Sáng 19-10, tại Lữ đoàn 125 (Bộ tư lệnh Vùng 2 hải quân), Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển TP.HCM tổ chức họp mặt kỷ niệm 63 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 – 23/10/2024).
63 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển
Tham dự có Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Đức, nguyên thuyền trưởng tàu không số, Chủ tịch Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển TP.HCM; Phó Đô đốc Trần Thanh Huyền, nguyên Chính ủy Quân chủng Hải quân; đại tá Lê Bá Quân, Tư lệnh Vùng 2 Hải quân ... cùng nhiều cựu chiến binh là hội viên Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển.
Trước đó, các đại biểu đã cùng dâng hoa, dâng hương tại Tượng đài và đền tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Đoàn tàu không số, tưởng nhớ các liệt sĩ hi sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
Tại buổi họp mặt, Thượng tá Bùi Xuân Thu, Phó Chủ tịch Hội truyền thống đường HCM trên biển TP.HCM ôn lại truyền thống cách đây 63 năm trước.
Ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập lực lượng vận tải quân sự đường biển mang tên Đoàn 759 với nhiệm vụ: mở đường chiến lược trên biển Đông, vận chuyển vũ khí, phương tiện, trang bị kỹ thuật và cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.
Ngay sau khi được thành lập, Đoàn 759 đã nhanh chóng sắp xếp biên chế lực lượng, tổ chức trinh sát thăm dò luồng lạch, bến bãi, xác định tuyến vận chuyển... Sau một thời gian chuẩn bị, đêm ngày năm 1962, chiếc thuyền vỏ gỗ gắn máy cùng bảy thuỷ thủ lặng lẽ rời bến Nhật Lệ (Quảng Bình) tiến về phía Nam. Sau tám ngày đêm tàu cập bến Vàm Lũng (Cà Mau), ngày 1-8-1962 đã trở về miền Bắc an toàn.
Từ kết quả này, Quân ủy Trung ương đã ra Nghị quyết về vận tải đường biển chi viện cho chiến trường Miền Nam. Đêm 11-10-1962, tàu vỏ gỗ mang mật danh “Phương Đông 1” chở hơn 30 tấn vũ khí đầu tiên rời bến Đồ Sơn – Hải Phòng đi Cà Mau. Sau chín ngày trên biển, tàu cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn, đánh dấu một sự kiện quan trọng “Tuyến vận tải chiến lược trên biển đã được mở”.
14 năm kiên gan, bền trí
Những năm tháng tiếp theo, Đoàn 759 đã tổ chức thành công hàng chục tàu vận tải nhỏ, trang bị thô sơ, vượt qua muôn vàn khó khăn vật lộn với sóng to gió lớn của biển cả và sự truy lùng gắt gao của địch, chuyên chở vũ khí cho các chiến trường Nam Bộ để quân dân các địa phương đẩy mạnh tiến công quân sự, kết hợp với nổi dậy phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng, đồng thời khẳng định phương thức vận chuyển đường biển là tối ưu và hiệu quả nhất. Đầu năm 1964, Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ vận chuyển bằng đường biển cho Quân chủng Hải quân, đồng thời ra quyết định đổi phiên hiệu Đoàn 759 thành Đoàn 125.
"Kể từ buổi ban đầu đi tìm đường mở lối, trải qua 14 năm vận chuyển thắng lợi là 14 năm kiên gan, bền trí của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125, con đường vận chuyển trên biển mang tên Bác Hồ kính yêu đã trở thành một kì tích, huyền thoại có một không hai trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, là một trong tám chiến công tiêu biểu của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng", Thượng tá Bùi Xuân Thu phát biểu.
Cũng tại buổi họp mặt, Đại tá Phạm Minh Chiến, Chính ủy Lữ đoàn 125 xúc động bày tỏ: “Hôm nay có thể nói là một ngày đặc biệt và là dấu ấn bởi đã tròn 15 năm kể từ tháng 5-2009, Lữ đoàn 125 chuyển từ nơi đóng quân tạm thời ở Căn cứ 696 – Đại Phước, Nhơn Trạch, Đồng Nai về đóng quân chính thức tại Phường Cát Lái, thành phố Thủ Đức, TP.HCM). Đây là năm đầu tiên Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển TP.HCM tổ chức gặp mặt tại Lữ đoàn với mong muốn tất cả các Hội viên được trở về với đơn vị “Ngôi nhà chung Đoàn 759 – Đoàn tàu không số năm xưa – Lữ đoàn 125 ngày nay”.
“Các bác, các cô, chú, anh chị luôn là nguồn động lực, là điểm tựa và là chỗ dựa tinh thần vững chắc để cho mỗi cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn có thêm ý chí, nghị lực vươn lên, khắc phục khó khăn, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ. Góp phần cùng với các lực lượng trong vùng 2, quân chủng hải quân bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”, Đại tá Phạm Minh Chiến chia sẻ.
Nhân dịp này, các hội viên cũng có dịp ôn lại những kỷ niệm của mình với những năm tháng phục vụ tại Lữ đoàn 125 thông qua những hình ảnh, hiện vật trưng bày tại Nhà truyền thống Lữ đoàn 125.
Thiếu tá Trần Hữu Bình, máy 1, tàu Trường Sa 04 nhớ lại: Khoảng năm 1997, đang trên đường thực hiện nhiệm vụ, tàu phát hiện và cứu hộ một ngư dân đang trôi trên biển khoảng 1 tuần. Ngư dân này kể lại, tàu đi câu mực, các ngư dân thả thúng xuống biển rồi mỗi người một thúng đi câu. Tuy nhiên, gặp sóng lớn, mỗi thúng trôi dạt một phương. Ông may mắn gặp được tàu TS04 nên được cứu, sau đó tàu TS04 cũng gặp được chiếc tàu của chính ngư dân này nên kéo về bờ luôn. "Ông ấy nằm cùng phòng tôi cả tháng trời mới vào bờ đấy", thiếu tá Bình kể lại.
Tuy không còn tham gia các chuyến hải trình cùng Lữ đoàn 125, nhiều hội viên tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng những câu chuyện huyền thoại về lòng dũng cảm, mưu trí, về ý chí cách mạng của những người lính hải quân trên đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn có sức thu hút mãnh liệt cho thế hệ trẻ ngày nay.