Ngày 24-3, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM bác kháng cáo, y án tử hình đối với Hồ Duy Trúc, kẻ cầm đầu vụ chặt tay cướp SH gây chấn động dư luận thời gian qua. Khác với phiên sơ thẩm, lần này Trúc bật khóc khi nghe tòa tuyên giữ nguyên án tử.
Nỗi ân hận muộn màng
Trước tòa, Trúc thừa nhận tham gia 15 vụ cướp tại TP.HCM và hai vụ cướp tại Ninh Thuận. Trong các vụ cướp, cả nhóm dùng mã tấu dài “chém đại” vào tay, mặt, hông... các nạn nhân, lấy tài sản xong rồi bỏ mặc các nạn nhân đau đớn nằm đó... Trúc cũng thừa nhận đã trực tiếp chém gần đứt lìa tay nạn nhân NTNT để cướp xe SH tại cầu Phú Mỹ…
Trúc cho rằng mức án tử hình tòa sơ thẩm tuyên quá nặng, bị cáo đang có con nhỏ. Trúc còn nói sau phiên sơ thẩm, gia đình Trúc đã gửi 20 triệu đồng cho nạn nhân T. và được chị kháng cáo xin giảm án. Chủ tọa hỏi chuyện dư luận râm ran rằng gia đình bị cáo gây áp lực nên nạn nhân mới viết đơn xin giảm án và không dám có mặt tại phiên tòa. Trúc im lặng.
Nói lời sau cùng, Trúc xin tòa cho phép được gặp cha mẹ rồi ngoái đầu xuống dưới tìm nhưng không thấy người thân nào (gia đình Trúc không được vào phòng xử vì không có giấy triệu tập). Trúc xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt để Trúc có cơ hội được làm lại từ đầu, trở thành công dân có ích. Hai đồng phạm của Trúc là Sơn, Tuyền cũng đề nghị tòa xem xét giảm án cho Trúc để Trúc có cơ hội trở về nuôi con.
Bị cáo Hồ Duy Trúc tại phiên phúc thẩm. Ảnh: H.YẾN
Phần bị cáo Luông (tham gia 14 vụ cướp) thì cho rằng bản án chung thân tòa sơ thẩm tuyên đối với mình là nặng, bị cáo đang có hai con nhỏ. Ngoài ra, bị cáo còn cho rằng mình thành khẩn khai báo, gia đình có công nên xin tòa xem xét giảm án.
Theo luật sư của Trúc, Trúc có hoàn cảnh rất khó khăn, chị gái có chồng phải đi bán thận dẫn đến thiệt mạng. Hiện con nhỏ của Trúc đang được cha mẹ nuôi, Trúc là con trai duy nhất trong nhà. Luật sư cũng nhận thấy mức án sơ thẩm là thỏa đáng. Tuy nhiên, sau khi vụ việc xảy ra, gia đình Trúc đã cố gắng chạy vạy bồi thường cho gia đình nạn nhân, không có sự ép buộc hay đe dọa nào. Ngoài ra, luật sư cho rằng Trúc bị rủ rê và thiếu sự kiểm soát của gia đình nên phạm tội. Vì thế, luật sư mong tòa giảm án để cha con Trúc có cơ hội nhìn mặt nhau...
Trong khi đó, đại diện VKS đề nghị tòa bác lời bào chữa của luật sư, giữ nguyên mức án sơ thẩm.
“Gây án chuyên nghiệp, mất nhân tính”
Theo tòa phúc thẩm, lời nhận tội của Trúc, Luông, Sơn, Tuyền phù hợp với các bị cáo khác, các nhân chứng và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ nên việc tòa sơ thẩm xử bốn bị cáo về tội cướp tài sản là đúng người, đúng tội.
Theo tòa, vụ án này đặc biệt nghiêm trọng, gây tâm lý hoang mang cho người dân, gây mất an ninh trật tự trên diện rộng. Trong đó, Trúc là kẻ giữ vai trò chính. Trúc đã cùng đồng bọn dùng xe máy đi chém người, cướp tài sản khi trời tối ở đoạn đường vắng với thủ đoạn “chém trước cướp sau”. Đặc biệt, vụ “chặt tay cướp xe SH” cho thấy Trúc phạm tội chuyên nghiệp, có tính chất côn đồ, dùng phương tiện, thủ đoạn nguy hiểm, phạm tội nhiều lần, quyết tâm phạm tội cao, không còn khả năng cải tạo. Hành vi phạm tội của Trúc quá man rợ, gây hoang mang dư luận, cần áp dụng hình phạt nặng nhất như án sơ thẩm đã tuyên.
Cũng theo tòa, giấy khai sinh con của vợ Trúc không ghi tên cha là Trúc nên tòa không xem xét, mặt khác đây cũng không phải là tình tiết giảm nhẹ theo luật. Với tình tiết gia đình Trúc đã bồi thường 20 triệu đồng cho nạn nhân, tòa cũng không thể xem xét để giảm án. Từ đó, tòa đã bác kháng cáo của Trúc, tổng hợp hình phạt với hai bản án cướp tài sản ở Ninh Thuận và tuyên Trúc án tử hình.
Tương tự, tòa xét bị cáo Luông vô cảm với nỗi đau của người khác, phạm tội liên tục và nguy hiểm nên y án tù chung thân. Hai bị cáo Tuyền và Sơn là đồng phạm, hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nên tòa cũng y án 12 năm tù và 18 năm tù.
HOÀNG YẾN
Tóm tắt vụ án Băng cướp do Trúc cầm đầu đã gây ra 15 vụ cướp ở TP.HCM, chiếm đoạt 15 xe máy cùng tiền, vàng, điện thoại…, tổng giá trị 610 triệu đồng. Băng này luôn “chém trước cướp sau”, trong đó có vụ chặt gần đứt lìa tay chị T. để cướp xe SH dưới chân cầu Phú Mỹ (dù bàn tay được nối lại nhưng chị T. vẫn bị thương tật vĩnh viễn 47%). Tại phiên sơ thẩm hồi tháng 12-2013, TAND TP.HCM phạt Trúc án tử hình, Luông án tù chung thân, Nguyễn Hoàng Phương 20 năm tù, các đồng phạm khác từ 12 năm tù đến 18 năm tù về tội cướp tài sản. Một số bị cáo khác bị phạt tù về các tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Sau đó Trúc, Luông, Sơn, Tuyền kháng cáo xin giảm án; chị T. cũng kháng cáo xin giảm án cho Trúc. Ngày 25-2-2014, TAND tỉnh Ninh Thuận xử phúc thẩm vụ dùng mã tấu chém người đi đường cướp xe máy do Trúc và Phương thực hiện trước khi vào TP.HCM và y án bảy năm tù với Trúc, Phương. Ngoài ra, tháng 7-2013, Trúc còn bị TAND TP Phan Rang-Tháp Chàm phạt năm năm tù vì tham gia một vụ cướp khác. Khoảng lặng! Sau khi tòa phúc thẩm tuyên án, gia đình Trúc đã không còn gây náo loạn như ở phiên xử sơ thẩm. Trước đó, không được dự phiên xử, cha mẹ Trúc cứ lên lên xuống xuống bậc cầu thang tòa để nghe ngóng, thăm dò tin tức. Sau khi tòa tuyên án, người mẹ biết con bị y án tử hình đã khóc than vật vã. Chị của Trúc cũng khóc ngất khi chứng kiến em trai bị áp giải ra xe. Ngoài cổng tòa, vợ Trúc - một cô gái trẻ bế cháu bé tám tháng đang bị sốt (được cho là con của Trúc) - cũng nấn ná mãi không chịu về vì không gặp được Trúc. |