí các phương tiện ở Hà Nội và TP.HCM có thể phải chịu đến hai mức phí khác nhau. Ngược lại, nếu thu qua giá xăng dầu, các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp... dù không tham gia giao thông trên đường bộ cũng sẽ phải đóng phí.

Mua xăng dầu là phải đóng phí

. Với tư cách cá nhân, ông thấy phương án thu nào phù hợp nhất?

Xe nộp phí bảo trì đường qua giá xăng? ảnh 1+ Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng: Thu phí qua xăng dầu. Hiện nay chúng ta đã có lộ trình để giá xăng dầu được tính theo giá thị trường. Để tạo nguồn vốn cho quỹ bảo trì đường bộ, giá xăng dầu có thể sẽ được tăng thêm 200-300 đồng/lít hoặc 300-500 đồng/lít. Nguồn vốn từ quỹ sẽ giúp hệ thống đường bộ được bảo dưỡng thường xuyên, tiết kiệm hơn nhiều thay vì cứ phải hỏng rồi mới sửa chữa.

. Nhưng khi đó, nhiều đối tượng chỉ mua xăng để phục vụ cho các hoạt động không liên quan đến giao thông lại phải đóng phí...?

+ Trong quá trình soạn thảo, chúng tôi cũng đã đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên, chúng ta phải ưu tiên cho mục tiêu chung là lợi ích của hệ thống giao thông quốc gia. Đối với nông dân, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ riêng về nông, ngư nghiệp nên việc thu phí qua giá xăng sẽ không gây ảnh hưởng lớn. Đường sá là tài sản chung, ai cũng phải sử dụng nên việc thu phí đường bộ qua xăng dầu rồi phân bổ lại là hợp lý.

Có quỹ, đường sẽ bớt hư hỏng

. Nhiều người cho rằng khi tham gia giao thông họ đã phải đóng phí cầu, đường, nay phải cõng thêm phí cho quỹ bảo trì đường bộ thì chẳng khác nào phí chồng phí?

+ Việc thu phí đường bộ tại một tuyến đường là nhằm mục đích duy tu, bảo dưỡng cho chính tuyến đường đó. Nguồn thu từ các trạm thu phí không đủ cho tất cả các công đoạn sửa chữa nên cần phải có thêm quỹ bảo trì đường bộ. Chúng ta phải tách bạch giữa trạm thu phí của nhà nước với trạm của các đơn vị BOT. Thời gian qua, nhà nước khuyến khích nhiều tập đoàn, công ty tư nhân tham gia đầu tư xây dựng đường giao thông. Vì thế, đương nhiên vẫn phải cho họ thu phí cầu đường để hoàn vốn. Còn việc bỏ hay giữ các trạm thu phí của nhà nước vẫn đang được khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng.

. Nếu có quỹ, Bộ bảo đảm đường sẽ hết hư hỏng?

+ Hằng năm, ngân sách nhà nước cấp để bảo trì đường bộ chỉ đáp ứng được 30%-40% nhu cầu. Ở nhiều nước, cứ vài năm người ta thảm lại mặt đường một lần, trong khi ở Việt Nam có những tuyến đường 13 năm vẫn chưa được thảm lại. Nếu có quỹ, chúng ta sẽ có thêm tiền để bảo trì và sửa chữa đường, khi đó chất lượng hệ thống đường giao thông chắc chắn được đảm bảo. Đặc biệt, quỹ bảo trì đường bộ sẽ không phân bổ đồng đều. Các địa phương có nhiều đường đã được sử dụng lâu năm sẽ được ưu tiên.

. Thưa ông, nếu đã có quỹ bảo trì đường bộ thì Hà Nội và TP.HCM có nên rút lại đề xuất thu phí lưu hành phương tiện?

+ Hai vấn đề này hoàn toàn tách biệt nhau, bởi đề xuất của Hà Nội và TP.HCM là nhằm mục đích giảm thiểu ùn tắc giao thông. Đây là xu thế tất yếu, nhiều thành phố lớn trên thế giới cũng đã thực hiện nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Nâng cao năng lực pháp chế ngành giao thông vận tải

(PL)- Ngày 16-10, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác pháp chế của ngành. Bà Trịnh Thị Minh Hiền, Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ, cho rằng những năm qua, số lượng các văn bản quy phạm pháp luật của ngành rất lớn. Trong khi đó, lực lượng cán bộ làm công tác pháp chế còn quá ít nên việc soạn thảo, tham gia ý kiến vào các dự thảo nhiều khi không đảm bảo chất lượng. Đặc biệt là tại các sở GTVT, do công tác pháp chế chưa được quan tâm nên những ý kiến đóng góp vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật còn sơ sài. Tình trạng văn bản do bộ ban hành khi có hiệu lực lại không phù hợp với tình hình thực tế của địa phương đôi khi vẫn xảy ra. Do đó, bà Hiền kiến nghị các sở GTVT cần thành lập tổ chức pháp chế hoặc bố trí cán bộ chuyên trách để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng khẳng định công tác pháp chế là lĩnh vực hết sức quan trọng đối với ngành gtvt. Bộ sẽ tạo điều kiện tốt nhất để hoạt động pháp chế phát triển, góp phần xây dựng các chủ trương, chính sách cho phù hợp, đúng quy định.

THÀNH VĂN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm