Vàng son phai nhạt

Còn nhớ những kho lúa của người Sê Ðăng, Rơ Ngao, Brâu, Giẻ Triêng… thuở kẻ dưới xuôi như tôi mới lên. Nó được thả giữa trời đất, cho dù ở vườn gần hay rẫy xa. Những kho lúa cứ như nhà chòi bỏ hoang. Lần nào ghé vào để hỏi về cái sự “bất cẩn” với của cải ấy cũng đều nhận được câu trả lời: “Ồ, không mất đâu! Không ai đi ăn trộm của người khác”. Người sơn cước bảo thói quen bao đời nay vậy.

Còn nữa, những plei, bon, buôn không bao giờ cần phải lập tường rào, ngăn cách với không gian bên ngoài. Từ Ðạ Tẻh cho đến Krong Nô, Ea H’leo cho đến Chư Pảh, Dak Tô, Sa Thầy, Ngọc Hồi, tức từ Nam lên đến Trung, rồi Bắc Tây Nguyên… tôi ngơ ngác nhiều hơn về cuộc sống ở đấy. Người ta sống với nhau bằng niềm tin đến tuyệt đối, một cam kết tôn trọng và tự trọng vô biên. Chả có căn nhà sàn hay nhà dài nào phải dùng đến khóa. Khi ta đến, họ tiếp ta như con người với con người mà không cần lai lịch. Nếu thích, ta cứ lên căn nhà sàn kia để nhìn sâu vào bên trong không gian sống của họ. Mưu sinh bằng cái đầu, chân tay nhưng người ta sống bằng trái tim. Một thế giới sống thiện lành và bình an, chảy thuần khiết như dòng sông miền thượng khi chưa bị đoạn khúc để làm thủy điện!

Gỗ là thứ “bán được”

Nhưng đó là hình ảnh còn có thể thấy phổ biến đến những năm 2000. Bây giờ, cứ đến mùa cà phê, bắp, đậu … rẫy nương nào, kể cả khi đã đưa về sân nhà phơi cũng có nông phu túc trực canh kẻ gian. Ðạo tặc ban đầu là dân nhập cư, nhưng rồi thì có cả dân bản địa.

Bữa trước, bạn tôi, Y., ở dưới chân núi Yang Lac, huyện Lak, Ðắk Lắk lôi tôi ra sau nhà để khoe những khối gỗ thông đỏ có bề ngang gần hai thước mới cưa xẻ. Gỗ quý - thông đỏ, lại cổ thụ nên vân gỗ đẹp ngất trời. Y. bảo tôi mua đi vì không dễ thấy. Nhưng tôi quan tâm chuyện khác: Từ rừng nào “nó” về đây ? Y. bảo từ trên Chư Yang Sin, đỉnh cao nhất ở Nam Tây Nguyên (đến 2.406 m cách mặt biển). Nơi đó có Yàng! Yàng là thần linh, cõi thiêng nhất của xứ sở mà có người dám đến cưa cây thì hết biết rồi! Y. bảo tôi rằng cưa xẻ thông đỏ về bán vì cậu cần phải sống, gần đây người ta chuộng vân của nó để làm tấm phản, nhẹ mà đẹp tuyệt. Người bản địa Tây Nguyên thì không dùng phản để nằm bao giờ. Sao dám lên chốn thiêng mà đụng cưa vào? Y. nói: Ban đầu cũng còn sờ sợ Yàng, nhưng cưa xẻ vài lần là hết sợ. Bất thần cậu ta phát ra: “Mình không cưa thì người ta cũng cưa hết. Mình cưa từng khúc, ăn hết mới cưa tiếp, rảnh rỗi rẫy ruộng mới đi cưa. Còn họ, họ cưa hằng ngày, ào ào, họ xẻ gỗ của Yàng hằng ngày”.

Những lễ cúng và biểu diễn cồng chiêng tự thân trong cộng đồng đồng bào theo mùa màng vắng dần, thay vào đó là những cuộc tổ chức “Liên hoan cồng chiêng” của chính quyền. Ảnh: N.H.T

Vào tuổi 65, ông K’Nui, người Cill, ở buôn K’Long C, Ðức Trọng, Lâm Ðồng cũng thừa nhận rằng từng lên núi hạ gỗ. Nhưng cũng chính ông K’Nui khẳng định: Chừng bốn mươi năm trước, không ai lên núi chặt cây to, vì nó là rừng đầu nguồn. “Có cái cây thì mới có cái nước. Có cái nước thì mới tưới được cái cây”. Rằng truyền thống của người Cill, khi cần lấy gỗ làm nhà thì cúng xin Yàng trước và hứa chặt đúng số gỗ mình cần. Lấy nhiều hơn số gỗ đã hứa trước Yàng là xấu hổ. Còn củi đốt, nấu nướng thì chỉ lấy những cây bụi ở rừng thưa hoặc nhặt cành cây khô. Nghề đốt than cũng không có trong suy nghĩ và hành động của người Cill. Sau này, họ bắt chước thiên hạ, cũng hạ cây đốt lấy than bán, chở lên Ðà Lạt. K’Nui ngạc nhiên khi bọn trẻ giờ dám vào cả chỏm rừng nguyên sinh nằm lẻ loi dưới thung lũng Ðịnh An để xẻ gỗ trong rừng Ma - nghĩa địa của làng. Hai chục năm, cái nghĩa địa giờ bị lột trần, như chỗ đó chưa từng là rừng vậy. Mà không chỉ thế, ai đó đã lấy mấy thẻo đất còn trống trong nghĩa địa thoi thóp kia để mang cho dân nhập cư thuê. Trên dãy Pnơm Maner, rẫy cũng bỗng dưng giăng khắp, trồng cà phê, chuối, hoa màu. Liếm dần rừng, rẫy bò lên gần chạm đỉnh núi.

K’Nui bảo những điều trước đây không ai dám làm, giờ mọi người đều làm tỉnh queo. Tôi hỏi những thanh niên làng K’Long C có nghĩ trên rừng có Yàng không. K’Si, rể của K’Nui, hào sảng và sành điệu kiểu “trai phố” nói gọn hơ: “Ơ, Yàng nào mà ở trên đó!”. Nhìn xuống cái nghĩa địa K’Long bị lõa thể kia, K’Nui tâm tình: “Giờ, quỷ nó còn không sợ nữa, huống chi Yàng!”.

Mà có gì ngạc nhiên đâu, rất dễ nhìn thấy một nghĩa địa tương tự như ở K’Long, sát nó người ta đang san ủi phẳng ra để phân lô dự án địa ốc. Không chỉ ở Lâm Ðồng hay Kon Tum, cả sơn nguyên huyền ảo mới hôm nào giờ đã lồ lộ ra, trần như nhộng.

Sòng phẳng với trời đất

Krajan Plin, một nhạc sĩ người Lạch sống dưới chân núi Langbian, gần đây lao vào nghiên cứu văn hóa bản địa Tây Nguyên. Anh bảo ở những năm 1970, trong cộng đồng Lạch của anh, ai lên rừng chặt hạ cây lung tung, đụng phải rừng thiêng còn bị trục xuất khỏi cộng đồng.

Một chàng trai M’Nông ở vùng Lak nhắm thẳng dãy Yang Lac để lên xẻ gỗ với chiếc cưa máy hiện đại của Nhật. Cứ như thế, rừng ngày càng lùi vào dĩ vãng. Ảnh: N.H.T

Xứ này, mỗi sắc dân khu trú một nơi nhưng gặp nhau ở chiều sâu về thiên nhiên. Thế nên mới ngày nào khi đi săn, gặp con thú cảm nhận đang mang bầu thì sẽ không bắn. Ði bắt cá, gặp ổ cá con đỏ hoe là không xúc, con cá mẹ không bắt, vì sợ bầy con nó sẽ bơ vơ. Luật tục quy định trong một đời người chỉ được săn 30 con thú. Săn đến con thứ 30 thì phải vứt vĩnh viễn cung nỏ. Luật tục M’Nông - được cho là sắc dân cư trú lâu đời nhất ở Tây Nguyên quy định: “Bắt con ếch phải chừa con mẹ. Bắt con cá phải chừa con mẹ. Chặt cây tre phải chừa cây con. Ðốt tổ ong phải chừa ong chúa”. Theo đó, “Muốn ăn con ếch dùng ná mà bắn. Muốn ăn con cá dùng rớ mà vớt. Không thuốc cá bằng cây kuau rle, làm chết sạch cả tép cả cua”… Cây kuau rle rất độc, nếu dùng vỏ cây và rễ cây giã ra để rải xuống suối sông để làm cá say mà nổi lên là hủy hoại sinh thái. Ngay như với loài voi, “Khi voi chết phải làm tang lễ, làm nhà mả và tổ chức lễ bỏ mả như đối với người. Bắn chết con voi phải đền con voi khác. Bắn chết voi rừng làm cho voi nhà buồn mà chết theo thì bị phạt như làm cho voi nhà bị thương”. Cuộc sống chan hòa và công bằng trước muôn loài đến độ quy ước rõ: “Voi chở nặng, chủ voi phải làm lễ xin lỗi voi vì bắt voi làm quá sức”.

Luật tục M’Nông quy định với nhau: “Rừng bị cháy mà không dập tắt/ Người đó sẽ không có rừng/ Người đó sẽ không có đất/ Làm nhà đừng dùng cây nữa/ Làm chòi đừng dùng cây nữa/ Rẫy không phát nữa”. Tôi nhớ trong luật tục của người Ê Ðê còn có những điều thế này: “Ðất đai, sông suối, cây rừng là cái nong cái nia, cái lưng của ông bà. Có bao nhiêu con, có bao nhiêu cháu đều phải dạy bằng hết cho chúng. Cấm không được đóng cọc vào cây k’tơng, cấm không được trèo lên cây kdjar. Phạm điều cấm đó ngang với tội chặt đuôi con voi, tội thông dâm với vợ của người anh em. Tội đó phải đưa ra xét xử…”.

Bây giờ thì thi thoảng ta nghe ai đó bắn voi chết ở vùng buôn Ðôn, chặt đuôi voi lấy lông, ngà ở Prenn, Tuyền Lâm (Lâm Ðồng). Ðồng bào thì đi săn bắn thú rừng, bắn tuốt những con gì thấy, để bán cho các đầu nậu chở về các đô thị nhậu trong tư cách “đặc sản”. Ðài, báo địa phương đủng đỉnh đưa tin hay phản ánh tình trạng lấn chiếm lâm trường quốc doanh, phá rừng trái phép làm rẫy, mà trong “đội hình” phá rừng ấy không thiếu người bản địa. Những con đường mới mở xuyên qua Dak Song, Dak Glong ở Ðắk Nông, K’Bang, Chưprông, Chưpảh ở Gia Lai, con đường 723 ở Lâm Ðồng mở ra chỉ sau thời gian ngắn, trang trại cà phê, rau hoa, nhà cửa của dân nhập cư đã xuất hiện nhan nhản, thế chỗ của rừng. Ðây đó người K’ho, Cill đi phá rừng để lấy đất bán.

Tiếng chiêng bơ vơ

Mọi thứ và mọi giá trị ở Tây Nguyên đều “sinh” ra từ rừng. Những mái nhà rông kiêu hùng nhô lên giữa những làng mạc vốn bao quanh là rừng giờ trông chơi vơi, trơ trọi. Tiếng cing (chiêng) chỉ “bò” lên nhà sàn, lên rừng, trở thành thanh âm ý nghĩa, huyền ảo, linh thiêng khi nó vang lên trong hào khí của rừng. Nhà rông từ là nơi tụ khí thiêng của trời đất, nơi giao hòa và gửi gắm niềm tin của con người với những gì cao vời… bỗng một ngày trở thành nơi vô hồn. Các lễ hội cồng chiêng bây giờ được dàn dựng theo kịch bản, áp đặt ý chí, đưa lên sân khấu, mang ra đường phố mà đánh. Xưa lễ hội là tự thân, “sống” thật sự, theo mùa màng trong trời đất, đồng bào xưa là nhân vật chính, là người tham dự, nay là… khán giả.

Ðoàn Bích Ngọ, mê say nghiên cứu văn hóa ở cực Nam Tây Nguyên, hôm nọ gặp nhau, chị bảo chính đồng bào ngày cũng càng xa rời với những lễ hội của mình. Chị bảo một phần do thiên hạ “quét” sạch rừng là quét luôn văn hóa của bà con. Khó còn thấy được nền điêu khắc dân gian với những nghĩa địa đầy những tượng nhà mồ ở Bắc Tây Nguyên. Rừng không còn tự do để lên hạ cây đẽo tượng, mà có đẽo tượng thì cũng bị thiên hạ đến cưa ngay để mang về phố bán. Những lễ cúng sông, cúng núi, cúng rẫy, cúng ruộng, cúng bến nước, cúng cái cây rừng cần chặt, cúng lúa mới, bỏ mả, cúng người mới ra đời… cũng vắng dần. Viện nghiên cứu văn hóa dân gian từ Hà Nội trong mười năm trở lại đây hay bỏ tiền ra để phục dựng nhiều lễ hội truyền thống của các sắc dân ở Tây Nguyên, nhằm phục vụ việc quay phim lưu giữ, nghiên cứu. Nếu trong đời sống cộng đồng còn phổ biến những văn hóa phi vật thể đó thì hẳn người ta không phải đi phục dựng rồi! Lại nhớ ngày ông Ðiểu Kâu, người M’Nông, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian M’Nông lúc còn sống, than xót là tụi trẻ M’Nông bây giờ không đứa nào muốn nghĩ đến Ót N’rông - hát, kể sử thi. Ở sắc dân này, có lẽ ông là một trong những người cuối cùng còn để ý đến nó.

Thấy núi rừng mới đó đã khuất bóng, K’Dốp, 53 tuổi, ở buôn Sre Ðăng, xã N’thôn Hạ, huyện Ðức Trọng, Lâm Ðồng thẫn thờ đọc tôi nghe câu ngụ ngôn của người Cill anh: “Brê lơmá. Sá rơgai”! Nghĩa của nó là: rừng mập thì đất đai khỏe và cơ thể đất đai còi yếu khi hết rừng. Bất kỳ nơi đâu trên lục địa này, tôi không tin xa rừng mà những thứ xa xỉ giữa thời hiện đại ấy còn hồn cốt và sức sống, hiền từ, bác ái và thành thật. Tôi cũng không rõ khi cố sức đào bới tự nhiên, bóc trần cho hết và thọc sâu cho tới lút là con người đang tiến hay đang lùi, đang văn minh hay đang tụt hậu…

 Tháng 11-2013

NGUYỄN HÀNG TÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm