Xóa nạn đánh bắt cá trái phép - Bài 2: Giải mã việc nhiều tàu cá ra khơi bị nước bạn bắt giữ

(PLO)- Có nhiều nguyên nhân khiến hoạt động đánh bắt cá trái phép vẫn còn tồn tại, thậm chí gia tăng bất chấp những cảnh báo từ các cơ quan chức năng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trước câu hỏi vì sao vẫn còn nhiều tàu cá Việt Nam ra khơi, bị các nước bạn bắt do đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là IUU), PGS-TS Ngô Hữu Phước, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng bên cạnh lòng tham còn vì nhiều lý do liên quan đến pháp luật, thực thi pháp luật và hợp tác quốc tế.

Lòng tham và cám dỗ lợi ích

. Phóng viên: Thưa ông, từ đầu năm đến nay vẫn tiếp diễn nạn đánh bắt cá trái phép, khiến nhiều tàu bị tịch thu và nhiều người bị nước bạn bắt giữ. Vì sao nhiều người bị bắt và xử lý nhưng tình trạng này vẫn tái diễn, phải chăng người dân không sợ?

+ PGS-TS Ngô Hữu Phước: Tôi nghĩ trước hết IUU xuất phát từ lòng tham. Người ta muốn né chi phí xuất bến, cập cảng; phí và lệ phí xin giấy phép khai thác, vận chuyển, trung chuyển và các khoản phí khác. Vì vậy, họ dùng mọi phương thức, thủ đoạn để đánh bắt, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm cá thu được từ hoạt động IUU.

Một cách công bằng mà nói, bên cạnh những kẻ tham lam chủ mưu tổ chức và thực hiện IUU thì cũng cần xét yếu tố “chuyện mưu sinh” của ngư dân khó khăn. Nhiều ngư dân (được thuê) tham gia IUU là người có hoàn cảnh khó khăn, ở các nước kém hoặc đang phát triển ở châu Á (trong đó có khu vực Đông Nam Á), Mỹ Latin và châu Phi.

Do vậy, họ thường chấp nhận mạo hiểm, đánh đổi để nhận lấy những lời hứa hẹn, lợi ích khi tham gia IUU. Đặc biệt là họ sẵn sàng tham gia, hỗ trợ đánh bắt IUU cho các tập đoàn, doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở pháp luật quốc tế và quốc gia sở tại để “lẩn tránh quốc tịch”, đầu tư bất hợp pháp vào hoạt động IUU. Và như thế, vòng xoay của nghèo đói dẫn đến tham gia đánh bắt IUU không có hồi kết, lặp đi lặp lại và rất khó giải quyết triệt để nếu các quốc gia không có giải pháp kinh tế có tính khả thi và bền vững.

Nạn hối lộ và pháp luật còn lỏng lẻo

. Ở góc độ quản lý, luật pháp theo ông thì tồn tại những hạn chế nào?

+ Để xảy ra tình trạng IUU, một phần nguyên nhân khác cũng vì nạn hối lộ khiến một số người quản lý buông lỏng, tạo điều kiện cho IUU. Ở Việt Nam cũng manh nha xuất hiện các đường dây môi giới, móc nối đưa tàu cá Việt Nam đi đánh bắt bất hợp pháp tại các vùng biển nước ngoài. Tỉnh Bình Định mới đây đã đề nghị Bộ Công an chỉ đạo điều tra các đường dây tổ chức môi giới đưa tàu cá ra nước ngoài đánh bắt trái phép.

Còn theo các báo cáo, đánh giá của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), IUU là hệ quả tất yếu của hệ thống pháp luật về quản lý nghề cá nhỏ lẻ, lạc hậu; thiếu đồng bộ trong quản lý cấp giấy phép, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, truy xuất nguồn gốc và xuất nhập khẩu sản phẩm thủy sản. Đặc biệt là thiếu các biện pháp xử lý đủ mạnh, có tính răn đe nghiêm khắc đối với hành vi IUU.

Một tàu cá có treo cờ Việt Nam bị Indonesia bắt tại vùng biển nước này năm 2020. Ảnh: THE JAKARTA POST

Một tàu cá có treo cờ Việt Nam bị Indonesia bắt tại vùng biển nước này năm 2020. Ảnh: THE JAKARTA POST

Ví dụ ở Việt Nam, biện pháp phạt tiền cao nhất đối với hành vi IUU chỉ là 1 tỉ đồng (khoảng 0,045 triệu USD), thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan (gần 6,4 triệu USD), Indonesia (khoảng 1,5 triệu USD), Philippines (khoảng 1 triệu USD)… Ngoài ra, luật hình sự Việt Nam hiện chỉ quy định tội “hủy hoại nguồn lợi thủy sản” tại Điều 242 mà chưa coi hành vi đánh bắt bất hợp pháp là tội phạm. Trong khi đó, các nước trong khu vực phạt người thực hiện hoạt động IUU án tù có thể hai, ba hoặc đến 10 năm tù.

Về phương diện pháp luật quốc tế, việc quản lý, phát hiện, điều tra, xác định để xử phạt tàu, chủ tàu và những người hưởng lợi cuối cùng từ đánh bắt IUU vẫn còn rất khó khăn. Hiện nhiều công dân Việt Nam bị nước ngoài bắt và xử phạt vì IUU, có trường hợp bị phạt tiền tỉ, lâm vào cảnh khó khăn nhưng chủ tàu (không tham gia ra khơi đánh bắt) thì vẫn ung dung, không bị chế tài đáng kể.

Tâm lý “làm chơi ăn thiệt”

. Những năm gần đây, nguồn thủy hải sản ngày càng khan hiếm hơn trong khi nhu cầu của con người ngày càng tăng. Phải chăng quy luật cung - cầu cũng là nguyên nhân?

+ Đúng vậy. Nhu cầu cao thì giá hải sản tăng khiến nhiều người muốn thực hiện IUU, đặc biệt là đánh bắt những chủng loài hải sản giá trị cao. Nhiều ngư dân vẫn có tâm lý IUU là hoạt động “làm chơi nhưng ăn thiệt”, rất khó bị bắt và nếu không may bị bắt thì “cái giá” phải trả rất thấp so với cái lợi khổng lồ. Do đó, họ sẵn sàng lợi dụng các quy định chưa đồng bộ của ngành thủy sản và hoạt động thực thi pháp luật kém hiệu quả trên biển để thực hiện hoạt động IUU.

Mặt khác, phần lớn ngư dân hạn chế về trình độ, kiến thức về đánh bắt thủy sản, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học do không được đào tạo cơ bản, chủ yếu hành nghề theo kiểu “cha truyền con nối”, truyền kinh nghiệm để “được mùa cá tôm” chứ ít ai dạy cách bảo vệ nguồn hải sản. Họ không nhận thức được hậu quả của hoạt động IUU.

. Xin cám ơn ông.

Hạn chế trong hợp tác quốc tế

Tôi cũng cho rằng việc hợp tác quốc tế giữa các nước, nhất là các quốc gia tham gia hoạt động đánh bắt hải sản (trong đó có hoạt động IUU) và tiêu thụ hải sản (trong đó có sản phẩm từ IUU) chưa hiệu quả. Trong đó, phải kể đến (i) chuỗi hợp tác “đầu ra” từ cấp phép, chia sẻ thông tin, kiểm tra, giám sát hoạt động đánh bắt và hỗ trợ đánh bắt IUU; và (ii) chuỗi hợp tác “đầu vào” từ trung chuyển, vận chuyển, thu mua, truy xuất nguồn gốc, đưa sản phẩm IUU vào thị trường để tiêu thụ sản phẩm đánh bắt từ IUU.

Muốn loại trừ IUU thì các quốc gia, các tổ chức nghề cá khu vực, các liên kết kinh tế, thương mại song phương, đa phương cần ngồi lại. Vấn đề hợp tác phòng chống và loại trừ IUU phải là một nội dung hợp tác trong các hiệp định hợp tác nghề cá và các hiệp định thương mại, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Điển hình như gần đây, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) đều có những quy định ràng buộc về vấn đề IUU để các quốc gia thành viên tuân thủ.

PGS-TS,

NGÔ HỮU PHƯỚC
Trường ĐH - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM)Kinh tế

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm