Trả lời về cáo buộc nhận 310.000 USD từ thuộc cấp Phạm Thị Bích Lương (nguyên giám đốc Chi nhánh Nam Hà Nội), bị cáo Phạm Thanh Tân (nguyên tổng giám đốc Agribank) tái khẳng định chỉ nhớ duy nhất nhận 50.000 USD, tại cơ quan điều tra khai có nhận cầm 310.000 USD vì muốn được tại ngoại. "Có 1-2 thanh niên đi xe đến, đưa tiền qua cửa ô tô của bị cáo. Sự việc chỉ diễn ra ít phút” - nguyên tổng giám đốc Agribank nói.
Tuy nhiên, đối chất ngay tại tòa, bị cáo Lương khẳng định đã đưa nhiều lần cho ông Tân, sau khi nhận “lại quả” 500.000 USD và đã biếu lại ông Tân 310.000 USD.
Kết thúc phần tranh luận, các bị cáo lần lượt được nói lời sau cùng.
Đứng trước vành móng ngựa, bị cáo Phạm Thị Bích Lương, được xác định có vai trò đầu vụ, sụt sùi: “Việc xảy ra hậu quả, là mồ hôi nước mắt của bao nhiêu công nhân viên Agribank. Bị cáo nói lời xin lỗi đến cán bộ, nhân viên Agribank, bị cáo xin lỗi gia đình, xin lỗi những người từng là cấp trên của bị cáo. Với tư cách là công dân, bị cáo mong HĐXX xem xét tuyên bản án đúng người, đúng tội để bị cáo cảm thấy thỏa đáng”.
Bị cáo Lương cũng đề nghị tòa trả hồ sơ vụ án để làm rõ sự thật của vụ án, tạo điều kiện cho Lê Minh Hiếu trả nợ cho ngân hàng. Lương cho rằng mình không có bất kỳ vụ lợi nào trong vụ việc này, bị cáo chỉ mong muốn có một dự án tốt cho ngân hàng và tạo công ăn việc làm, chưa bao giờ muốn làm trái quy định của ngân hàng. Lỗi lớn thuộc về bị cáo, không đổ trách nhiệm cho cấp trên và cấp dưới. Bị cáo mong HĐXX xem xét khách quan và được hưởng các tình tiết giảm nhẹ. Lỗi lớn nhất ở đây là khách hàng, họ đã lừa đảo một cách tinh vi mà tất cả đều không ai biết được.
Lương cũng cho rằng các bị cáo khác đã làm đúng quy trình, họ có nghiệp vụ tốt. Lương xin miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo là cựu cán bộ của Lương.
Các bị cáo tại tòa.
Bị cáo Chử Thị Kim Hiền (nguyên phó giám đốc Chi nhánh Nam Hà Nội) khẳng định mình là nạn nhân của sự lừa đảo. Bị cáo đau xót vì những kết quả mà ngân hàng đang phải gánh chịu. Bị cáo đã có sai sót trong công việc, đó là do nhận thức, năng lực hạn chế. Bị cáo không có động cơ, vụ lợi, không có quyền quyết định trong khoản vay này mà làm theo chỉ đạo. Bị cáo có phần trách nhiệm trong vụ việc này. Bị cáo xin lỗi cán bộ, nhân viên ngân hàng.
Bị cáo Lương Thị Yên (nguyên phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hà Tây) nói rằng lời khai báo tại tòa là đúng sự thật khách quan. Bị cáo mong HĐXX xem xét sai phạm của các công chức liên quan trong quy trình thủ tục hải quan, mong HĐXX xem xét để đảm bảo sự công bằng cho bị cáo.
Bị cáo Đỗ Quang Vinh (nguyên trưởng ban tín dụng doanh nghiệp Agribank) cho hay việc thiệt hại ngày hôm nay là ngoài ý muốn, đây là bài học đắt giá đối với bị cáo và những người khác trong việc cho doanh nghiệp nước ngoài vay. Bị cáo mong HĐXX xem xét trách nhiệm hình sự đối với bị cáo.
Còn Lê Minh Hiếu (nguyên lãnh đạo Công ty Lifepro Việt và Công ty Vietmade), bị cáo này nói mình tin vào dự án với quy mô lớn nhất Đông Nam Á, thực sự tự hào góp một phần nào đó giúp Công ty LD Enzo Việt đi vào sản xuất. Hiếu cho rằng quan hệ vay tiền với ngân hàng là trung thực. “Tôi bị tạm giam bốn tháng - đó là điều khắc nghiệt đối với tôi, gia đình. Xin HĐXX xem xét để bị cáo có điều kiện trả nợ ngân hàng, lo công ăn việc làm cho công nhân viên và chăm sóc gia đình”.
Các bị cáo còn lại đều khẳng định đã khai trung thực trước tòa, các bị cáo đều đã làm đúng trách nhiệm của mình, mong HĐXX xem xét.
Trước đó, phần tranh luận của phiên tòa đã diễn ra khá gay gắt. Đại diện VKSND TP Hà Nội cho rằng có đủ cơ sở để truy tố các bị cáo theo như nội dung cáo trạng và giữ nguyên quan điểm luận tội. Ngược lại, nhiều luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng các cáo buộc là chưa có cơ sở, yêu cầu đại diện VKS đối chất với những quan điểm mình đưa ra; đồng thời yêu cầu HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
HĐXX tuyên bố chuyển sang nghị án, ngày 7-1-2016 sẽ tuyên án.
Theo cáo trạng, Ahmed El Fehdi (quốc tịch Canada) cùng với bốn người quốc tịch nước ngoài giữ các vai trò, chức trách quan trọng tại Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Chi nhánh Ngân hàng Agribank Nam Hà Nội thông qua việc lừa ngân hàng để vay tiền rồi chuyển ra nước ngoài mua nguyên liệu. Các đối tượng đã lập hồ sơ khống vay vốn mua máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu và chuyển nhượng sáu thương hiệu không có thật để vay vốn ngân hàng rồi chiếm đoạt số tiền được xác định gần 2.500 tỉ đồng. Trong vụ án này có 18 bị cáo, trong đó Phạm Thị Bích Lương (SN 1969, quê Nam Định, cựu giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội) được xác định là đầu vụ. Hàng loạt cán bộ có chức sắc của Ngân hàng Agribank cũng vướng vào lao lý, phải ra hầu tòa đợt này. |