Những chiến dịch không vận, hải vận viện trợ cứu dân Gaza

(PLO)- Các nước và các tổ chức cứu trợ khai thác từ đường bộ, đường không, tới đường biển để đưa hàng viện trợ vào Gaza, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo tại dải đất này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tình hình khủng hoảng nhân đạo ở Gaza (Palestine) hiện rất tồi tệ khi khoảng 2,2 triệu người của dải đất này đang đối mặt nguy cơ mất an ninh lương thực. Trước tình hình này, các nước đã tăng cường đưa hàng viện trợ vào Gaza, thông qua nhiều con đường khác nhau.

Nhiều cách đưa hàng viện trợ vào Gaza

Cho đến nay, đường bộ là tuyến đường vận chuyển quan trọng nhất. Theo đó, hơn 15.000 xe tải viện trợ đã vào Dải Gaza kể từ ngày 7-10-2023 tại hai cửa khẩu ở phía nam dải đất này. Hầu hết lượng hàng viện trợ được chuyển qua cửa khẩu Rafah (nối Gaza với Ai Cập), phần còn lại được đưa qua cửa khẩu Kerem Shalom (nối Israel với Gaza), theo tờ The New York Times.

Kể từ tháng 1, những người biểu tình ở Israel đã chặn lối qua cửa khẩu Kerem Shalom. Họ cho rằng Gaza không được phép nhận được viện trợ trong khi các con tin vẫn bị Hamas giữ. Trước tình hình này, các nhóm viện trợ đã kêu gọi mở thêm nhiều con đường vào Gaza.

Chật vật đưa hàng viện trợ vào Gaza
Xe chở hàng viện trợ đi vào Dải Gaza hồi tháng 12-2023. Ảnh: AFP

Israel yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt tất cả viện trợ đi vào Gaza. Phía Israel cho rằng họ làm vậy là nhằm chặn các mặt hàng có khả năng được chuyển cho Hamas.

Hôm 14-3, đại tá Elad Goren – quan chức tại cơ quan Israel giám sát chính sách đối với các vùng lãnh thổ Palestine (COGAT) – cho biết hầu hết xe tải bị kiểm tra đều được cho phép đi vào Gaza. Theo đó, chỉ một phần rất nhỏ trong số các xe tải này bị buộc quay trở lại vì có các mặt hàng “công dụng kép” – những mặt hàng có thể dùng cho cả mục đích dân sự lẫn quân sự.

Các quan chức Israel nói rằng họ không giới hạn về số lượng viện trợ có thể vào Gaza bằng đường bộ. Tuy nhiên, ngay cả sau khi hàng cứu trợ được đưa vào Gaza, các nhóm viện trợ cho hay họ vẫn gặp khó khăn trong việc giao hàng cho người dân vì tình hình an ninh.

Theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (LHQ), bắc Gaza đang trên bờ vực nạn đói. Tuần trước, Israel cho phép cơ quan này gửi một đoàn xe viện trợ chở lương thực cho 25.000 người đi vào phía bắc Gaza. Chương trình Lương thực Thế giới cho biết đây là lần đầu tiên họ được phép giao thực phẩm ở miền bắc Gaza kể từ ngày 20-2.

Song song với các chuyến hàng trợ trên đường bộ, nhiều nước cũng triển khai kế hoạch thả hàng viện trợ từ trên không để hỗ trợ người dân Gaza.

Tuần trước, Đức thông báo sẽ thả viện trợ xuống Gaza, tương tự hành động của các nước Mỹ, Jordan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập và Pháp gần đây. Ngày 14-3, Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết 1.000 gói viện trợ đã được thả xuống Dải Gaza trong vòng 1 tuần.

Theo The New York Times, những đợt thả hàng viện trợ này có thể giúp việc vận chuyển hàng đến các khu vực xa xôi của Gaza dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các quan chức phụ trách cơ quan viện trợ cũng cho rằng đây là cách thức tốn kém và không hiệu quả trong việc cung cấp số lượng lớn hàng hóa.

Cùng với 2 phương thức trên, mới đây, Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu và nhiều nước khác công bố kế hoạch thiết lập một tuyến đường biển để đưa hàng viện trợ vào Gaza từ Cyprus. Phía Mỹ cũng công bố kế hoạch xây dựng một bến cảng tạm thời để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa hàng viện trợ vào Gaza bằng đường biển.

Trong tuần qua, nhóm từ thiện World Central Kitchen đã gửi một con tàu chở 200 tấn hàng viện trợ từ Cyprus đến Gaza. Nhóm này cũng xây dựng một cầu cảng tạm thời ở Gaza để bốc dỡ hàng viện trợ.

dua-hang-vien-tro-vao-Gaza.jpg
Nhiều nước đã điều máy bay thực hiện phương án thả hàng viện trợ xuống Gaza. Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL

Những thách thức

Dù các nước đã nỗ lực thực hiện nhiều cách đưa hàng viện trợ vào Gaza, nhưng không phải cách nào cũng mang lại hiệu quả cao.

Theo tờ The Wall Street Journal, các quan chức Mỹ từng cho rằng các đợt thả hàng viện trợ không nhằm mục đích giải quyết toàn bộ cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza, mà chỉ tạm thời mang lại một số nguồn cứu trợ cho người dân tại đây.

Ngoài ra, các thùng hàng viện trợ không phải lúc nào cũng rơi xuống các khu vực người dân có thể tiếp cận. Điều đáng quan ngại là các thùng viện trợ có thể rơi xuống khu vực hoạt động của các chiến binh Hamas.

Các đợt thả hàng viện trợ đôi khi cũng gây nguy hiểm cho dân thường trên mặt đất. Chính quyền Gaza cho biết ít nhất 5 người dân Gaza đã thiệt mạng và 10 người bị thương do bị thùng hàng viện trợ rơi đè vào ngày 8-3.

Văn phòng truyền thông chính quyền Gaza cho biết các thùng hàng đã rơi vào đầu một số người “do hạ cánh không đúng cách”. Văn phòng cũng lưu ý rằng một số gói viện trợ đã rơi xuống biển hoặc gần biên giới Israel, đồng thời cho rằng việc thả viện trợ là “không hiệu quả và không phải là cách tốt nhất để chuyển hàng viện trợ”.

So với các phương thức vận chuyển khác, việc đưa hàng viện trợ vào Gaza bằng đường biển cũng có một số bất lợi.

Theo đài CNN, Gaza hiện không còn cảng nào hoạt động. Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về lương thực Michael Fakhr tuần trước cho biết lực lượng Israel đã "tàn phá cảng Gaza", nằm ở khu vực gần quận Rimal của TP Gaza.

gettyimages-2067615225.jpg
Tàu chở hàng viện trợ chuẩn bị lên đường đến Gaza. Ảnh: AFP

“Tôi nghĩ một trong những vấn đề sẽ là khâu hậu cần cho việc bốc dỡ hàng từ tàu xuống bãi biển, sau đó chất lên xe tải”– Điều phối viên Nhân đạo của LHQ về Tiến trình Hòa bình Trung Đông (UNSCO) Jamie McGoldrick cho biết.

Trong khi đó, các cơ quan viện trợ nhân đạo cho rằng viện trợ bằng đường biển và hàng không không thể thay thế vận chuyển qua đường bộ.

“Các quốc gia không thể trốn đằng sau các chuyến hàng thả viện trợ và nỗ lực mở hành lang hàng hải. Những điều này tạo ra ảo tưởng rằng họ đang hành động đủ để hỗ trợ các nhu cầu của người dân Gaza” – tuyên bố chung của 25 tổ chức phi chính phủ nêu. Tuyên bố cũng kêu gọi các chính phủ ưu tiên giải quyết vấn đề trên bộ và đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm