Xuất khẩu lao động và bẫy chiêu trò “việc nhẹ lương cao”

(PLO)- Lợi dụng tâm lý muốn xuất ngoại nhanh, một số cá nhân, tổ chức không có giấy phép đưa chiêu trò “việc nhẹ lương cao” để bẫy người lao động.

Thời gian qua, một số bạn đọc có thông tin đến Pháp Luật TP.HCM về tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động (XKLĐ). Cụ thể, những người có nhu cầu xuất ngoại làm việc thường có tâm lý muốn đi nhanh, không mất thời gian học ngoại ngữ.

Lợi dụng việc này, một số cá nhân, tổ chức không có chức năng, giấy phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đưa ra đủ chiêu trò để lừa đảo người lao động (NLĐ).

Vẫn chiêu trò “việc nhẹ lương cao”

Chị Thu Hoài (ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị tìm hiểu thông tin trên mạng để đăng ký XKLĐ sang Nhật. Sau khi tìm hiểu, chị có liên hệ với một người tự xưng là chuyên môi giới XKLĐ sang Nhật với công việc là lắp ráp thiết bị điện tử. Chị Hoài cho người môi giới biết về trình độ học vấn thấp, không biết ngoại ngữ nào nên cũng lo lắng.

Công tác tư vấn, phỏng vấn lao động để xuất khẩu lao động đi các nước làm việc ngày càng chặt chẽ, hạn chế rủi ro cho người lao động. Ảnh: P.ĐIỀN

Theo chị Hoài, sau đó người môi giới này cung cấp thông tin cho chị cụ thể về công việc lắp ráp thiết bị điện tử tại Nhật với chi phí rẻ, điều kiện dễ dàng. Chi phí trọn gói là 5.300 USD. Sau khi hoàn thành một số thủ tục giấy tờ, chị cũng được sang Nhật làm việc nhưng công việc thì không như thỏa thuận ban đầu.

72.294 là số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong sáu tháng đầu năm 2023. Dự kiến trong năm nay sẽ có khoảng 110.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Khi sang đến Nhật, họ cho chị làm công việc khác xa thỏa thuận ban đầu, rất cực nhọc. “Do đã đóng tiền nên tôi cũng ráng làm một thời gian, sau đó tìm cách xin về nước. Lỗi cũng do mình không tìm hiểu kỹ, ham chi phí rẻ thì phải chịu thôi” - chị Hoài chia sẻ.

Chị Tuyết Thanh (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết trước đây chị làm công nhân, mức lương cũng đủ sống. Nhưng sau này công ty giải thể nên chị bị thất nghiệp. Do có nhu cầu tìm việc làm, chị lên mạng tìm thông tin. Do có ngoại hình dễ nhìn, biết tiếng Trung nên chị được những người tự xưng là đại diện một công ty XKLĐ giới thiệu làm công việc tiếp thị tại siêu thị ở Singapore.

Những người này thông tin cho chị Thanh về công việc tiếp thị tại siêu thị ở Singapore rất nhẹ nhàng, lương hơn 1.000 USD/tháng, có chỗ ở, bao ăn ngày hai bữa.

“Sang đến nơi, tôi mới biết mình bị lừa vì họ đã giữ hộ chiếu và đưa tôi vào làm một công việc khác. Do ở thế bị động nên tôi phải cố gắng làm việc trong một tháng và sau đó tôi dọa sẽ tố cáo đến cơ quan chức năng thì họ mới trả hộ chiếu cho tôi. Tôi cũng mong mọi người đừng tin vào những thông tin rao tuyển “việc nhẹ lương cao” trên mạng, tránh bị lừa như tôi” - chị Thanh nói.

Cò môi giới tư vấn bất chấp

Chị Ngọc Dung, phụ trách tuyển dụng Chi nhánh Công ty cổ phần XKLĐ và DVTM Biển Đông, chia sẻ quy trình tư vấn, tuyển lao động được công ty xây dựng rất chặt chẽ và phải qua thẩm định của cơ quan quản lý lao động ngoài nước. Đặc biệt, công ty không hứa hẹn, nói quá về mức lương, điều kiện làm việc để sau này NLĐ không hụt hẫng, bỏ trốn ra ngoài làm việc, vi phạm pháp luật nước sở tại. Do đó, quá trình tư vấn phải rõ ràng để NLĐ định hướng có nên xuất ngoại hay không. Về ngoại ngữ, đối với thị trường Nhật Bản, ứng viên học tiếng khoảng sáu tháng chứ không thể đốt cháy giai đoạn.

Đại diện một công ty XKLĐ tại TP.HCM cho biết tâm lý chung của NLĐ là muốn đi nhanh, không muốn thi tuyển, muốn “việc nhẹ lương cao”. Lợi dụng tâm lý này, các cò môi giới đã tư vấn bất chấp cho người muốn đi XKLĐ. Chiêu trò phổ biến là thông báo không cần thi tuyển, tiến cử…, nghĩa là chỉ cần gửi hồ sơ là báo đậu, đóng phí và chờ bay thôi.

NLĐ do muốn đi nhanh nên nghe tiến cử là đăng ký và đóng tiền ngay. Tuy nhiên, sau một thời gian, cò môi giới lật mặt, thông báo phía công ty tiếp nhận ở nước ngoài có vấn đề và hủy tuyển dụng. Sau đó, cò môi giới ôm tiền bỏ trốn.

Chị Dung chia sẻ có không ít NLĐ rơi vào tình thế đã rồi, do cò môi giới tư vấn ẩu, bất chấp, miễn là gom được người và thu tiền. Họ tư vấn không đúng ngành nghề, nói sai về công việc, mức lương… NLĐ khi xuất ngoại rồi mới bị sốc do công việc hoàn toàn không giống như được tư vấn.

Không đăng ký với bất kỳ tổ chức môi giới nào

Đây là khuyến cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước đối với chương trình lao động thời vụ tại Hàn Quốc. Chương trình này đang thu hút lao động Việt Nam sang làm việc tại các nông trại tại Hàn Quốc, do công việc phù hợp với NLĐ Việt Nam.

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, đánh giá công tác quản lý hoạt động đưa lao động đi làm việc ở các nước rất chặt chẽ. Tuy nhiên, các cá nhân, tổ chức không có giấy phép thường lợi dụng tâm lý muốn đi nhanh của NLĐ để chiêu dụ, thu tiền bất hợp pháp.

Chương trình thí điểm đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc là theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước. Đây là chương trình hợp tác phi lợi nhuận nên UBND tỉnh hoặc cơ quan được ủy quyền trao đổi và ký kết thỏa thuận hợp tác về đưa NLĐ đi làm việc tại Hàn Quốc, chứ không giao cho doanh nghiệp thực hiện.

Đối tượng là NLĐ trong độ tuổi 30-55, cư trú dài hạn tại tỉnh có ký thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc. Chương trình này được trả lương theo mức lương tối thiểu hằng năm của Hàn Quốc. Lương tối thiểu năm 2023 là 2.010.580 KRW/tháng, tương đương hơn 36 triệu đồng/tháng.

NLĐ được hưởng các chế độ về thời gian làm việc, nghỉ ngơi; điều kiện làm việc, ăn ở, sinh hoạt, bảo hiểm, chi phí khám chữa bệnh theo quy định của Hàn Quốc và được địa phương của Hàn Quốc hỗ trợ một phần tiền mua vé máy bay khứ hồi...

Cũng theo ông Nguyễn Gia Liêm, NLĐ có nhu cầu đi XKLĐ phải tìm hiểu xem doanh nghiệp đó có được cấp giấy phép đưa lao động đi nước ngoài hay không. Các khoản thu phí phải minh bạch, rõ ràng, đóng dấu công ty chứ không thể là giấy viết tay hay biên nhận. NLĐ có nhu cầu tìm hiểu thì liên hệ với Sở LĐ-TB&XH nơi cư trú, tuyệt đối không đăng ký với bất kỳ cá nhân, tổ chức môi giới nào.

PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới