Xin một năm vẫn chưa đủ tiền xe về quê!

Trưa 4-1, tôi có việc đi qua đường Phạm Văn Đồng hướng về quận Tân Bình, TP.HCM. Đến bùng binh đèn xanh đèn đỏ đoạn giao giữa Phạm Văn Đồng và đường Phổ Quang thì thấy người đàn ông trong trang phục rách rưới, khẩu trang bịt kín mặt chỉ chừa đôi mắt. Mắt ông ta giật giật liên tục, tay cầm bảng với nội dung “bị bệnh truyền nhiễm muốn xin tiền về quê”.

Tôi không nhớ đây là lần thứ mấy tôi gặp ông.

Người đàn ông này thường đứng ở những ngã ba, ngã tư đường vào giờ cao điểm, khi có đông người qua lại. Chỉ nhớ lần đầu tiên tôi gặp ông cách đây tầm 10 tháng. Cũng dáng bộ khổ sở như vậy, ông đứng ngay ngã tư Hàng Xanh (Bình Thạnh), gương mặt nhễ nhại mồ hôi vì nắng nóng, ngửa mũ để xin tiền người qua lại. Thấy ông cơ cực nên rất nhiều người dừng lại giúp đỡ, người ít thì 5.000 đồng, 10.000 đồng, người nhiều thì cả trăm ngàn đồng.


Người đàn ông “bị bệnh truyền nhiễm muốn xin tiền về quê” trên đường Phạm Văn Đồng. Ảnh chụp trưa 4-1. Ảnh: TƯỜNG VI

Ngày đầu thấy ông, tôi cũng dừng lại đặt 20.000 đồng vào mũ của ông và dừng bắt chuyện. Nhưng người đàn ông không nói gì, chỉ giơ ngón tay chỉ vào tấm bảng “bị bệnh truyền nhiễm” rồi lắc đầu ra dấu bảo tôi đi đi.

Sự việc lặp lại khi vài tuần sau người đàn ông đó lại tiếp tục dừng ở ngã tư Hàng Xanh để xin tiền tiếp. Rồi vài lần sau tôi gặp ông ở ngã năm Chuồng Chó hay trên đường Phạm Văn Đồng…  Riêng trên đường Phạm Văn Đồng tôi đã gặp ông ba lần, lần gần đây nhất là trưa 4-1. Một vài người nói rằng đó là kẻ lừa đảo, lợi dụng lòng tốt của mọi người để trục lợi, không muốn lao động mà vẫn có tiền tiêu xài.

Tôi hy vọng cơ quan chức năng sớm vào cuộc tìm hiểu xem, nếu người đàn ông đó thực sự cần sự giúp đỡ như thế nào để có cách hỗ trợ ông ta. Nhưng nếu ông ta mạnh khỏe bình thường mà lười lao động, lợi dụng lòng tốt của người đi đường để trục lợi thì cũng có cách đối xử tương xứng.

Cách đây không lâu, một người dân vì nghi người đàn ông hoại tử chân xin tiền trên phố là giả vờ nên đã đánh đập tàn nhẫn. Nếu cơ quan chức năng không vào cuộc thì tình trạng trên sẽ tái diễn. Quan trọng hơn, khi niềm tin bị lừa dối rất dễ khiến con người trở nên vô cảm với những hoàn cảnh khó khăn thực sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm