Hiện nay, khi thu nhập, kiến thức, trình độ văn hóa của người dân ngày càng được tăng lên thì họ bắt đầu quan tâm đến nhiều vấn đề hơn, chẳng hạn như suy thoái kinh tế, y tế, nghèo đói, phúc lợi, an toàn thực phẩm… Trong đó hành vi mua sắm sản phẩm xanh, thân thiện môi trường cũng được chú ý nhiều hơn.
Ý thức về sản phẩm xanh
Nếu như ngày trước chúng ta quan tâm đến việc ăn gì để đủ no thì giờ đây nhu cầu tăng thêm là thực phẩm gì tốt cho sức khỏe. Thậm chí nhiều người quan tâm đến việc món ăn, nguyên liệu nấu nướng được sản xuất như thế nào, nguồn gốc từ đâu, theo kiểu truyền thống hay quy trình hiện đại. Từ các sản phẩm làm đẹp, hàng máy móc gia dụng đến sản phẩm tạp hóa, các thuật ngữ như tự nhiên, hữu cơ, nguồn gốc địa phương… ngày càng được chú ý hơn. Và cũng từ đây, các nhà sản xuất giới thiệu sản phẩm đáp ứng nhu cầu người dùng theo hướng xanh hóa, bền vững.
Hoạt động thu gom chất thải nguy hại tại ngày hội tái chế chất thải do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức. Ảnh: NC
Trong khuôn khổ hội thảo Sản xuất và tiêu dùng bền vững hướng tới tăng trưởng xanh do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức mới đây, PGS-TS Lê Văn Khoa, ĐH Bách khoa TP.HCM, đã chia sẻ nhiều thông tin quan trọng. Theo đó, dựa trên kết quả khảo sát 1.400 người tiêu dùng tham gia cho thấy hiện trạng các nhóm dân số có điều kiện kinh tế, xã hội không thuận lợi thì họ có kiến thức về môi trường kém hơn các nhóm dân số khác. Sản phẩm xanh chưa được biết đến với tất cả nhóm dân số. Trong đó các nhóm dân số có học vấn, thu nhập cao, ở trung tâm TP biết đến sản phẩm xanh nhiều hơn nhóm dân số ở khu vực ngoại thành, có học vấn và thu nhập thấp. Hai vấn đề được nhiều người quan tâm là sức khỏe và môi trường. Nhìn chung, nhận thức về môi trường của người dân dần được nâng cao hơn, ý thức hơn trong việc tiết kiệm điện, nước tại gia đình. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy lý do chính thúc đẩy người dân thực hiện tiết kiệm điện là vì muốn tiết kiệm chi phí.
Thái độ tích cực
Một tin vui là những người tham gia phỏng vấn có thái độ tích cực đối với tiêu dùng bền vững. Thái độ này bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như giới tính, học vấn, kiến thức về sản phẩm xanh. Những người trẻ tuổi, học vấn cao và độc thân sẵn lòng trả tiền thêm từ 1% đến 10% giá để chọn mua những sản phẩm xanh. Nguyên nhân là vì sức khỏe của bản thân, gia đình, tiếp theo là môi trường. Lý do chủ yếu khiến nhóm người không đồng ý trả thêm cho sản phẩm xanh là vì khó khăn kinh tế. Tuy nhiên, đáng buồn là người tiêu dùng tại TP.HCM chưa có thói quen mua sắm sản phẩm xanh.
Để hình thành, tuyên truyền ý thức về tiêu dùng sản phẩm xanh, TP đã triển khai nhiều chương trình nổi bật như Ngày hội tái chế chất thải, Chương trình hành động không sử dụng túi nylon, chiến dịch tiêu dùng xanh. Theo đánh giá chung, cả ba chương trình trên đều thu hút sự chú ý và tham gia của cộng đồng. Yếu tố góp phần thành công là tính đa dạng, tính mới của các hoạt động, tạo sức hút cho cộng đồng; phù hợp xu thế quản lý môi trường bền vững; đáp ứng quyền lợi của các thành phần trong cộng đồng. Song song đó, tín hiệu tích cực là chúng ta đã có sự chuyển đổi để hướng về tiêu dùng bền vững. Việc này thể hiện thông qua một số hoạt động như sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, năng lượng mặt trời; sử dụng xăng sinh học E5, tăng cường sử dụng các phương tiện công cộng, xe buýt chạy bằng khí nén CNG, sử dụng các loại bao bì tự hủy, túi mua hàng thân thiện môi trường…