Xung đột Nga - Ukraine kéo dài gần 450 ngày và theo báo cáo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ, OHCHR) ngày 15-5 thì đã có tới gần 8.900 thường dân thiệt mạng, gần 15.000 người bị thương ở Ukraine.
Đã quá nhiều người chết
Theo báo cáo của OHCHR, hầu hết thương vong dân thường được ghi nhận do các loại vũ khí nổ có tầm sát thương rộng như pháo kích từ pháo hạng nặng và hệ thống phóng tên lửa đa nòng, tên lửa và không kích. Thương vong nhiều nhất là ở hai tỉnh Donetsk và Luhansk (hơn 4.600 người chết, hơn 7.000 người bị thương). Hai tỉnh thuộc vùng Donbass ở miền Đông Ukraine này đã và đang là những nơi giao tranh ác liệt nhất.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết ông có các cuộc điện đàm riêng với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào cuối tuần qua và hai lãnh đạo này đã đồng ý tiếp nguyên thủ sáu nước châu Phi. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và Liên minh châu Phi (AU) hoan nghênh sáng kiến can thiệp hòa giải của sáu nước châu Phi.
Các con số thật khả năng còn cao hơn vì tình hình xung đột nguy hiểm làm chậm trễ việc thu thập chính xác số người chết. Số liệu thương vong dân thường từ các TP Mariupol (tỉnh Donetsk), Lysychansk, Popasna và Sievierodonetsk (tỉnh Luhansk) vẫn chưa thể thu thập đầy đủ, theo OHCHR.
Về nhân đạo, LHQ báo động nguy hiểm rằng các đội nhóm nhân đạo của LHQ không thể tiếp cận nhiều khu vực của Ukraine, đặc biệt các tỉnh giao tranh dữ dội như Donetsk, Luhansk, Kherson, Zaporizhia.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ gần đây, ông Martin Griffiths, Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo và là điều phối viên cứu trợ khẩn cấp tại LHQ, cho biết: “Nhiều cộng đồng dọc biên giới phía Đông Bắc với Nga và gần tiền tuyến bị bao vây, bị cắt nước, lương thực và chăm sóc y tế do giao tranh ác liệt và đường sá bị phong tỏa”.
Theo ông Griffiths, các đoàn xe liên ngành đặc biệt gặp khó khăn, không thể hỗ trợ nhân đạo cho người dân ở các tỉnh giao tranh nặng nề như Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhia.
“Theo luật nhân đạo quốc tế, tất cả các bên phải cho phép và tạo điều kiện cho hoạt động cứu trợ nhân đạo nhanh chóng, không bị cản trở dành cho dân thường gặp khó khăn và phải đảm bảo rằng các nhân viên có quyền tự do di chuyển cần thiết cho công việc của họ” - đài Al Jazeera dẫn ông Griffiths kêu gọi các bên mở hành lang an toàn cho các đoàn cứu trợ nhân đạo tiếp cận các TP Ukraine.
Lực lượng cứu hộ đưa thi thể dân thường ra khỏi tòa chung cư ở thị trấn Uman, tỉnh Cherkasy (Ukraine) bị trúng tên lửa ngày 28-4. Ảnh: REUTERS |
Chừng nào có hòa bình?
Trong bối cảnh này, hòa bình cho Ukraine là điều cấp thiết. Các động thái từ các nước nhằm thúc đẩy hòa đàm Nga - Ukraine đang dấy lên hy vọng.
Chuyến đi của đặc phái viên Trung Quốc (TQ) Lý Huy đến Ukraine, Ba Lan, Pháp, Đức và Nga trong tuần này được chú ý. Theo Bộ Ngoại giao TQ, sứ mệnh của ông Lý Huy, đại diện đặc biệt của TQ về các vấn đề Á - Âu, là để đàm phán “về một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine”.
Hãng tin AFP dẫn lời Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa ngày 16-5 cho biết lãnh đạo sáu nước châu Phi (Nam Phi, Zambia, Senegal, Cộng hòa Congo, Uganda, Ai Cập) có kế hoạch tới Nga và Ukraine “càng sớm càng tốt” để hỗ trợ hai nước tìm giải pháp cho cuộc xung đột.
Tuy nhiên theo nhiều nhà quan sát, viễn cảnh đạt được hòa bình lúc này rất khó, khi xét về diễn biến trên chiến trường và cả các động thái ngoại giao.
Trên chiến trường, hai bên vẫn quyết liệt giao tranh, đặc biệt Ukraine rất tích cực, có thắng thế và đang tính toán phản công. Ở mặt trận Bakhmut (tỉnh Donetsk), nơi giao tranh diễn ra ác liệt trong chín tháng qua giữa các lực lượng Ukraine và lính đánh thuê Wagner, Ukraine đã giành được nhiều lợi thế hơn từ cuối tuần qua. Hãng tin Reuters dẫn lời Chỉ huy lực lượng bộ binh Ukraine - Đại tướng Oleksandr Syrskyi đầu tuần này nói rằng “việc bảo vệ Bakhmut vẫn tiếp tục và những ngày gần đây cho thấy Ukraine có thể tiến lên và chống lại các lực lượng Nga ở đó”.
Trong khi đó, tuần này Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa hoàn tất chuyến công du con thoi chóng vánh qua bốn nước châu Âu (Ý, Đức, Pháp, Anh) chỉ trong ba ngày (từ ngày 13 đến 15-5), theo Reuters. Đây được xem là chuyến đi thành công với ông Zelensky ở phương diện kêu gọi hỗ trợ quân sự.
Đức công bố gói viện trợ vũ khí 2,7 tỉ euro (2,95 tỉ USD) cho Ukraine, gói viện trợ lớn nhất của Đức cho Ukraine kể từ đầu xung đột. Anh hứa sẽ gửi hàng trăm tên lửa phòng không và máy bay không người lái (UAV) tấn công tầm xa với tầm bắn hơn 200 km tới Ukraine trong vài tháng tới để chuẩn bị cho cuộc phản công của Ukraine. Pháp hứa sẽ gửi thêm hàng chục xe tăng hạng nhẹ, xe bọc thép, hệ thống phòng không trong vài tuần tới. Pháp cũng sẽ huấn luyện khoảng 2.000 lính Ukraine tại Pháp và gần 4.000 lính Ukraine tại Ba Lan trong năm nay. Ý hứa sẽ hỗ trợ Ukraine đầy đủ về quân sự, tài chính, nhân đạo và tái thiết trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn.
Cũng theo Reuters, nhiều nước phương Tây như Anh, Hà Lan đang tính toán lập liên minh để gửi máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine. Có thông tin tại thượng đỉnh G7 cuối tuần này ở Nhật, các lãnh đạo nhóm sẽ bàn sâu thêm về hỗ trợ Ukraine và cả siết thêm trừng phạt Nga. Theo giới quan sát, các động thái ủng hộ từ phương Tây cho Ukraine thời điểm này cho thấy cuộc xung đột đang ở giai đoạn quan trọng, trong bối cảnh Ukraine đang tích cực chuẩn bị cho chiến dịch phản công.
Từ phía Nga, tới thời điểm này, Moscow vẫn chưa lên tiếng về khả năng hòa đàm. Về diễn biến các nước châu Âu tăng hỗ trợ Ukraine, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo điều này sẽ “dẫn đến sự hủy diệt hơn nữa, dẫn đến các hành động trả đũa tiếp theo… gây khó khăn hơn nhiều đối với Ukraine”.•
IAEA lo lắng an toàn Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia
Theo Reuters ngày 12-5, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi có kế hoạch trình bày trước Hội đồng Bảo an LHQ trong tháng này một thỏa thuận với Nga và Ukraine về việc bảo vệ Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine mà Nga đang kiểm soát.
Nga và Ukraine đổ lỗi nhau về các vụ pháo kích liên tục làm đứt các đường dây điện quan trọng để làm mát các lò phản ứng và ngăn chặn sự tan chảy hạt nhân. Với việc Ukraine đang chuẩn bị phản công trong khu vực, có nguy cơ giao tranh gần Nhà máy Zaporizhzhia và sáu lò phản ứng của nhà máy sẽ gia tăng.
Ông Grossi nhiều lần cảnh báo về nguy cơ xảy ra tai nạn nghiêm trọng tại nhà máy và cần phải hành động khẩn cấp để bảo vệ. Tổng giám đốc IAEA đã cố gắng trong nhiều tháng để tìm kiếm một thỏa thuận nhằm giảm nguy cơ xảy ra tai nạn hạt nhân thảm khốc do hoạt động quân sự như pháo kích vào nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu này.