Xuất hiện thủ đoạn lừa đảo nhắm vào các tiệm kinh doanh sắt thép ở Tây Ninh

(PLO)- Thủ đoạn lừa đảo mới xuất hiện ở tỉnh Tây Ninh nhắm vào các cửa hàng kinh doanh mua bán sắt thép.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 28-3, Công an TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh phát đi thông báo cảnh báo tình trạng sử dụng tài khoản ảo đăng tải trên hội nhóm mua bán sắt thép những mặt hàng sắt thép với giá rẻ hơn so với thị trường để lừa đảo.

Xuất hiện lừa đảo đặt mua sắt thép ở Tây Ninh
Công an TP Tây Ninh chỉ ra thủ đoạn lừa đảo mua bán sắt thép. Ảnh: VT

Cụ thể, thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, nhóm người sử dụng tài khoản ảo đăng tải trên hội nhóm mua bán sắt thép những mặt hàng sắt, thép với giá rẻ hơn so với thị trường kèm theo những mặt hàng khuyến mãi có giá trị. Khi có người mua liên hệ thì nhóm này yêu cầu kết bạn Zalo để tiện việc trao đổi.

Sau khi kết bạn Zalo, người mua gửi các mặt hàng cần mua và nhận báo giá rất rẻ so với thị trường sắt thép hiện tại. Người có nhu cầu sau đó được gửi số tài khoản để chuyển tiền.

Sau khi thỏa thuận xong, kẻ lừa đảo sẽ liên hệ với một công ty sắt thép khác để đặt mua các mặt hàng mà người mua đã yêu cầu, rồi đặt cọc số tiền thoả thuận với công ty sắt thép và gửi thông tin địa chỉ của người mua cho công ty sắt thép giao hàng.

Khi công ty sắt thép đến địa chỉ người mua để giao hàng thì người mua kiểm tra đầy đủ các mặt hàng đã đặt mua, thì lập tức chuyển tiền cho kẻ lừa đảo để nhận hàng. Ngay sau khi nhận được tiền, kẻ lừa đảo lập tức xóa các thông tin trao đổi trên zalo, facebook và chặn liên lạc. Công ty sắt thép đi giao hàng không nhận được tiền, nên không giao hàng và đem hàng về, người mua bị mất số tiền lớn từ vụ việc trên.

Mới đây, vào ngày 05-3, Công an phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh tiếp nhận tin báo tố giác về tội phạm của bà L.K.O, 46 tuổi, ngụ thị xã Hòa Thành, là giám đốc công ty TNHH H.D, có địa chỉ ở phường Ninh Sơn.

Cụ thể, anh N. là nhân viên bán hàng của một công ty được phân công tìm nguồn hàng sắt, thép để nhập vào cửa hàng. Sau khi tham khảo giá thị trường và vào hội nhóm sắt thép trên Facebook để tìm kiếm hàng, anh N. thấy tài khoản Facebook tên Trần Tuấn Kiệt đăng tải nội dung hàng hóa sắt, thép với giá rẻ, cùng số điện thoại liên hệ 0968796…, anh N. gọi điện trao đổi, người này tự xưng tên Kiệt là nhân viên Cty TNHH tôn thép H.M.

Cả hai kết bạn Zalo để trao đổi báo giá. Thấy Kiệt chào giá hàng rẻ hơn thị trường, anh N báo lại công ty để mua. Tổng số tiền thỏa thuận mua hàng là 254 triệu đồng, Kiệt yêu cầu phía bên anh N phải đặt cọc là 25 triệu đồng vào tài khoản có tên thụ hưởng ngân hàng là Cty TNHH tôn thép H.M.

Nhận được tiền cọc, Kiệt liên hệ một công ty khác để đặt mua số lượng sắt thép mà bên công ty anh N yêu cầu và dùng số tiền 20 triệu đồng của anh N để đặt cọc. Sau đó, công ty Kiệt đã chuyển đủ số lượng sắt thép đến cửa hàng của anh N, kiểm tra đủ số lượng hàng đã đặt, công ty anh N đã chuyển đủ số tiền 229 triệu đồng vào tài khoản mà Kiệt cung cấp. Lúc này tài xế điện thoại hỏi chủ cửa hàng đã nhận được tiền chưa để bốc hàng cho người mua thì công ty thông báo chưa nhận được tiền. Nhân viên công ty TNHH H.D liên hệ với Kiệt thì đối tượng đã xóa hết các thông tin giao dịch, chặn hết liên lạc. Biết đã bị lừa, bà O nhanh chóng trình báo cơ quan Công an.

Cũng với thủ đoạn tương tự, trước đó, ngày 28-12-2023, chị.T (33 tuổi, ngụ Phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh) làm nghề mua bán sắt thép tại nhà cũng bị lừa đảo với thủ đoạn tương tự, chị đã đặt mua sắt trên mạng qua Zalo của một người đàn ông (tự xưng là Hùng, làm việc ở công ty TNHH C.M.C) 7 tấn sắt với số tiền trên 124 triệu đồng.

Hùng sau đó đã liên lạc với công ty bán sắt thép ở thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương (do chị H làm chủ) đặt mua với số tiền 132 triệu đồng, Hùng chuyển khoản đặt cọc với tiền 15 triệu đồng cho chị H, số tiền còn lại sẽ thanh toán khi nhận hàng.

Sau đó Hùng gửi định vị và yêu cầu nhân viên giao hàng đến cửa hàng của chị T ở Ninh Sơn, sau khi kiểm tra đủ hàng, chị T chuyển khoản thanh toán vào tài khoản của Hùng số tiền 124 triệu đồng. Còn về phía Công ty của chị H, do không nhận được tiền thanh toán từ người mua nên không giao hàng, liên lạc với Hùng không được nên trình báo Công an.

Qua các vụ việc trên cho thấy, thủ đoạn lừa đảo của bọn tội phạm hiện nay đang diễn ra ngày càng phức tạp, vì vậy Công an thành phố Tây Ninh khuyến cáo người dân, cần nêu cao tinh thần cảnh giác:

Người dân khi giao dịch, mua bán trên mạng xã hội cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác như trao đổi trực tiếp và xác thực với chủ công ty bên bán hoặc bên mua.

Người mua khi nhận hàng cần kiểm tra và xác thực lại với nhân viên giao hàng là đã đúng số tài khoản, số điện thoại của công ty, zalo của công ty không rồi mới thực hiện giao dịch. Việc giao dịch qua mạng xã hội bên cạnh sự tiện ích, thì cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, do các đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo, vì vậy người dân cần hết sức thận trọng.

Cạnh đó, người dân khi mua hàng tại những trang website hay các trang mạng xã hội, cần yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin như: tên cửa hàng bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm