Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả theo phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính.
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan trực tiếp kiểm tra một số địa phương có nhiều bản án hành chính đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa thi hành, chậm thi hành; làm rõ nguyên nhân, kiến nghị xử lý trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo Nghị định 71/2016 và pháp luật khác có liên quan; báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện.
Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Tố tụng hành chính, Nghị định 71/2016 và Chỉ thị 26 ngày 15-11-2019 của Thủ tướng, có các biện pháp chấn chỉnh, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế (nhất là trong việc tổ chức thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật) để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án.
Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương: Hà Nội, TP.HCM, Đắk Lắk, Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Bình Phước, Phú Yên, Quảng Nam tập trung chỉ đạo, khẩn trương thi hành dứt điểm các bản án hành chính đã có hiệu lực thi hành trên địa bàn trong năm 2022; báo cáo kết quả gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Thủ tướng.
Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương có bản án hành chính đã có hiệu lực từ năm 2020 trở về trước thuộc trách nhiệm thi hành của UBND, chủ tịch UBND cấp tỉnh đến nay chưa được thi hành xong chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, xem xét trách nhiệm và xử lý theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan theo Điều 8 Nghị định 71/2016, trừ trường hợp bản án bị hoãn, tạm đình chỉ thi hành; báo cáo kết quả gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Thủ tướng.