Xóa nạn đánh bắt cá trái phép - Bài 1: 'Trộm cắp' trên biển và những hiểm họa khôn lường

(PLO)- Hoạt động đánh bắt cá trái phép trên biển không chỉ gây ra những thiệt hại to lớn về kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động bảo vệ chủ quyền và phá hoại môi trường biển.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

LTS: Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, tính đến khoảng cuối tháng 6-2022, đã có tất cả 32 vụ với 52 tàu và 453 ngư dân Việt Nam bị các nước bắt giữ, xử lý vì đánh bắt cá trái phép. Các cơ quan chức năng vẫn đau đầu với tình trạng đánh bắt cá trái phép âm ỉ, kéo dài, gây thiệt hại cho nền kinh tế, đồng thời tạo ra nhiều hệ lụy đối với đời sống-xã hội.

Báo Pháp Luật TP.HCM xin mổ xẻ nguyên nhân đằng sau thực trạng đáng buồn và báo động này, đồng thời chỉ ra những giải pháp quan trọng để giải bài toán “tàu ra khơi bị bắt”.

Theo nghiên cứu của IUU Fishing Index 2021, Việt Nam (VN) có chỉ số đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không kiểm soát (viết tắt là IUU) là 2,48, cao hơn so với mức bình quân của thế giới là 2,24 và hiện đứng thứ sáu trên thế giới về vấn nạn khai thác IUU. Hoạt động trên thực tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều hoạt động kinh tế của VN, gây ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân.

Hệ lụy to lớn với nền kinh tế

Ngày 23-10-2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo thẻ vàng đối với hoạt động IUU của VN, đồng thời đưa ra chín nhóm khuyến nghị nhằm chấm dứt tình trạng IUU nếu muốn gỡ thẻ vàng. EC cũng đã tổ chức hai đợt kiểm tra thực tế vào năm 2018 và 2019 nhưng thẻ vàng vẫn còn vì VN chưa hoàn tất các khuyến nghị.

EU là khu vực tiên phong áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại đối với sản phẩm thủy sản được đánh bắt IUU từ ngày 1-1-2010 và Mỹ từ ngày 1-1-2018. Kể từ khi quy định về chống khai thác IUU của EU có hiệu lực, EU đã cảnh báo thẻ vàng và phạt thẻ đỏ đối với 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có VN.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), ngoại trừ nhóm sản phẩm giáp xác như tôm, tất cả nhóm khác đều giảm đáng kể trong năm đầu tiên sau thẻ vàng. Trong các thị trường của EU, có sự sụt giảm đáng kể về khối lượng nhập khẩu từ Ý, Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan và Bỉ sau cảnh báo thẻ vàng.

Chuyên gia luật biển quốc tế Hoàng Việt (Trường ĐH Luật TP.HCM) dẫn chứng trước khi bị thẻ vàng, EU là thị trường xuất khẩu hải sản lớn thứ hai của VN với giá trị gần 1,5 tỉ USD năm 2017. Nhưng chỉ sau hơn hai năm EC áp dụng thẻ vàng, kim ngạch xuất khẩu của chúng ta sang thị trường này đã giảm liên tục. Xu hướng giảm tiếp tục kéo dài vào năm 2020, còn 1,22 tỉ USD. Một mặt vì dịch COVID-19, mặt khác vì Brexit. Chưa kể, nếu chúng ta không cải thiện tình hình thì có thể hải sản chúng ta sẽ bị cấm (thẻ đỏ) ở các thị trường phát triển như EU và Mỹ.

“Các chuyên gia ước tính VN sẽ thiệt hại khoảng 387 triệu USD mỗi năm do mất doanh thu xuất khẩu từ hải sản đánh bắt tự nhiên, bao gồm cá ngừ, mực và bạch tuộc; và 93 triệu USD mỗi năm do mất thu nhập từ xuất khẩu thủy sản nuôi, vốn sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp bởi lệnh cấm của EU. Trong trường hợp bị phạt thẻ đỏ, ngành thủy sản VN có thể chịu tổn thất khoảng 480 triệu USD/năm” - ông Việt nói.

Nếu mở rộng ra bức tranh toàn cầu, theo nghiên cứu mới của Trường ĐH British Columbia (UBC), mỗi năm có 8-14 triệu tấn hải sản bị đánh bắt bất hợp pháp, ước tính trị giá 9-17 tỉ USD. Tuy nhiên, thiệt hại kinh tế từ IUU thậm chí còn lớn hơn, 26-50 tỉ USD trên toàn cầu. Thêm vào đó, các khoản thuế thất thu là 2-4 tỉ USD/năm.

Xâm phạm chủ quyền nước khác

Chuyên gia Hoàng Việt còn cho rằng việc giảm hoặc hạn chế xuất khẩu hải sản vào các thị trường lớn sẽ khiến hoạt động đánh cá bị thu hẹp lại, ngư dân sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến không chỉ các hoạt động kinh tế biển mà còn đến các vấn đề về chủ quyền trên biển, vì ngư dân và các đội tàu đánh cá là sự hiện diện quan trọng để khẳng định chủ quyền của VN trên biển.

Con tàu và một số ngư dân Việt Nam bị lực lượng chức năng Thái Lan bắt giữ vì đánh bắt cá trái phép hồi tháng 4-2022. Ảnh: THE NATION

Con tàu và một số ngư dân Việt Nam bị lực lượng chức năng Thái Lan bắt giữ vì đánh bắt cá trái phép hồi tháng 4-2022. Ảnh: THE NATION

Một nghiên cứu của Peter Chalk (trường sau ĐH Hải quân, Mỹ) công bố năm 2017 đã chỉ ra những tác động về chính trị - xã hội và địa chính trị mà IUU gây ra.

Theo đó, IUU góp phần gây ra tình trạng đói nghèo tại các cộng đồng dân cư ven biển, buộc các ngư dân đánh cá nhỏ lẻ phải thực hiện các hoạt động IUU vì họ không thể tiếp tục cuộc sống bằng các hình thức kiếm sống lương thiện khác. Các ngư dân này thường vượt biển đánh bắt bất hợp pháp tại các vùng biển nước ngoài, làm phức tạp và gây căng thẳng cho mối quan hệ giữa các quốc gia láng giềng.

Cũng xét ở khía cạnh bảo vệ chủ quyền, PGS-TS Ngô Hữu Phước (Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM) cho biết trên thực tế, các tàu cá mang quốc tịch của quốc gia này nhưng đánh bắt bất hợp pháp tại vùng biển quốc gia khác là dạng hành vi phổ biến của IUU, trong đó có ngư dân các quốc gia trong khu vực Biển Đông mà điển hình là Trung Quốc.

“Thực tế, nếu soi xét các hoạt động IUU của Trung Quốc thì sẽ nhận thấy Bắc Kinh sử dụng “hạm đội tàu cá” nhằm hiện thực hóa yêu sách phi pháp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông, trái với UNCLOS” - ông Phước nhận định.

Phá hoại môi trường biển

Cũng theo PGS-TS Ngô Hữu Phước, hoạt động IUU có thể gây ra nguy cơ mất cân bằng hệ sinh thái, đa dạng sinh học và nguồn tài nguyên sinh vật biển. Trong đó phải nhấn mạnh hoạt động (i) đánh bắt trong các khu vực bảo tồn; (ii) đánh bắt các loài có nguy cơ cạn kiệt, tuyệt chủng như rùa biển, cá mập, chim hải âu, các loài động vật có vú ở biển; (iii) đánh bắt bằng công cụ, phương pháp tận diệt; (iv) đánh bắt trong khu vực bảo tồn; (v) đánh bắt vượt quá mức phục hồi; (vi) đánh bắt trong mùa sinh sản của các loài thủy sản quý hiếm, cần được bảo vệ nghiêm ngặt với quy mô công nghiệp phục vụ cho hoạt động thương mại…

“Do vậy, IUU sẽ làm suy giảm, cạn kiệt các nguồn gen của các giống loài quý hiếm do nguồn lợi thủy sản bị “đào tận gốc”, làm mất khả năng phục hồi, tái tạo tự nhiên của nguồn lợi thủy sản” - ông Phước nhấn mạnh. Ngoài ra, việc sử dụng phương tiện đánh bắt bị cấm cũng như việc loại bỏ các loài cá không phải là mục tiêu đánh bắt, kém chất lượng, giá trị dinh dưỡng và xuất khẩu thấp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng của nguồn tài nguyên sinh vật biển trong tương lai.

Một vấn đề cũng đáng lưu tâm đó là hằng năm có khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa ra biển, trong đó có tới 10% là do các tàu đánh bắt và hỗ trợ hoạt động IUU vứt bỏ ngư cụ trên biển. Các ngư cụ bị vứt bỏ đó chính là những “cạm bẫy” giết chết các loài sinh vật, đặc biệt là các rạn san hô, các loài có nguy cơ tuyệt chủng và dễ bị tổn thương.•

Giải quyết dứt điểm IUU mở ra thị trường 16 tỉ USD

Người tiêu dùng trên thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản ngày càng quan tâm đến các sản phẩm có uy tín và bền vững.

Nếu VN sớm gỡ được thẻ vàng IUU, cơ hội phục hồi và tăng trưởng mạnh xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU là rất khả thi vì sẽ tận dụng được các ưu đãi thuế quan và thay đổi thể chế từ EVFTA, đặc biệt tận dụng cơ hội nhu cầu thị trường đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19. Cũng nhờ đó, VN sẽ có nhiều cơ hội hơn ở các thị trường khác, cạnh tranh tốt hơn với các nước sản xuất và xuất khẩu khác. Khi đó, xuất khẩu thủy sản chắc chắn sẽ đạt mục tiêu 16 tỉ USD trước năm 2030. (Theo VASEP)

........................

Những con số IUU đáng báo động

Một số nghiên cứu chỉ ra giai đoạn 2010-2020 đã có 1.340 tàu cá với 11.028 ngư dân VN bị bắt giữ và xử lý bởi các lực lượng chức năng các nước do xâm phạm và đánh bắt trái phép ở các vùng biển
nước ngoài.

Ở chiều ngược lại, trong số hàng ngàn tàu thuyền nước ngoài xâm phạm các vùng biển VN hằng năm, có một lượng lớn tàu thuyền được sử dụng vào mục đích khai thác IUU. Cụ thể, theo số liệu báo cáo từ các cơ quan chức năng, chỉ riêng năm 2015 đã có gần 4.000 tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép trên các vùng biển của VN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm