Ý kiến trái chiều về loạt tranh vẽ mới ở làng bích họa ven biển

(PLO)- Các hoạ sĩ vừa bổ sung thêm một số bức tranh ở làng bích hoạ Tam Thanh, Quảng Nam. Một số người thích thú nhưng cũng có những người phản ứng, thậm chí yêu cầu xoá bỏ.

Mới đây, các hoạ sĩ vẽ trên tường của các hộ dân thôn Hoà Thượng, xã Tam Thanh (TP Tam Kỳ, Quảng Nam). Những bức vẽ mới được kỳ vọng sẽ làm sống lại khung cảnh làng bích hoạ nức tiếng ở Quảng Nam. Thế nhưng, những bức vẽ vừa hoàn thành bị nhiều người dân địa phương chê xấu, phản ứng gay gắt, thậm chí yêu cầu xoá bỏ.

PLO vừa nhận được phản ánh của một số bạn đọc không đồng tình với những bức họa mới này vì cho rằng không phù hợp với văn hóa, không gian cộng đồng.

Ngay người dân địa phương, những người hàng ngày mở mắt ra là nhìn thấy những bức hoạ này cũng không mấy hài lòng, chê xấu, thậm chí yêu cầu xoá bỏ.

Bà Nguyễn Thị Tài (ngụ thôn Hoà Thượng) cho rằng, các bức tranh mới vẽ quá xấu. “Vẽ hai con bò mà không ra bò. Dân ở đây ai cũng không đồng tình, du khách đến nhìn họ cũng cười, vẽ chi lạ!”, bà Tài nói.

Bức tranh trên tường nhà người dân ở thôn Hoà Thượng. Ảnh: THANH NHẬT

Người dân muốn hình vẽ phải y như đời thật. Họ cho rằng hình ảnh con bò không ra bò, trâu không ra trâu, khó coi. Ảnh: THANH NHẬT

Hình ảnh mô tả hoạt động của người dân địa phương. Ảnh: THANH NHẬT

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Nhân (ngụ thôn Hoà Thượng), cho rằng người dân khu vực này sinh sống, gắn bó với nghề biển. Những bức hoạ mới không mô tả được hoạt động, văn hoá của người dân địa phương, nên thay bằng tranh khác.

“Đợt trước (năm 2015), hoạ sĩ Hàn Quốc đến vẽ rất đẹp, phù hợp văn hoá, đời sống người dân. Còn lần này, các bức vẽ không phù hợp, chúng tôi không ưng ý”, ông Nhân nói.

Tranh vẽ người phụ nữ cõng cá trên vai. Ảnh: THANH NHẬT

Một hoạ sĩ từng tham gia vẽ làng bích hoạ Tam Thanh cùng đội ngũ hoạ sĩ Hàn Quốc, chia sẻ anh rất trân trọng tấm lòng của những hoạ sĩ tham gia và thật sự thấu hiểu tâm ý người dân.

Theo anh này, trong nghệ thuật, có nghệ thuật cộng đồng, nghệ thuật ứng dụng, nghệ thuật sáng tác mang hướng hiện đại, trừu tượng... Do các lãnh đạo không có định hướng, cộng với sự tự do phóng khoáng của các hoạ sĩ vẽ, sáng tác theo phong cách của mình, không bám sâu vào tính cộng đồng, tính ứng dụng nên không đúng với mong muốn của người dân, du khách, khiến du khách và người dân không thể hiểu.

Du lịch cộng đồng khi vẽ phải mang tính thực tế, từng vùng miền, phải mang tính ứng dụng. Vẽ cho dân thường xem thì con trâu phải ra con trâu, con cá phải ra con cá, chứ vùng biển vẽ con cá koi cũng đã không hợp lý rồi...”, vị hoạ sĩ nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến thích thú với những bức họa lần này vì nét vẽ phong phú, ấn tượng. Họ cũng ghi nhận tấm lòng vì cộng đồng của các họa sĩ khi đã đến vẽ miễn phí cho người dân làng biển.

Chị Minh Hiền (ngụ TP Tam Kỳ) chia sẻ: “Bức tranh đẹp hay không là do cảm nhận của người nhìn. Không gian càng rộng lớn, cái đẹp hay nghệ thuật càng khó cắt nghĩa. Đẹp với số đông là dễ nhìn dễ cảm, đẹp trong nghệ thuật là sáng tạo riêng có, là cá tính, là ngôn ngữ khác biệt...”.

Một hình ảnh khác vẽ trên thúng. Ảnh: THANH NHẬT

Ông Trương Thanh Khôi, Chủ tịch UBND xã Tam Thanh, cho biết những bức tranh người dân phản ứng vừa được các hoạ sĩ đến từ TP Đà Nẵng, TP Hà Nội và Quảng Nam thực hiện từ ngày 4 đến 14-4 vừa qua.

Theo ông Khôi, các hoạ sĩ vẽ 25 tranh tường, 55 tranh trên thuyền thúng, 60 tranh trên chum và chín tranh điêu khắc để hoàn thiện, bổ sung thêm cho ngôi làng Bích Hoạ vốn đã nổi tiếng trước đây.

Các hoạ sĩ vẽ hoàn toàn miễn phí, địa phương chỉ hỗ trợ chi phí ăn ở, đi lại.

Sau khi có dư luận, ông Khôi cho biết sẽ lắng nghe ý kiến người dân và tiến hành khảo sát, những bức tranh không phù hợp sẽ xin điều chỉnh lại để vừa đẹp mắt, vừa phù hợp du lịch nhưng vẫn giữ được bản sắc, phong tục tập quán địa phương.

Một số hình ảnh khác do PV ghi lại:

Ảnh: THANH NHẬT

Ảnh: THANH NHẬT

Ảnh: THANH NHẬT

Ảnh: THANH NHẬT

Ảnh: THANH NHẬT

Các bức hình vẽ trên thúng ở Con đường thuyền thúng, xã Tam Thanh. Ảnh: THANH NHẬT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới