Yêu cầu phản tố, có tính thời hiệu?

Tháng 9-2010, Công ty SG (trụ sở tại quận 3, TP.HCM) ký hợp đồng thi công công trình xây dựng tổ hợp văn phòng và khách sạn với Công ty TA (trụ sở tại quận 1). Đến tháng 4-2011, Công ty SG đã thực hiện xong các nghĩa vụ của mình nhưng Công ty TA chỉ mới thanh toán được gần 5 tỉ đồng. Đồng thời, Công ty TA đã nhận hồ sơ quyết toán, hồ sơ hoàn công (có xác nhận của đơn vị tư vấn giám sát) nhưng không ký hồ sơ mà không rõ lý do trong khi số tiền còn lại phải thanh toán theo khối lượng thi công là hơn 1,5 tỉ đồng.

Từ chối yêu cầu phản tố vì hết thời hiệu

Tháng 5-2013, Công ty TA có văn bản gửi Công ty SG xác nhận số tiền cần thanh toán còn lại là hơn 1,5 tỉ đồng nhưng do Công ty SG vi phạm một số nội dung hợp đồng, Công ty TA chưa thống kê được thiệt hại nên thời gian qua Công ty TA chưa thanh toán. Nay Công ty TA đồng ý thanh toán cho Công ty SG số tiền 1 tỉ đồng và đề nghị hai bên thanh lý hợp đồng.

Không đồng ý, ngày 11-5-2015, Công ty SG đã khởi kiện ra TAND quận 1 yêu cầu Công ty TA phải thanh toán hơn 2,2 tỉ đồng cả gốc lẫn lãi. Đến ngày 9-6-2015, Công ty SG đã nộp tiền tạm ứng án phí theo yêu cầu của tòa. Phía Công ty TA cũng có yêu cầu phản tố nhưng tòa không chấp nhận vì cho rằng đã hết thời hiệu khởi kiện là hai năm theo quy định. Sau đó qua thương lượng, hai công ty đã thỏa thuận được với nhau nên Công ty SG rút đơn khởi kiện.

Tính thời hiệu là đúng?

Trong vụ việc trên có một tình huống pháp lý khá lạ là tòa từ chối thụ lý yêu cầu phản tố của bị đơn với lý do hết thời hiệu khởi kiện. Từ đây, một vấn đề pháp lý cần đặt ra: Việc xác định thời hiệu đối với yêu cầu phản tố của bị đơn trong án dân sự, thương mại như thế nào mới đúng?

Theo một thẩm phán TAND quận Gò Vấp (TP.HCM), điểm b khoản 3 Điều 159 BLTTDS quy định thời hiệu khởi kiện là hai năm kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp. Đồng thời, theo khoản 4 Điều 60 và khoản 1 Điều 176 BLTTDS, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn. Yêu cầu phản tố có thể được hiểu là bị đơn “kiện lại” nguyên đơn để bù trừ nghĩa vụ, khấu trừ nghĩa vụ hoặc loại trừ một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn. Như vậy, yêu cầu phản tố của bị đơn cũng chính là yêu cầu khởi kiện. Nếu yêu cầu phản tố đã quá thời hiệu khởi kiện thì tòa sẽ không chấp nhận.

Đồng tình, luật sư Huỳnh Kim Nga (Đoàn Luật sư TP.HCM) bổ sung: Bị đơn cũng phải thực hiện nghĩa vụ đóng tạm ứng án phí đối với yêu cầu phản tố của mình. Như vậy, yêu cầu phản tố cũng là yêu cầu khởi kiện nên yêu cầu này cũng phải tuân thủ quy định về thời hiệu khởi kiện theo Điều 159 BLTTDS.

Không hợp lý?

Ngược lại, luật sư Châu Quý Quốc và luật sư Cao Quang Thuần (Đoàn Luật sư TP.HCM) đều cho rằng vụ kiện được bắt đầu bằng việc khởi kiện của nguyên đơn. Sau khi tòa thụ lý, bị đơn phải tìm hiểu yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là gì để từ đó chấp nhận hay có yêu cầu phản tố. Khoản 3 Điều 176 BLTTDS đã quy định: Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trong bất kỳ thời gian nào trước khi tòa đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Như vậy, thời hiệu khởi kiện chỉ áp dụng đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chứ không áp dụng với yêu cầu phản tố của bị đơn.

Đồng tình, TS Nguyễn Văn Tiến (Trường ĐH Luật TP.HCM) phân tích: Yêu cầu phản tố là một quyền của bị đơn và không bị hạn chế về thời hiệu. Trong các vụ kiện, bị đơn luôn ở thế bị động, phụ thuộc vào các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Nguyên đơn có đưa ra yêu cầu khởi kiện thì bị đơn mới biết mà có yêu cầu phản tố. Nói cách khác, yêu cầu phản tố luôn luôn có sau yêu cầu khởi kiện, khi nào có yêu cầu khởi kiện thì mới phát sinh yêu cầu phản tố.

Mặt khác, Điều 159 BLTTDS quy định “thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện”, có nghĩa đây là quy định dành cho nguyên đơn thực hiện quyền khởi kiện của mình trong một thời hạn nhất định. Đồng thời, quy định tại Điều 176 BLTTDS về quyền yêu cầu phản tố của bị đơn cũng không có nội dung nào xác định bị đơn phải phản tố trong thời hiệu khởi kiện. Cạnh đó, khoản 3 Điều 176 cũng quy định bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước khi tòa ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Như vậy, trong khoảng thời gian từ khi tòa thụ lý vụ án đến trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố bất kỳ lúc nào.

TAND Tối cao nên có hướng dẫn

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều thẩm phán có kinh nghiệm xét xử án dân sự cho biết thực tiễn xét xử ít gặp trường hợp này và pháp luật cũng không có quy định hay hướng dẫn cụ thể.

Tuy nhiên, quan điểm của nhiều thẩm phán hiện nay là yêu cầu phản tố cũng là một yêu cầu khởi kiện ngược của bị đơn nên phải chịu sự điều chỉnh của quy định của BLTTDS về thời hiệu khởi kiện. Để các tòa, các thẩm phán áp dụng thống nhất và không gây ra tranh cãi thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cần có hướng dẫn về vấn đề này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới