Là một trong những cơ sở nhiều năm xuất khẩu bánh chưng sang các thị trường như Mỹ, Pháp, Canada… cùng một số quốc gia Châu Á vào mỗi dịp Tết, ông Trần Thanh Toàn, chủ cơ sở bánh chưng Trần Gia (TP Biên Hòa, Đồng Nai), cho biết trong tháng 11, cơ sở đã hoàn tất xuất khẩu các lô bánh chưng phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết của bà con Việt kiều.
Theo ông Toàn, do ảnh hưởng chung của tình hình kinh tế thế giới nên đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu năm nay đạt 60%, trong đó thị trường Châu Á giảm nhiều nhất.
Song song đó, hiện nay tại thị trường nội địa tình hình cũng không khả quan, khó đoán định nên cơ sở vẫn chưa đẩy mạnh sản xuất. Hiện nay nhu cầu đặt hàng của các siêu thị đều giảm 30%-40% so với những năm trước.
“Bên cạnh đó, dù nguyên vật liệu đầu vào sản xuất bánh chưng, bánh tét được cơ sở chủ động nhưng chi phí dịch vụ đầu vào như nhân công, vận chuyển…tăng cao như chi phí giao cho các điểm bán siêu thị tăng gấp đôi. Tuy nhiên, nhằm chia sẻ với người tiêu dùng, giá bán lẻ tăng chưa tới 10%”-ông Toàn nói.
|
Các loại mắm đặc sản gia truyền của công ty Việt Nam có mặt trên kệ siêu thị ở Mỹ. |
Trong khi đó, ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Sông Hương Foods, cho biết cách đây hơn một tuần, một container các loại mắm cà pháo, mắm tôm Bắc, mắm ruốc Huế, mắm ba khía miền Tây,... cùng các loại bánh truyền thống Việt Nam như bánh nậm, bánh lọc theo đường chính ngạch đã có mặt tại Mỹ thông qua nhà phân phối CTWS Group. Nhà phân phối này có hơn 200 điểm bán ở 32 tiểu bang ở Mỹ.
Theo ông Tuấn, trị giá lô hàng này khoảng 200.000 USD. Mắm các loại, bánh nậm, bánh lọc xuất khẩu sang Mỹ hương vị đồng nhất với sản phẩm bán tại thị trường Việt Nam, chỉ có thiết kế bao bì là khác biệt.
Theo ông Tuấn, với mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm đặc sản gia truyền ra thế giới trong đó có thị trường Mỹ. Do đó, đầu năm 2022 công ty truyền thông mạnh mẽ từ việc mời những diễn viên ca sĩ, nghệ sĩ nỗi tiếng, đặc biệt, qua kênh Tiktok TiPiKay cá nhân của mình, đối tác đã tin tưởng chọn hợp tác.
Đồng thời, để nhập chính ngạch vào thị trường Mỹ tất cả các sản phẩm mắm, bánh lọc, bánh nậm phải tuân thủ các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, có giấy chứng nhận của FDA...
Chẳng hạn với mắm tôm chua, thì tôm không có dư lượng kháng sinh, phải có giấy xét nghiệm tôm nguyên liệu không bị nhiễm kháng sinh, tôm tươi phải được tuyển chọn kĩ, thịt chắc, dai…Do đó, từ lúc hai bên kết nối cho đến khi đi được container hàng đầy đủ giấy chứng nhận FDA mất gần sáu tháng.
Ông Tuấn cho biết, sau container hàng nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết của bà con Việt kiều, phía đối tác cho biết sẽ đặt mua cho cả năm theo các ngày lễ ở Mỹ như lễ Tạ ơn, Quốc khánh Mỹ...
“Đặc biệt, đối tác Mỹ rất ưa chuộng các đặc sản gia truyền của chúng tôi và ký kết hợp đồng lâu dài, độc quyền phân phối khắp nước Mỹ với giá trị hợp đồng hàng năm hơn một triệu USD”-ông Tuấn chia sẻ.
Theo ông Tuấn, trước bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng chung. Với sự thành công của chuyến hàng lớn đầu tiên sang thị trường Mỹ tiếp thêm động lực để công ty tiếp tục sản xuất ổn định, phát triển trong thời gian tới.