Theo Spunik, theo đó, giả thuyết mới về tai nạn của máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines vừa xuất hiện cho rằng máy bay này có thể đã bị một chiến đấu cơ của Ukraine bắn rơi, chứ không phải do tên lửa đất đối không Buk được chế tạo tại Nga do quân nổi dậy được Nga hậu thuẫn bắn rơi.
Chiếc Boeing 777 chở khách mang số hiệu MH17 bị bắn rơi ở miền đông Ukraine hôm 17-7-2014 khiến toàn bộ 298 người trên khoang thiệt mạng. Máy bay đang trong hành trình bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur.
Mảnh vỡ của MH17 sau khi bị bắn rơi tại hiện trường. Ảnh: Express
Nhiều giả thuyết, cáo buộc đã được đưa ra sau tai nạn thảm khốc này, trong đó có cáo buộc máy bay bị lực lượng ly khai ở Ukraine bắn rơi, trong khi nhiều ý kiến lại cho rằng quân đội chính phủ đã bắn hạ bằng tên lửa đất đối không.
Tuy nhiên, đài BBC được cho là chuẩn bị phát sóng một phim tư liệu theo hướng điều tra máy bay MH17 có thể đã bị một máy bay chiến đấu bắn rơi. Chương trình dự kiến phát sóng vào ngày 3-5 (giờ địa phương) với tiêu đề "Conspiracy Files: Who Shot Down MH17?" (tạm dịch: “Ai đã bắn rơi MH17?”).
Chương trình sẽ dựa vào các bằng chứng từ các nhân chứng, chuyên gia và các nguồn tin tình báo bí mật, các hình ảnh vệ tinh, các đoạn ghi âm lén, video.
Theo trang tin Express (Anh), Billy Six, một phóng viên điều tra giàu kinh nghiệm của Đức, đã phỏng vấn 100 nhân chứng, trong đó có bảy người khẳng định đã thấy ít nhất một chiến đấu cơ trên bầu trời vào thời điểm MH17 gặp nạn.
"Một số người thậm chí còn nói họ nhìn thấy tên lửa bắn ra từ máy bay Ukraine. Nó giống một đường vạch nhỏ trên bầu trời, xuyên qua các đám mây, sau đó là tiếng nổ lớn vang lên" - ông nói.
Chuyên gia Billy Six nói rằng ông tin rằng hai chiến đấu cơ đã bắn hạ MH17, trong đó một chiếc đã bắn từ phía đuôi máy bay xuyên qua buồng lái để giết chết phi hành đoàn, còn chiếc còn lại đã bắn tên lửa không đối không vào máy bay.
Một nhân chứng có tên Natasha Beronina nói rằng: “Đó là mùa hè, thời điểm thu hoạch mùa vụ. Chúng tôi nghe thấy một tiếng nổ lớn. Ban đầu chúng tôi nghĩ đã nhìn thấy khói đen và hai chiếc máy bay. Một chiếc bay thẳng đi, còn chiếc còn lại bay quay trở lại hướng nó bay tới khi tiếng nổ phát ra”. Một nhân chứng khác nói rằng đã nhìn thấy tên lửa phóng đi từ một máy bay trước khi một tiếng nổ lớn phát ra.
Báo cáo cuối cùng của Ủy ban An toàn Hà Lan công bố hôm 13-10-2015 kết luận máy bay MH17 bị bắn hạ bằng loại tên lửa BUK do Nga sản xuất. Ảnh minh họa: Daily Mail
Trong khi đó, truyền thông Nga đưa tin, người nhấn nút phóng tên lửa bắn rơi MH17 là Đại úy Vladislav Voloshin, đóng quân tại một sân bay quân sự ở miền Nam Ukraine. Tuy nhiên, Voloshin đã phủ nhận cáo buộc này.
Giả thuyết mới gây chấn động này xuất phát từ một nhà điều tra độc lập có tên Sergey Sokolov. Sokolov đã nhờ hơn 100 điệp viên đi điều tra hiện trường vụ rơi máy bay MH17 và xem xét các chứng cứ.
Ông cho biết nhóm điệp viên này đã không tìm thấy mảnh vỡ của bấy kỳ tên lửa Buk nào cả. Ông cho hay ông còn được “bán” cho một cuộc điện thoại lén giữa hai điệp viên CIA cho thấy họ có ý định đặt hai quả bom trên MH17. Sokolov còn cáo buộc Dịch vụ bí mật Ukraine đã bắt tay hợp tác với CIA, ngoài ra Cơ quan An ninh Hà Lan cũng có dính líu trong âm mưu đặt bom trên MH17 khi máy bay ở Hà Lan.
Nhà điều tra độc lập này cho rằng vụ khủng bố được dàn dựng đầu tiên là để tăng lệnh trừng phạt đối với Nga, thứ hai là cái cớ để thế giới tin rằng Nga là quốc gia dã man và thứ ba là dựa vào đó để NATO tăng cường hiện diện ở châu Âu, đặc biệt là Ukraine, theo Express.
Bản báo cáo cuối cùng của Ủy ban An toàn Hà Lan công bố hôm 13-10-2015 kết luận máy bay Boeing mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã bị bắn hạ bằng loại tên lửa BUK do Nga sản xuất tại khu vực do phe ly khai được Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine. Tuy nhiên, báo cáo không kết luận lực lượng nào đã bắn quả tên lửa định mệnh này.
Gần hai năm sau thảm họa MH17, thủ phạm cũng như động cơ của vụ bắn rơi máy bay này vẫn là một bí ẩn khi các bên tiếp tục cáo buộc lẫn nhau.