Xe tang vật thành đống sắt vụn

Bà Nguyễn Thị Mai (ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) kể: Tháng 11-2013, chiếc xe 25 chỗ của bà dừng đèn đỏ ở khu vực Linh Xuân - cầu vượt Thủ Đức thì bị xe đầu kéo tông vào. Hậu quả là xe bà bị lật ngang, một số người bị thương.

Tòa tuyên trả xe nhưng không nói cà vẹt

Một năm sau, TAND quận Thủ Đức tuyên phạt tài xế xe đầu kéo hơn 10 tháng tù, buộc công ty có chiếc xe đầu kéo bồi thường cho bà Mai gần 80 triệu đồng, bồi thường cho tài xế của bà 4 triệu đồng tiền mất thu nhập do bị giữ bằng lái một tháng và tuyên trả xe cho cả hai bên (do Công an quận Thủ Đức đang tạm giữ).

Bà Mai kháng cáo, yêu cầu bồi thường chi phí sửa chữa xe hư hỏng và chi phí mất thu nhập do xe ô tô bị tạm giữ tại công an.

Tháng 2-2015, TAND TP.HCM đã chấp nhận đơn kháng cáo của bà, buộc công ty có xe đầu kéo bồi thường cho bà 150 triệu đồng. Đồng thời, tòa tách phần bồi thường thiệt hại kinh doanh do xe bị hư hỏng và bị tạm giữ ra khỏi vụ án hình sự để bà Mai khởi kiện dân sự.

Sau đó bà làm đơn nhận lại xe thì không được nhận giấy tờ xe (cà vẹt) vì “Thi hành án nói tòa tuyên chỉ trả xe chứ không trả cà vẹt” - bà kể.

Bà qua công an hỏi thăm về giấy tờ xe thì nhận được hướng dẫn qua tòa. TAND quận Thủ Đức lại hướng dẫn bà đến TAND TP.HCM. Bà tiếp tục làm đơn lên TAND TP.HCM, thư ký nhận đơn rồi bảo về chờ.

 
Những chiếc xe tang vật gỉ sét, không còn giá trị sử dụng. Ảnh: N.NGA

“Ngay khi bản án có hiệu lực, tôi làm đơn yêu cầu THA nhưng tới nay đã nửa năm mà tiền bồi thường tôi vẫn chưa nhận được đồng nào mà giấy tờ xe cũng chẳng thấy đâu. Xe tôi bị tạm giam tới nay đã ba năm rồi, lấy về cũng chỉ còn cái máy. Không có giấy tờ, tôi không thể nhận xe về. Nếu đem xe về mà không có giấy tờ, nhỡ bị công an thổi phạt rồi hỏi xe lượm ve chai từ đâu về, tôi biết trả lời sao?” - bà Mai nói.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Công an quận Thủ Đức cho biết: “Lúc chưa kết thúc điều tra, chúng tôi đã mời bà Mai lên nhận lại xe nhưng do chưa thỏa thuận được tiền bồi thường nên bà ấy không lấy xe về. Khi có bản án, bà Mai có tới nhận xe nhưng lại không lấy xe vì bà ấy bảo không có cà vẹt, chúng tôi đã hướng dẫn bà qua tòa rồi”.

Bỏ xe hoặc mang về xếp xó

Theo cáo trạng, ngày 24-8-2014, con chị Xuân (An Giang) là Lê Minh Trí chạy xe máy đã gây ra tai nạn làm một người chết, xe bị Công an huyện Củ Chi (TP.HCM) tạm giữ. Đây là chiếc xe mà một người bạn bồi thường cho chị nhưng chưa kịp sang tên thì con chị lấy đi, gây tai nạn.

Xe không chính chủ nên công an nhiều lần mời gia đình chị và người bán để xác minh nguồn gốc. 10 tháng sau kể từ khi xe bị tạm giam chị mới nhận lại được xe: “Bãi đầy nhóc xe vi phạm, phải vất vả lắm tôi mới lấy được xe ra. Khi nhận xe, tôi không nhìn ra nó vì xe đã quá cũ. Dắt xe qua đường, thợ báo giá sửa khoảng 4 triệu đồng trong khi trước lúc nó “vào trại” thì giá trị chỉ chừng 3 triệu bạc. Thế là tôi bỏ ra 300.000 đồng, thuê xe đò chở về quê bỏ xó. Cả nhà có chiếc xe, giờ phải đạp xe đi làm thuê” - chị cho hay.

Một trường hợp khác, chị Nguyễn Thị Điệp (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM) tìm được chiếc xe bị mất trộm liền báo công an. Tuy nhiên, gần ba tháng sau chị Điệp đến xin lại chiếc xe để đi lại thì công an bảo vụ án chưa khởi tố, chưa định giá nên “cứ về đi, khi nào định giá xong sẽ gọi lên lấy”.

Sau nhiều tháng chịu thân phận là tang vật của vụ án, chị Điệp được công an mời lên nhận nhưng chị cho rằng xe đã bị ai đó đục số sườn, số máy nên không nhận. Theo Công an huyện Củ Chi, khi đi giám định xe để làm căn cứ xử lý người trộm thì thấy xe của chị Điệp đã bị đục số khung và số máy từ trước đó. “Giờ chị không nhận xe, chúng tôi phải bỏ vào kho” - người này cho hay.

14 tháng mới nhận được xe

Ngày 10-7, TAND quận Bình Tân (TP.HCM) xử sơ thẩm vụ án Lê Văn Quý cùng đồng bọn về tội mua bán trái phép chất ma túy. Ngoài việc tuyên phạt tù các bị cáo, tòa còn tuyên trả lại một xe máy cho anh Phan Thanh Sơn (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan). Lý do, ngày 16-6-2014, các bị cáo đã mượn xe của anh Sơn để làm phương tiện phạm tội. Tuy nhiên, anh Sơn không hề biết các bị cáo mượn xe dùng để làm phương tiện phạm tội. Sau khi bản án có hiệu lực, 14 tháng sau (ngày 28-8-2015), anh Sơn mới nhận lại được tài sản.

Bỏ luôn xe tang vật

Một chi cục trưởng Thi hành án một quận ở TP.HCM tiết lộ: Năm 2015 đơn vị này thụ lý gần 460 việc có tang vật (bao gồm cả việc tồn từ những năm trước) nhưng mới xử lý xong 215 việc (chưa đạt một nửa số việc thụ lý). Nguyên nhân do hầu hết tang vật có giá trị không cao nhưng lại bị tạm giam quá lâu nên đương sự không đến nhận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới