Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chuyển lời của Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp quan tâm tới tám nhiệm vụ. Đáng chú ý là công tác quản lý nhà nước về luật sư (LS), bởi hiện nay một số địa phương còn buông lỏng.
Giải trình về việc này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay toàn quốc hiện có trên 12.000 LS, chất lượng LS đang được nâng cao. “Qua các phiên tòa xét xử trong nước, qua cách tiếp cận của LS đối với từng vụ việc thì thấy LS đã lớn mạnh và trưởng thành” - ông Long nói.
Cũng theo bộ trưởng Bộ Tư pháp, trong một số vụ kiện quốc tế, dù công ty luật của ta chưa đứng được độc lập như các công ty luật nước ngoài mà Chính phủ đứng ra thuê nhưng đã có đóng góp cùng Bộ Tư pháp, các bộ, ngành để có lập luận, chiến lược... trong từng vụ kiện. Theo ông Long, có LS sử dụng thành thạo hai, ba ngoại ngữ, có thể ngang ngửa khi làm việc hay đấu trí trong các vụ kiện quốc tế.
“Tuy nhiên, thời gian qua có một số ít LS vi phạm. Có những người bốn, năm lần bị kỷ luật nhưng cứ căn cứ vào một số câu chữ trong các quy định của luật để kiện tụng hay khiếu nại quyết định thu hồi thẻ LS” - ông Long nói và cho biết ở các nước, quy định của pháp luật về LS chỉ là một phần, việc tuân thủ quy tắc đạo đức hành nghề của LS còn cao hơn cả luật.
“Ở ta, có một số ít LS vi phạm pháp luật đã đành, còn đương nhiên bỏ qua các quy tắc đạo đức - điều rất thiêng liêng của hành nghề” - Bộ trưởng Long nhận xét.
Cạnh đó, một số LS, dù số ít, tụ tập, lôi kéo bằng cách này hay cách khác, đi ngược lại chủ trương của Đảng, Nhà nước, làm phức tạp hóa tình hình. “Đối với những LS như vậy, Bộ Tư pháp có chủ trương xử lý nghiêm nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động nói chung là tốt và ngày càng trưởng thành của giới LS” - ông Long nói.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết Bộ sẽ nghiên cứu, xem xét, đề xuất sửa đổi Luật LS và các quy định liên quan đến LS nhằm tạo công cụ hiệu quả trong công tác quản lý, đảm bảo hài hòa hai vấn đề xã hội hóa và quản lý nhà nước.