Xử hình sự với dấu hiệu 'đã bị xử phạt vi phạm hành chính' trước đó, liệu có công bằng?

(PLO)- Theo PGS.TS Trịnh Tiến Việt (Trường ĐH Luật, ĐHQG Hà Nội) không thể lấy sự “thiếu hụt” về hành vi mà cứ cộng hai lần hành chính lại bằng một lần hình sự...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 31-5, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM tổ chức hội thảo “Mối liên hệ giữa trách nhiệm hiến pháp, trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự”.

Tại hội thảo, PGS.TS Trịnh Tiến Việt (Trường ĐH Luật, ĐHQG Hà Nội) cho rằng trong BLHS 2015, một số trường hợp, nhà làm luật sử dụng dấu hiệu nhân thân “đã bị xử lý hành chính”, “đã bị xử lý kỷ luật” hay “đã bị kết án” là dấu hiệu định tội.

"Nên cân nhắc bỏ đi dấu hiệu này vì Điều 2 BLHS năm 2015 đã quy định cái gốc của vấn đề chỉ người nào phạm một tội đã được BLHS mới phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS)", PGS.TS Trịnh Tiến Việt đề nghị.

đã bị xử phạt vi phạm hành chính
PGS.TS Trịnh Tiến Việt (Trường ĐH Luật, ĐHQG Hà Nội) trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: YC

Theo ông Việt, tội phạm là một sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ pháp luật hình sự. Vì vậy, khi tội phạm xảy ra nhưng chưa bị phát hiện hoặc đã bị phát hiện nhưng chưa xác định được người phạm tội thì quan hệ pháp luật hình sự vẫn tồn tại. Rõ ràng, “điểm khởi đầu của TNHS là thời điểm xảy ra tội phạm”. Do đó, nguyên tắc truy cứu TNHS dựa trên hành vi, không thể lấy sự “thiếu hụt” về hành vi mà có thể cộng thêm đặc điểm nhân thân và không thể cứ cộng hai lần hành chính lại bằng một lần hình sự.

PGS.TS Việt đưa ra ví dụ so sánh. Trường hợp 1, A đáp ứng điều kiện chủ thể của tội phạm, có hành vi trộm cắp tài sản trị giá 2 triệu đồng, bị xử lý hình sự. Trường hợp 2, A đáp ứng điều kiện chủ thể của tội phạm, có hành vi trộm cắp tài sản trị giá 100.000 đồng, bị xử lý hành chính. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm. Trong thời gian này, A lại trộm cắp tài sản giá trị 100.000 đồng, A bị xử lý hình sự... (tổng 2 lần trộm cắp chỉ có 200.000 đồng-PV).

Cạnh đó, có những trường hợp “gốc” ban đầu là xử lý hành chính nhưng kết quả cuối cùng lại nặng hơn "gốc" xử lý hình sự là chưa công bằng. PGS.TS Việt nêu ví dụ, trường hợp 1, A đáp ứng điều kiện chủ thể của tội phạm, có hành vi trộm cắp tài sản trị giá 100.000 đồng, bị xử lý hành chính (đã nêu) và thời hiệu xử phạt hành chính là 1 năm. Trong thời gian này, A lại trộm cắp tài sản giá trị 100.000 đồng, A bị xử lý hình sự (gốc vi phạm mức độ hành chính).

Trường hợp 2, A đáp ứng điều kiện chủ thể của tội phạm, có hành vi trộm cắp tài sản trị giá 2 triệu đồng, có đủ điều kiện miễn hình phạt (Điều 54) và sau đó không bị coi là có án tích (khoản 2 Điều 69 BLHS 2015). A tiếp tục trộm cắp 1.999.000 đồng, A không phạm tội và bị xử lý hình sự (gốc vi phạm mức độ hình sự).

đã bị xử phạt vi phạm hành chính
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: YC

92 tội danh sử dụng dấu hiệu “đã bị xử phạt vi phạm hành chính

Theo TS Thái Thị Tuyết Dung (Ban Thanh Tra - Pháp chế, ĐHQG TP.HCM), khảo sát phần các Tội phạm trong BLHS (từ Điều 108 đến Điều 425) có 92/318 tội danh trong BLHS viện dẫn “đã bị xử phạt vi phạm hành chính”, chiếm gần 30%.

Con số này cho thấy tầm quan trọng của “xử phạt vi phạm hành chính” trong quá trình xác định chế tài đối với hành vi vi phạm, đó là xác định trách nhiệm hành chính hay trách nhiệm hình sự.

Cũng theo TS Dung, trong BLHS có đến 58 điều luật quy định đã bị xử phạt hành chính là một trong những điều kiện để xác định trách nhiệm hình sự sau đó. Ví dụ như Điều 172 Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản; Điều 173 Tội trộm cắp tài sản; Điều 322 Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc;...

Có thể xem xét qua trường hợp cụ thể tại tội trốn thuế. Điều 200 quy định người nào sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn với số tiền từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án... chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

Bà Dung cho rằng, với tội trốn thuế theo Điều 200 BLHS sẽ tạo ra 3 tình huống sau:

Thứ nhất, ông A vi phạm lần đầu, khi sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp 95 triệu thì bị xử phạt hành chính (theo Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn).

Thứ hai, ông A vi phạm lần đầu, khi sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp 100 triệu thì bị xử lý hình sự.

Thứ ba, ông A vào ngày 15-3-2022 bị xử phạt hành chính 5 triệu đồng với hành vi sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp là 5 triệu. Ông nộp phạt vào ngày 16-1-2023. Sau đó, nếu tháng 4-2024 ông tiếp tục vi phạm với hành vi trên với số tiền thuế phải nộp là 10 triệu thì không xử phạt vi phạm hành chính mà sẽ bị xử lý hình sự.

Như vậy, việc xác định hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính trước đó làm thay đổi việc áp dụng pháp luật trong 3 trường hợp trên. Rõ ràng, với trường hợp thứ 3, số tiền trốn thuế chỉ là 15 triệu, nhưng vì đã bị xử phạt trước đó nên bị chuyển hóa thành xử lý hình sự. Trong khi, nếu vi phạm một lần số tiền trốn thuế đến 95 triệu thì cũng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính. Điều này cho thấy, “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” là yếu tố quan trọng trong việc xác định loại trách nhiệm hành chính hay trách nhiệm hình sự.

Theo TS Dung, cần xác định hậu quả của hành vi đã vi phạm hành chính, đảm bảo tiệm cận hậu quả trong tội danh theo BLHS, góp phần đảm bảo công bằng trong áp dụng pháp luật.

Ví dụ, đối với tội danh trốn thuế theo Điều 200 BLHS, nên áp dụng quy định đã bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt từ 50 triệu trở lên mà tiếp tục vi phạm thì mới chuyển sang xử lý hình sự. Chứ nếu lần 1 vi phạm chỉ phạt 5 triệu, lần 2 cũng 5 triệu thì chuyển sang xử lý hình sự thì quá nặng...

Xử lý hành vi không phải giá trị tài sản?

Kiểm sát viên Nguyễn Hoài Thương (VKSND Cấp cao tại TP.HCM) cho rằng trộm cắp lần đầu xử phạt hành chính, lần 2 xử lý hình sự (dù giá trị tài sản nhỏ-PV), việc xử lý hành chính là để cho người vi phạm “quay đầu” và phòng ngừa nên nếu vẫn tiếp tục vi phạm thì sẽ xử lý hình sự. Việc xử lý ở đây là xử lý về mặt hành vi chứ không phải căn cứ vào giá trị tài sản...

Luật sư (LS) Nguyễn Đức Thắng Ý (Đoàn Luật sư TP.HCM) thì nêu ví dụ bằng một vụ án trên thực tế. Đó là một người phụ nữ làm nghề bán hàng trong chợ. Sau khi bán hàng thì bà này hay đánh bài. Lần đầu bà bị xử lý hành chính vì số tiền đánh bạc không đủ 5 triệu để xử lý hình sự. Lần thứ hai bị bắt với số tiền đánh bạc chỉ vài chục ngàn nhưng do đã bị xử lý hành chính nên bị xử lý hình sự. Vậy có bất công hay không?

Theo luật sư Ý là không bất công. LS Ý đồng tình với kiểm sát viên Nguyễn Hoài Thương là không định tội trên số tiền mà định tội trên hành vi...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm