Xử phúc thẩm vụ người từng được tuyên trắng án tội giết người

Ngày 12-11, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Nguyễn Văn Đồng (SN 1950, ngụ xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, Bình Phước).

HĐXX nhận định rằng căn cứ vào các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, lời khai của nhân chứng, các biên bản giám định, kết quả xét nghiệm ADN dấu máu trên đồng hồ của bị cáo… thì đã đủ cơ sở kết luận bị cáo là người giết nạn nhân Trần A Ửng.

Từ đó HĐXX quyết định bác kháng cáo, tuyên y án tù chung thân đối với bị cáo Nguyễn Văn Đồng về tội giết người.
Đây là vụ án từng gây xôn xao dư luận trong một thời gian dài bởi tháng 8-2015, bị cáo Đồng được TAND tỉnh Bình Phước tuyên trắng án tội giết người và được trả tự do ngay tại tòa dù VKS tỉnh này đề nghị mức án chung thân.
Tuy nhiên, sau đó bản án tuyên bị cáo Đồng không phạm tội đã bị hủy để điều tra lại. Xử sơ thẩm lần hai, TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên án chung thân đối với bị cáo Đồng về tội giết người. Bị cáo Đồng kháng cáo kêu oan.
Tại tòa hôm nay, bị cáo Đồng trình bày: “Khi công an đến nhà mời đi làm việc thì tôi mới biết chuyện ông Ửng chết. Tôi thừa nhận có đeo chiếc đồng hồ (đã ngưng hoạt động) nhưng tôi khẳng định đồng hồ không có vết máu màu nâu trên quai đeo đồng hồ như quy kết. CQĐT kết luận tôi là người giết ông Ửng là không đúng bởi khi tôi ra về, ông Ửng còn sống và đang ngồi với hai đứa con. Ông Ửng còn nói với tôi là mai lại chơi nhé. Tôi không hề mâu thuẫn thì chẳng có lý do gì để đánh nhau, ra tay giết nạn nhân. Tôi coi Ửng như em. Tôi khi đó đã 63 tuổi, già hơn Ửng 15 tuổi thì sức đâu mà đánh. Tôi cũng hay làm việc thiện, không hề mâu thuẫn, gây gổ hay có hiềm khích với bất kỳ ai. 20 năm làm cán bộ Chữ thập đỏ, tôi chỉ giúp người và chưa làm điều gì xấu. Một lần nữa tôi khẳng định tôi không giết người".


Bị cáo Nguyễn Văn Đồng.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Đồng cho rằng chứng cứ đặc biệt quan trọng trong vụ án để chứng minh tội phạm là chiếc đồng hồ đeo tay của bị cáo. Công an xã thu giữ và lập biên bản tạm giữ có nội dung “quai đồng hồ có 01 dấu vết màu nâu, đồng hồ đã được niêm phong…”.

Tuy nhiên, bị cáo không thừa nhận có một dấu vết màu nâu tại quai đồng hồ như biên bản nêu. Trong khi đó, hồ sơ vụ án lại không thể hiện có biên bản về việc niêm phong vật chứng này. Việc chuyển giao cho CQĐT để trưng cầu giám định cũng không được thể hiện bằng biên bản.

“Cần biết rằng nhà sản xuất làm ra rất nhiều chiếc đồng hồ giống nhau, nếu không ghi số seri thì lấy căn cứ nào để khẳng định chiếc đồng hồ có dính máu có phải là của bị cáo hay không” - luật sư lập luận.

Ngoài ra, CQĐT không khám xét nhà ở, thu thập cái áo trắng bị cáo mặc khi về nhà, tuy thu giữ vật chứng là cây gỗ dài và viên gạch Tàu nhưng không niêm phong và không giám định dấu vân tay ở trên những vật này, chưa làm rõ được vấn đề thời gian liên quan đến vụ án để chứng minh tội phạm, thực nghiệm điều tra nhưng không tuân thủ đúng quy định của BLTTHS...

Đại diện VKSND Cấp Cao tại TP.HCM đề nghị tòa không chấp nhận lời kêu oan của bị cáo Đồng, cũng như lời bào chữa của các luật sư.

Án mạng từ việc thua bài 36.000 đồng?
Bị cáo Đồng bị cáo buộc đã giết người rồi đẩy xuống giếng vào sáng 28-1-2013. Theo cáo trạng, hôm đó ông Đồng đến nhà ông Trần A Ửng (ngụ cùng xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, Bình Phước) uống rượu, đánh bài ăn tiền. Do con khóc nên ông Ửng dừng chơi để dỗ con. Đang thua 36.000 đồng, ông Đồng bắt ông Ửng chơi tiếp. Ông Ửng không đồng ý, dẫn đến cự cãi, xô xát. Ông Đồng đã dùng gạch và khúc gỗ đánh ông Ửng. Ông Ửng bỏ ra ngoài giếng ngồi thì ông Đồng chạy tới xô xuống giếng. Lúc này, hai con của ông Ửng (đứa lớn nhất năm tuổi) khóc và đi ra cổng. Người nhà về thì phát hiện ông Ửng chết dưới giếng.
Quá trình điều tra và tại các phiên tòa, ông Đồng nói ông và bị hại không mâu thuẫn gì. Ngày đó ông có đến uống rượu, ăn cháo gà nhưng sau ông Ửng phải dỗ con nên ông về. Khi đó ông Ửng cùng hai con ngồi ở thềm nhà. Chỉ đến khi công an đến nhà mời đi làm việc thì ông mới biết chuyện ông Ửng chết. Ông khẳng định đồng hồ mình đeo có vết màu nâu (mà qua giám định là vết máu của nạn nhân).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới