Ông Nguyễn Ngọc Tâm (43 tuổi, ngụ thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ, Bình Định) gửi đơn kêu cứu đến báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh tình cảnh khốn cùng của gia đình ông sau tai nạn giao thông xảy ra từ năm 2011 mà ông là nạn nhân. Tai nạn giao thông này (xảy ra trên quốc lộ 1 đoạn qua xã An Cư, huyện Tuy An, Phú Yên ngày 23-1-2011) làm ông Tâm bị thương tích đến 91%, phải ngồi xe lăn từ đó đến nay.
Tàn phế vì TNGT
Do cột sống bị gãy, phần lớn thần kinh bị liệt nên ông Tâm chỉ ngồi một chỗ trên xe lăn, mọi sinh hoạt đều phải có người khác trợ giúp. Từ khi ông Tâm bị tai nạn đến nay gia đình phải vay mượn khắp nơi để có tiền mua thuốc điều trị cho ông.
Gia đình ông Tâm là hộ nghèo đặc biệt khó khăn nên không nơi nào cho vay. Ngay cả ngôi nhà cấp bốn của vợ chồng ông Tâm cũng đã phải đem thế chấp lấy vài chục triệu đồng mua thuốc. Trong khi đó, theo gia đình ông Tâm, từ khi xảy ra tai nạn đến nay các chủ xe, người gây tai nạn đều bỏ mặc nạn nhân, không hề một lần đến thăm hỏi sống chết thế nào. Hiện gia đình ông đã hoàn toàn kiệt quệ, không còn tiền mua thuốc điều trị, trong khi thương tật của ông Tâm ngày càng nặng, nhiều chỗ trên người ngày càng lở loét.
“Hơn bốn năm qua tôi đã phải nghỉ làm, ở nhà lo cho chồng nên gia đình không còn một nguồn thu nhập. Giờ ngay cả cơm ăn hằng ngày cho hai con nhỏ cũng không có. Quá bức bách, gia đình tôi mấy lần đề nghị chủ xe gây tai nạn ứng tiền để chữa trị thương tật cho chồng tôi thì họ nói chờ tòa án xử rồi mới tính. Đến khi tòa xử xong, án có hiệu lực rồi họ cũng không chịu thi hành án (THA)” - bà Đỗ Thị Duyên, vợ ông Tâm, uất nghẹn.
Dù bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng người bị hại Nguyễn Ngọc Tâm vẫn chưa nhận được tiền bồi thường để điều trị thương tật. Ảnh: TẤN LỘC
Ngồi xe lăn từ tỉnh này qua tỉnh khác để xác minh?
Tại bản án hình sự phúc thẩm ngày 26-5, TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên buộc ông Trần Thanh (ngụ xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, Bình Định, chủ xe gây tai nạn) và ông Nguyễn Ngọc Trọng (ngụ thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ, chủ xe - người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) phải bồi thường cho ông Nguyễn Ngọc Tâm hơn 405 triệu đồng. Số tiền này bao gồm các khoản thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại, tiền ông Tâm mất thu nhập (4 triệu đồng/tháng), tiền công người nuôi ông Tâm (3 triệu đồng/tháng).
Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, ngày 16-6, ông Tâm có đơn yêu cầu Chi cục THA dân sự huyện Tuy An THA cho ông các khoản bồi thường trên. Thế nhưng ngày 22-6, Chi cục THA dân sự huyện Tuy An có văn bản yêu cầu ông Tâm trong thời hạn 15 ngày phải cung cấp thông tin về điều kiện THA (tài sản, tài khoản…) của hai ông Trần Thanh và Nguyễn Ngọc Trọng, có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đối với tài sản, tài khoản… cung cấp; các thông tin cung cấp phải bằng văn bản gốc hoặc bản chính. Văn bản này còn nêu: Nếu quá thời hạn 15 ngày mà ông Tâm không bổ sung hoặc bổ sung không đúng nội dung yêu cầu trên thì cơ quan này không thụ lý đơn yêu cầu THA.
Ông Tâm nhờ người làm đơn, có xác nhận của chính quyền địa phương, trình bày hoàn cảnh hiện nay hai chân ông bị liệt không thể đi lại để xác minh, cung cấp thông tin về điều kiện THA theo yêu cầu của cơ quan THA nên đề nghị cơ quan này xác minh tài sản, điều kiện THA giùm. Thế nhưng đến nay Chi cục THA dân sự huyện Tuy An vẫn chưa có phản hồi.
Ông Tâm nói trong nước mắt: “Suốt ngày tôi phải ngồi một chỗ trên xe lăn, mọi sinh hoạt đều phải nhờ đến vợ tôi. Vậy mà họ yêu cầu tôi phải đi xác minh với những điều kiện hết sức ngặt nghèo. Ngay cả những người khỏe mạnh cũng khó mà thực hiện được các yêu cầu đó. Giờ tôi chỉ biết ngồi chờ chết!”.
Hành xử quá máy móc
Giải thích sự việc trên với Pháp Luật TP.HCM, ông Đỗ Văn Trường, Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự huyện Tuy An, nói: “Do ông Tâm gửi đơn yêu cầu THA trước ngày 1-7-2015 nên người được THA phải xác minh, cung cấp thông tin, điều kiện THA. Cán bộ cơ quan THA hướng dẫn theo quy định cũ nhưng ông Tâm không phúc đáp yêu cầu. Từ ngày 1-7, bắt đầu áp dụng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THA dân sự nên người được THA không nhất thiết phải cung cấp hay xác minh các thông tin về điều kiện THA nữa. Nếu cung cấp được thì tốt, không cung cấp được thì thôi, cơ quan THA sẽ làm”.
Ông Trường cho hay chỉ cần ông Tâm gửi lại đơn yêu cầu thì Chi cục sẽ thụ lý và giải quyết vụ việc.
Trong khi đó, ông Tâm khẳng định đến nay ông không hề được Chi cục THA dân sự huyện Tuy An giải thích hay hướng dẫn thực hiện quy định mới về THA.
Một luật sư ở Phú Yên bày tỏ: “Do ông Tâm không biết nên mới nộp đơn yêu cầu THA gần thời điểm luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THA dân sự có hiệu lực. Lẽ ra Chi cục THA dân sự huyện Tuy An phải có trách nhiệm giải thích cụ thể cho ông Tâm biết về quy định mới, sau đó hướng dẫn ông này làm lại đơn. Trong khi chỉ còn tám ngày nữa là áp dụng quy định mới nhưng cơ quan này lại ra văn bản yêu cầu một người bị liệt phải đi xác minh, cung cấp thông tin, điều kiện THA như vậy là quá máy móc, thiếu trách nhiệm, thiếu nhân văn”.
Nạn nhân từng kiệt sức vì tòa ngâm án Liên quan đến vụ việc trên, báo Pháp Luật TP.HCM ngày 6-11-2014 có bài “Án bị ngâm vì… thẩm phán hết nhiệm kỳ”. Bài báo phản ánh: Sau khi TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại, TAND huyện Tuy An đã ngâm 28 tháng mới đưa ra xét xử lại, mặc dù VKS đã hai lần kiến nghị đưa vụ án ra xét xử, mặc cho người bị hại kiệt sức chờ tiền bồi thường để điều trị thương tật. Một trong những lý do khiến vụ án bị ngâm kéo dài triền miên là người được phân công làm chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án này đã hết nhiệm kỳ thẩm phán nên không thể tiến hành tố tụng. Chính vì thế đến nay đã bốn năm rưỡi từ khi xảy ra vụ tai nạn nhưng nạn nhân vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. |