Xuất khẩu cá, tôm tăng mạnh ngay đầu năm 2024

(PLO)- Ngay từ tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cá, tôm và các mặt hàng thủy sản của Việt Nam đạt 750 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2023.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay trong tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cá, tôm, các mặt hàng thủy sản của Việt Nam có nhiều khởi sắc.

Mở màn là xuất khẩu tôm với kim ngạch 242 triệu USD, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023. Trong tháng 1, xuất khẩu cá tra Việt Nam cũng đạt 165 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với xuất khẩu cá ngừ, theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tháng 1, xuất khẩu cá ngừ đạt hơn 79 triệu USD, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2023. VASEP cho biết nếu so sánh từ năm 2018 trở lại đây thì doanh số tháng 1-2024 vẫn cao hơn so với mức trung bình hàng năm khoảng 46%.

“Đó thực sự là tín hiệu tích cực cho tháng mở đầu năm mới 2024” - VASEP đánh giá. Ngoài ra, xuất khẩu mực và bạch tuộc cũng đạt 62 triệu USD, tăng 45%; xuất khẩu cua ghẹ và giáp xác khác đạt 16 triệu USD, tăng 22%.

xuất khẩu cá
Ngay từ tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 750 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2023. Nguồn: VASEP

Mặc dù đã có những khởi đầu thuận lợi ngay từ đầu năm 2024, song các doanh nghiệp thủy sản vẫn còn nhiều lo lắng về những khó khăn, thách thức.

Một số doanh nghiệp tôm cho biết đơn hàng đầu năm vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện vì sức mua của thị trường vẫn yếu, lượng tồn kho nhiều, giá mua thấp… Những doanh nghiệp khác có tín hiệu khả quan hơn về đơn hàng thì lo lắng về nguồn nguyên liệu do đang mùa nghịch, lại dịch bệnh nên sản lượng tôm thấp.

Bên cạnh đó, tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ khiến cước vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng đến giá bán và khả năng tiêu thụ.

Theo thông tin từ các doanh nghiệp, trong một tháng qua, tổng cước phí phải trả cho một container hàng vận chuyển đi Bờ Tây đã tăng 70%. Hàng đông lạnh xuất khẩu đi châu Âu đã tăng gần bốn lần. Căng thẳng ở Biển Đỏ cũng khiến thời gian vận chuyển từ châu Á đến châu Âu kéo dài, đăng ký thuê tàu khó khăn khiến việc tồn kho kéo dài, dòng vốn quay vòng chậm, lãi ngân hàng phát sinh nhiều…

Ngoài ra, rào cản về “thẻ vàng IUU” khi xuất khẩu sang thị trường EU vẫn chưa được tháo gỡ, nên doanh nghiệp khi xuất khẩu sang khối thị trường này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm