Đường Hồ Chí Minh trên biển: Huyền thoại những con tàu không số vượt trùng khơi

Ngày 31-10, tại huyện Thạnh Phú, Tỉnh ủy Bến Tre phối hợp cùng Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Lữ đoàn 125  tổ chức Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 60 năm đường Hồ Chí Minh trên biển (1961 - 2021), “Đoàn tàu không số” và 75 năm  thực hiện chuyến vượt biển ra Bắc đầu tiên (1946 - 2021).

Dâng hương tại khu di tích đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre. Ảnh: ĐH

Hội thảo với chủ đề “Phát huy tinh thần tiên phong mở đường, mở bến đường Hồ Chí Minh trên biển, phát triển Bến Tre về hướng Đông”. Các đại biểu đã khẳng định, mở đường Hồ Chí Minh trên biển là chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; Con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển - Giá trị và bài học lịch sử….

Đại tá, PGS, TS. Dương Hồng Anh - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam khẳng định, việc mở tuyến vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện vũ khí, trang bị cho chiến trường miền Nam là một kỳ tích, thể hiện sự độc đáo và sáng tạo của đường lối chiến tranh nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. 

“Trong nhiều bến của Đường Hồ Chí Minh trên biển, bến Bến Tre tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú có vị trí quan trọng. Đây là nơi đứng chân chủ yếu của Ban Chỉ huy Đoàn 962 với nhiệm vụ lãnh đạo, điều hành mọi hoạt động của đơn vị từ Cà Mau đến Bà Rịa; vừa là bến tiếp nhận, trạm trung chuyển quan trọng của tuyến vận chuyển chiến lược, vừa làm nhiệm vụ đầu mối cấp phát vũ khí, trang bị cho lực lượng chiến đấu của Quân khu 8 và tỉnh Bến Tre” – Đại tá Dương Hồng Anh nói. 

Thiếu tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Đức - nguyên Thuyền trưởng tàu không số. Ảnh: ĐH

Theo Thiếu tướng Đoàn Thanh Xuân, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 9, có rất nhiều bài học lịch sử từ con đường huyền thoại này. Bài học lịch sử quan trọng nhất là về tầm nhìn chiến lược, về nhận định, đánh giá đúng tình hình để ra quyết định chiến lược; tài thao lược, bản lĩnh, quyết tâm, lòng trung thành vào lý tưởng cách mạng nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn ác liệt, gian khổ… để vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Là một cán bộ tham gia từ ngày mở đường trinh sát từ Nam ra Bắc, cũng là thành viên của Đoàn 759, sau đó là Đoàn 125 Hải quân, đi suốt cuộc hành trình trên biển Đông trên những con tàu “không số” Thiếu tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Đức  - nguyên Thuyền trưởng tàu không số chia sẻ những kỷ niệm về hàng chục chuyến vượt biển đưa vũ khí vào Nam.

Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Đức, dù thời tiết gió, bão rất khắc nghiệt nhưng cán bộ, chiến sĩ của đơn vị rất dũng cảm, quyết tâm vượt qua, kể cả hy sinh mạng sống của mình cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phát biểu tại hội thảo, Bí Thư Tỉnh ủy Bến Tre, Lê Đức Thọ nhấn mạnh, ngày nay kế thừa và phát huy những giá trị trong kháng chiến, truyền thống “mở đường” đường Hồ Chí Minh trên biển”, Bến Tre luôn xác định kinh tế biển là một trong những bước đột phá góp phần đưa địa phương phát triển ngang bằng với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: ĐH

"Bến Tre nằm cuối nguồn sông Cửu Long với lợi thế bờ biển dài 65 km đã tạo lợi thế lớn trong phát triển kinh tế biển. Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Bến Tre đặt trọng tâm phát triển về hướng Đông gắn với củng cố quốc phòng - an ninh, thúc đẩy liên kết, kết nối khu vực qua tuyến động lực ven biển, mở ra không gian phát triển của tỉnh và toàn vùng; hình thành khu kinh tế ven biển với những ngành, lĩnh vực đột phá như năng lượng sạch, công nghiệp chế biến - chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, cảng biển - logistics, khu đô thị, điện gió, dịch vụ, du lịch..."- Bí Thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ nói. 

Cũng theo Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre, trong tương lai khi tuyến đường bộ ven biển hoàn thành sẽ kết nối giao thông từ TP.HCM qua Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng tạo động lực đột phá cho phát triển tỉnh Bến Tre, thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả khai thác tiềm năng kinh tế biển.

Vài nét về con đường huyền thoại

Cách nay 75 năm, trong kháng chiến chống Pháp, từ vùng ven biển xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, đầu năm 1946, theo sự chỉ đạo của Khu ủy, Tỉnh ủy Bến Tre đã tổ chức thành công chuyến vượt biển đầu tiên đưa đoàn cán bộ Khu 8 ra miền Bắc báo cáo với Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình kháng chiến ở Nam Bộ, đồng thời xin Trung ương chi viện vũ khí cho miền Nam.

Đến giữa năm 1946, theo lệnh của Trung ương, nữ tướng Nguyễn Thị Định là thuyền trưởng đã chỉ huy con tàu không số đã vượt trùng dương từ Phú Yên mang chuyến hàng quân sự đầu tiên từ miền Bắc về đến Bến Tre khoảng giữa tháng 12-1946 giao cho Khu 8.

Từ sau Đồng khởi 1960, trong thế phát triển của lực lượng và phong trào cách mạng toàn miền Nam nói chung, chiến trường Bến Tre nói riêng, yêu cầu về vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang chiến đấu trở thành bức thiết. Chấp hành chủ trương của Trung ương, chỉ đạo của Quân khu, đầu tháng 6-1961, Tỉnh ủy Bến Tre đã tổ chức 2 chuyến vượt biển ra Bắc. 

Để cất giấu, bảo quản, trung chuyển vũ khí đi khắp các chiến trường miền Nam, Bến A101 được thành lập, ký hiệu là B3 thuộc Trung đoàn 962, nay là Lữ đoàn 125 và đây cũng được chọn là nơi đặt trụ sở chỉ huy. 

Từ năm 1961 đến tháng 4-1975, đường Hồ Chí Minh trên biển đã vận chuyển 1.355 chuyến tàu vào bến Khu 5, Khu 8 và Khu 9, được 99.827 tấn vũ khí, đạn dược, hàng hoá cùng với hơn 30.000 cán bộ, chiến sĩ chi viện cho quân và dân miền Nam đánh Mỹ. Trong đó, bến ở tỉnh Bến Tre từ tháng 6-1963 đến 30-4-1975 đã tiếp nhận và trung chuyển 28 chuyến tàu với 1.386 tấn vũ khí, đạn dược và hàng hóa an toàn đến các chiến trường. Với các chiến công này, ngày 22-11-2011, đơn vị A101 (Bến - Bến Tre) được tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.



Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm