Xóa nạn đánh bắt cá trái phép - Bài cuối: Để tàu cá Việt ra khơi không bị bắt, thẻ vàng EC được gỡ

(PLO)- Việt Nam bên cạnh việc sửa đổi các quy định pháp luật theo hướng tăng tính răn đe thì cần phải hợp tác, đàm phán với các nước khác để có thể xóa bỏ nạn đánh bắt cá trái phép.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Liên quan đến hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là IUU), các chuyên gia đã đưa ra nhiều đề xuất để góp phần giải bài toán đánh bắt cá trái phép, gỡ thẻ vàng cho thủy hải sản Việt Nam (VN).

PGS-TS Vũ Thanh Ca
PGS-TS Vũ Thanh Ca

PGS-TS VŨ THANH CA, thành viên nhóm chuyên gia môi trường biển của Liên Hợp Quốc; ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội:

Tăng cường xử phạt hành vi vi phạm

VN đã đạt được những tiến bộ rất lớn về pháp luật thủy sản, đặc biệt là sau khi EU rút thẻ vàng với hoạt động khai thác thủy sản của VN vào năm 2017. Văn bản pháp luật đầu tiên mà VN điều chỉnh là Luật Thủy sản được Quốc hội thông qua và ban hành vào ngày 21-11-2017, trong đó có quy định điều chỉnh hoạt động IUU.

Về tổng thể, Luật Thủy sản cùng với các văn bản pháp lý khác như Nghị định 42 của Chính phủ năm 2019, Quyết định 339/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… đều xác định IUU là bất hợp pháp, bị nghiêm cấm; các cá nhân, tổ chức thực hiện hoặc hỗ trợ thực hiện IUU đều phải chịu các hình thức chế tài, bao gồm thu hồi giấy phép, xử phạt hành chính… Với hệ thống văn bản pháp luật như vậy, VN đã có đủ cơ sở pháp lý để ngăn chặn ngư dân khai thác thủy sản bất hợp pháp trong vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, thời gian qua, việc quản lý tàu cá còn chưa đủ độ quyết liệt. Bằng chứng là chúng ta phạt được rất ít theo quy định của Nghị định 42, trong khi thực tế vi phạm nhiều.

Chuyên gia Hoàng Việt.
Chuyên gia Hoàng Việt.

Chuyên gia HOÀNG VIỆT, ĐH Luật TP.HCM:

Tăng mức phạt, siết kỷ cương thực thi pháp luật

Tôi cũng thấy rằng hệ thống pháp luật VN liên quan đã cơ bản đáp ứng các quy định như của thế giới về chống IUU. Nước ta có Luật Thủy sản năm 2017 cùng hai nghị định và tám thông tư hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, còn ba vấn đề quan trọng. Một là mức phạt vi phạm còn quá nhẹ, nhất là khi so sánh với các nước trong khu vực. Hai là chưa bắt buộc truy xuất nguồn gốc cho tất cả hải sản đánh bắt, mà chỉ bắt buộc đối với hải sản xuất khẩu.

Thái Lan bắt giữ một số người Việt tham gia đánh bắt cá trái phép vào năm 2019 ở biển của nước này. Ảnh: BANGKOK POST/ ROYAL THAI NAVY
Thái Lan bắt giữ một số người Việt tham gia đánh bắt cá trái phép vào năm 2019 ở biển của nước này. Ảnh: BANGKOK POST/ ROYAL THAI NAVY

Cuối cùng, 28 tỉnh, TP ven biển thực thi pháp luật chưa đồng đều, chưa nghiêm, điển hình với các vi phạm về nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản; hành vi tháo thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá mà không có sự giám sát… Vì vậy, cần sớm sửa đổi Nghị định 42 và chấn chỉnh quyết tâm thực thi pháp luật của các địa phương để giải quyết các tồn tại nêu trên.

PGS-TS Ngô Hữu Phước
PGS-TS Ngô Hữu Phước

PGS-TS NGÔ HỮU PHƯỚC, ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM:

Xem xét xử hình sự hoạt động IUU

Tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt ở vùng chồng lấn

VN và Trung Quốc đã ký Hiệp định hợp tác nghề cá trong vịnh Bắc bộ cùng với Hiệp định phân định vịnh Bắc bộ từ năm 2000, hết hiệu lực vào ngày 30-6-2020. Trong khi chờ đàm phán phân định vùng biển tại khu vực vùng chồng lấn nằm ngoài cửa vịnh Bắc bộ, hai nước có thể đàm phán xây dựng và ban hành quy chế khai thác thủy sản chung trong vùng chồng lấn để đảm bảo thuận lợi cho ngư dân hai nước.

PGS-TS

VŨ THANH CA

Trên thực tế đã xuất hiện tình trạng tổ chức, môi giới, dụ dỗ, lôi kéo ngư dân tham gia IUU. Chính vì vậy, chúng tôi khuyến nghị bổ sung tội danh “khai thác bất hợp pháp” vào BLHS hiện hành, làm cơ sở pháp lý để trừng phạt những cá nhân, pháp nhân thương mại thực hiện hành vi này. Tinh thần này cũng đã được quy định tại khoản 2 Điều 6 BLHS VN hiện hành. Ngoài ra, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 cũng không cấm các quốc gia hình sự hóa hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng EEZ của mình.

Một số quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực và thế giới đã xử hình sự các cá nhân, tổ chức vi phạm IUU. Điển hình, Indonesia sẽ áp dụng hình phạt tù cao nhất đối với hành vi IUU là bảy năm cùng với biện pháp đốt, đánh đắm tàu; Thái Lan phạt tù cao nhất ba năm; Malaysia phạt tù cao nhất hai năm; Philippines phạt tù cao nhất 10 năm…

PGS-TS Trần Thăng Long.
PGS-TS Trần Thăng Long.

PGS-TS TRẦN THĂNG LONG, ĐH Luật TP.HCM:

Bộ quy tắc về hợp tác chống IUU của ASEAN

Các quốc gia ASEAN cần xúc tiến hoàn tất việc ký kết Hiệp định phân định các vùng biển chồng lấn; thực thi các giải pháp tạm thời theo tinh thần của Điều 74 Công ước UNCLOS năm 1982 và tìm kiếm các mô hình hợp tác nghề cá, đặc biệt trong các vùng biển chồng lấn. Vấn đề cốt lõi và là kim chỉ nam cho hoạt động hợp tác chống IUU của ASEAN chính là việc tuân thủ triệt để UNCLOS.

Ngoài ra, ASEAN cần chú trọng việc xây dựng các quy định dưới dạng “luật mềm”, tương tự “Bộ quy tắc về hợp tác chống IUU của ASEAN”. Các nước hợp tác chặt chẽ với nhau cũng như với các chủ thể liên quan nhằm thiết lập cơ chế trao đổi thông tin về đánh bắt cá IUU, thông tin về trữ lượng cá thừa và có cơ chế phân chia nguồn cá thừa giữa các thành viên; xây dựng bản đồ thông tin nghề cá; xây dựng và chia sẻ thông tin về các giống loài cá trong khu vực nhằm thiết lập các khu bảo tồn cá…

Hội thảo về IUU và gỡ thẻ vàng cho Việt nam

Hôm nay (15-7), ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) phối hợp với ĐH Liège - Vương quốc Bỉ đồng tổ chức hội thảo khoa học “Pháp luật quốc tế và VN về khai thác thủy sản bền vững, có trách nhiệm” với mong muốn tạo diễn đàn để các nhà khoa học trong nước và quốc tế bàn luận về các vấn đề pháp lý, kinh tế, thương mại, bảo vệ tài nguyên thủy sản biển, cũng như kinh nghiệm của các quốc gia trong khu vực và thế giới trong việc tháo gỡ thẻ vàng do EU áp đặt.

quốc tế

Qua đó, ban tổ chức hội thảo sẽ tổng hợp và kiến nghị các giải pháp cho Chính phủ, Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan hữu quan nhằm tháo gỡ thẻ vàng cho VN.

------------------------------------------------------------------------------------

THEO DÒNG THỜI SỰ

Ra khơi bị nước bạn bắt, khổ trăm bề!

Hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là IUU) không chỉ tác động ở tầm vĩ mô, như hoạt động xuất nhập khẩu hay vấn đề chủ quyền trên biển, mà đằng sau đó là thân phận những người thợ thuyền lao đao, khốn khổ vì dính vào lao lý, nợ nần.

Một buổi tối năm 2020, chúng tôi nhận tin nhắn của một nhóm ngư dân Việt Nam (VN) bị các lực lượng chức năng Philippines bắt giữ vì dính vào hoạt động IUU trên vùng biển nước bạn. Họ bị án tù, bị phạt tiền, bị tịch thu tàu thuyền và ngư cụ, thiệt hại tiền tỉ. Vì vài lý do, họ kẹt lại Philippines sau những tháng ngày tù tội. Cơ quan ngoại giao VN tại Philippines đã tìm giải pháp can thiệp, bảo hộ công dân để họ được sớm về với mẹ già, vợ trẻ, con thơ và mái nhà liêu xiêu ở vùng biển miền Trung nắng gió.

Anh L, thành viên nhóm ngư dân hàng chục người, khi về đến VN chia sẻ: Phải mất đôi năm mới được thả về lại quê hương. Đứa con trai lớn của anh ngày anh ra khơi học lớp 10, nay vào đại học, đứa nhỏ vừa vào cấp III. Vợ ôm thùng kem bán, ngày lãi vài chục ngàn đồng chẳng thấm vào đâu so với món nợ vài trăm triệu đồng mà anh phải gánh sau chuyến đi “bão táp”. Không riêng gì nhà anh L, nhà các thuyền viên còn lại cũng lao đao không kém. Nhiều tháng tù cùng với số tiền gia đình ở VN phải chạy vay nợ để gửi qua Philippines chi trả khi hầu tòa, ăn ở, trú ngụ, đi lại… khiến nhiều gia đình khánh kiệt. Những ngày bên đất khách cũng không tránh khỏi ánh mắt kỳ thị của nhiều người vì mang tội đánh bắt cá trái phép.

Luật pháp các nước quy định rất ngặt nghèo về hành vi IUU. Nhẹ thì cũng phạt tiền tỉ, nặng thì tốn nhiều tỉ cùng với án tù, có khi đến vài năm. Đó là chưa kể ở đất khách quê người phải thiệt thòi đủ thứ, mất công ăn việc làm, gia đình nghèo càng nghèo hơn. Vì vậy, dính tới IUU thì đa phần bà con ngư dân tán gia bại sản, dù rằng những kẻ đằng sau chủ mưu, như chủ tàu thuyền, người hưởng lợi cuối cùng trong việc dụ dỗ, thuê mướn bà con ngư dân thì không ra khơi, khó bị xử lý.

Hầu hết bà con ngư dân có học vấn thấp, ra khơi theo “cha truyền con nối”. “Trót lọt” vụ nào thì những người chủ mưu hưởng chính, còn họ cũng chẳng được bao nhiêu. Vậy nên, cần có các giải pháp chế tài nhắm vào các nhóm chủ mưu, hưởng lợi sau cùng; trong khi đó, tìm cách tuyên truyền một cách trực quan, sinh động, rõ ràng nhất để ngư dân thấm thía bài học “khổ trăm bề” khi dính vào IUU. ĐẠI THẮNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm