Xung đột Israel-Hamasngày qua tiếp tục leo thang nguy hiểm. Nhiều trường học ở phía bắc Dải Gaza trúng không kích gây nhiều thương vong. Bệnh viện lớn nhất Gaza là Al-Shifa khẩn trương sơ tán người. Cơ quan Liên Hợp Quốc (LHQ) về người tị nạn Palestine (UNRWA) cảnh báo hiện không nơi nào ở Gaza an toàn.
Hai trường học ở bắc Gaza trúng không kích, thương vong rất nhiều
Ngày 18-11, trường học al-Fakhoora (do UNRWA điều hành) ở trại tị nạn Jabalia và một trường học khác ở trại tị nạn Tal al-Zaatar (2 trại đều ở bắc Gaza) bị trúng không kích mà phía Hamas cho do Israel làm.
Theo đài Al Jazeera, ngày 18-11, Bộ Y tế Palestine cho biết rằng ít nhất 50 người đã thiệt mạng riêng trong vụ trường al-Fakhoora trúng không kích, hàng trăm người bị thương.
Trong khi đó phóng viên Hani Mahmoud của đài Al Jazeera đưa tin chưa thể kiểm chứng rằng “gần 200 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công này và con số này dự kiến sẽ còn tăng lên vì còn rất nhiều người nằm dưới đống đổ nát".
Trại tị nạn Jabalia trở thành mục tiêu của các cuộc không kích trong nhiều tuần qua, khi Israel tuyên bố đây là nơi ẩn nấp của các chiến binh Hamas.
. Ở một diễn biến khác, Bộ trưởng Quốc phòng Israel - ông Yoav Gallant cho biết lực lượng Israel đã bắt đầu hoạt động ở phía đông thành phố Gaza trong khi vẫn đóng quân ở các khu vực phía tây.
Bệnh viện Al-Shifa khẩn trương sơ tán bệnh nhân, nhân viên
Sau khi hứng không kích, bệnh viện Al-Shifa (bệnh viện lớn nhất Gaza) đã phải khẩn trương sơ tán bệnh nhân, nhân viên, và dân thường trú ẩn ở đây.
Phía Palestine cáo buộc quân đội Israel đã cưỡng bức sơ tán nhân viên, bệnh nhân và người dân khỏi bệnh viện.
Phía Israel phủ nhận, nói rằng việc sơ tán là tự nguyện. Phát ngôn viên Lực lượng Phòng vệ Israel - Chuẩn đô đốc Daniel Hagari cho biết Israel đã mở hành lang an toàn cho dân thường trong bệnh viện đi về phía nam, theo yêu cầu của giám đốc bệnh viện.
"Không nơi nào ở Gaza an toàn"
Ngày 18-11, Bộ Ngoại giao Qatar lên án hành động bắn phá mới của Israel vào trường al-Fakhoora, đồng thời kêu gọi “một cuộc điều tra quốc tế khẩn cấp và độc lập để điều tra việc Israel nhắm mục tiêu vào các trường học và bệnh viện ở Gaza”.
Chia sẻ với Al Jazeera, phát ngôn viên UNRWA - bà Tamara Alrifai nói rằng bà đã xem đoạn phim “tàn khốc” về vụ trại Jabalia trúng không kích, nhưng không thể thiết lập liên lạc trực tiếp với các đồng nghiệp của bà tại khu vực đó.
“Tôi vẫn đang chờ báo cáo trực tiếp từ các đồng nghiệp của tôi ở Gaza nhưng những gì chúng tôi đang thấy là một trong những sự cố kinh hoàng, nơi thường dân, những người tìm nơi trú ẩn trong một tòa nhà được LHQ bảo vệ, đang phải trả giá” - bà nói.
Theo bà Alrifai, hơn một nửa trong số 2,3 triệu dân của Dải Gaza đã bị buộc phải di tản về phía nam sau khi Israel yêu cầu sơ tán.
“Nhiều người ở lại phía bắc đã đến trú lại trường UNRWA vì họ nghĩ rằng họ sẽ có được một chút an toàn ở đó, nhưng không nơi nào ở Gaza bây giờ là an toàn cả, kể cả trường học của chúng tôi. Thật không may, mọi người bỏ chạy vào các tòa nhà của chúng tôi để tìm kiếm sự bảo vệ, nhưng 70 tòa nhà của chúng tôi đã bị tấn công. Chính chúng tôi cũng không được bảo vệ” - bà nhấn mạnh.
Bà Alrifai cho biết ngoại trừ vụ tấn công nói trên, 66 người đã được xác nhận thiệt mạng khi đang trú ẩn tại các cơ sở do LHQ điều hành.
Người biểu tình ủng hộ Palestine tuần hành nhiều nơi ở châu Âu
Ngày 18-11, hàng nghìn người biểu tình ở nhiều thành phố khắp châu Âu yêu cầu ngừng bắn ở Dải Gaza, Al Jazeera đưa tin.
4.000 người đã tuần hành ở Geneva, thắp nến trưng bày dưới dạng bản đồ Dải Gaza trước trụ sở LHQ ở châu Âu, mang biểu ngữ lớn có nội dung “ngăn chặn nạn diệt chủng ở Dải Gaza” và hô to “Palestine tự do!”.
Tổng liên đoàn lao động Pháp (CGT) ước tính có 60.000 người đã biểu tình ở thủ đô Paris và hơn 40.000 người ở hàng chục thị trấn khác trên khắp đất nước.
Hàng chục nghìn người tuần hành trong mưa ở Paris với biểu ngữ có nội dung: “Hãy dừng vụ thảm sát ở Dải Gaza và Bờ Tây, ngừng bắn ngay lập tức”.
Tại Anh, đám đông biểu tình cũng giương cao những tấm biểu ngữ có dòng chữ "chấm dứt chiến tranh ở Gaza".
Ngày 18-11, cảnh sát London cho biết họ đã thực hiện 386 vụ bắt giữ kể từ khi xung đột Israel-Hamas bùng phát ngày 7-10.
Theo hãng tin AFP, thể hiện sự ủng hộ đối với Hamas là một hành vi phạm tội ở Anh vì Anh xem tổ chức này là một nhóm khủng bố.